Việc thực hiện lộ trình tăng viện phí tính cả tiền lương sẽ giúp các bệnh viện chấm dứt tình trạng thu các khoản cao hơn quy định, hoặc thu các khoản không có trong quy định.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, thông tư 37 quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc do liên Bộ Y tế – Tài chính ban hành, mức giá của gần 2.000 dịch vụ y tế gồm cả tiền lương dự kiến áp dụng từ ngày 1/7.

{keywords}

Đợt tăng viện phí đầu tiên sẽ bắt đầu từ tháng 8/2016.

Cụ thể, mỗi đợt điều chỉnh giá viện phí sẽ thực hiện ở 8- 12 tỉnh, thành phố. Vào đợt tăng viện phí gần nhất dự kiến áp dụng từ tháng 8/2016 tại các địa phương có tỉ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 95%. Đợt 2 vào tháng 10/2016 tại các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tham gia BHYT khoảng 90% và có mức tác động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp. Đợt 3 được thực hiện vào tháng 11 tại nơi có tỉ lệ bao phủ BHYT 85%. Đợt 4 vào tháng 12 tại địa phương có tỉ lệ bao phủ BHYT trên 80%. Đợt 5 vào tháng 1/2017 sẽ điều chỉnh tại các tỉnh còn lại.

Các cơ sở khám chữa bệnh ở trung ương đóng trên địa bàn nào sẽ thực hiện mức giá viện phí có tiền lương cùng thời điểm với địa phương. Những dịch vụ kỹ thuật có chi phí tiền lương cao như tiền ngày giường; các phẫu thuật được xếp loại đặc biệt… sẽ có mức tăng cao. Các dịch vụ sử dụng ít nhân lực, chi phí tiền lương trong giá dịch vụ thấp như các dịch vụ chiếu chụp, chẩn đoán, xét nghiệm có mức tăng thấp hơn.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, với phương án thực hiện này thì giá dịch vụ y tế tác động vào CPI từ nay đến cuối năm chỉ ở mức dưới 2%. Còn chuyển sang tháng 1/2017, về cơ bản không ảnh hưởng đến các đơn vị vì ngân sách năm 2016 vẫn được phân bổ tiền lương, không phải tính toán để thu hồi lại số tiền đã phân bổ cho các đơn vị.

Việc thực hiện lộ trình tăng viện phí tính cả tiền lương này sẽ giúp các bệnh viện chấm dứt tình trạng thu các khoản cao hơn quy định, hoặc thu các khoản không có trong quy định.

Đại diện Bộ Y tế cũng yêu cầu, các bệnh viện phải dành tối thiểu 5% từ nguồn thu để nâng cấp, cải tạo cơ sở khám chữa bệnh ngoại, nội trú, tăng giường bệnh, mua bổ sung, thay mới chăn ga, gối đệm, quạt… để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Được biết, giai đoạn điều chỉnh tăng giá viện phí này chỉ áp dụng với các bệnh nhân sử dụng BHYT, các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, từ nguồn xã hội hóa (không BHYT) vẫn thực hiện theo mức giá cũ hiện hành. Đối với các dịch vụ khám chữa theo yêu cầu, các bệnh viện cũng phải tính toán xây dựng mức giá một cách đầy đủ, đúng hướng dẫn, không xây dựng theo mức dự kiến thu của dịch vụ.

Tuy nhiên, tới thời điểm thực hiện giá viện phí tính cả tiền lương bác sĩ sẽ tính chung cho cả người có BHYT và người không có BHYT. Vì thế, các địa phương cần thúc đẩy quá trình bao phủ BHYT toàn dân, để người dân không gặp khó khăn khi đi khám chữa bệnh do không có BHYT.

Trước đó, từ ngày 1/3/2016, Liên bộ Y tế – Tài chính đã điều chỉnh gần gần 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế với tăng bình quân khoảng 30% và chỉ áp dụng cho bệnh nhân có BHYT.

Theo lộ trình này, đến năm 2018, giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý.

Đến năm 2020 giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Khi đó, giá dịch vụ y tế sẽ được tính đúng tính đủ bao gồm 7 yếu tố chi phí gồm: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)