Đặt niềm tin nhầm chỗ

Một ngày tháng Tư, trong lúc truy cập mạng xã hội, chị N.T.T.T. (SN 1993, Đắk Lắk) thấy nhiều người đăng thông tin bị lừa sang Campuchia làm việc. Các tài khoản này khẩn thiết xin kinh nghiệm, giúp đỡ từ những người từng bị lừa và đã trở về an toàn.

Từng bị lừa sang Campuchia làm việc, chị T. phản hồi tin nhắn, chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân. Chị hy vọng những thông tin của mình có thể giúp các nạn nhân được giải cứu một cách an toàn. 

Chị T. bị người quen lừa sang Campuchia làm việc vào tháng 6 năm ngoái. Trước đó, chị mở tiệm làm đẹp tại quê nhà. Tiệm khai trương chưa bao lâu thì đại dịch ập đến, chị buộc phải tạm đóng cửa.

Khi dịch bệnh được không chế, chị T. mở cửa trở lại. Tuy vậy, tiệm không có khách. Sau vài tháng cầm cự, chị hết vốn buộc phải đóng cửa. Để mưu sinh, chị ra Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) làm thuê.

Trong lúc công việc bấp bênh, chị được một người quen giới thiệu có việc nhẹ, lương cao tại Campuchia. Người này nói với chị rằng mình quen thân với một người Campuchia. Cả hai mở công ty riêng và đang cần nhân viên thống kê.

buon-nguoi-2.jpg
Nơi làm việc của chị T. khi bị lừa sang Campuchia. Ảnh: NVCC

Sau đó, chị được cả hai mời sang làm ở công ty vừa thành lập trong vai trò nhân viên thống kê với lương khởi điểm từ 900 - 1.000 USD. Nếu làm tốt, sau vài tháng, lương, thưởng của chị có thể tăng lên đến 3.000 USD/tháng.

Tin lời, chị chấp nhận mạo hiểm và được người của công ty lên kế hoạch đưa sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch. Tại nước bạn, chị T. được làm việc trong văn phòng của công ty có địa chỉ tại Bavet, tỉnh Svay Rieng.

Tuy vậy, chỉ sau ít ngày làm việc, chị phát hiện mình đang làm cho một công ty chuyên dụ dỗ người khác đầu tư tài chính. 

Chị T. kể: “Qua Campuchia, tôi được làm việc trong văn phòng như đã trao đổi từ trước. Tuy nhiên, họ yêu cầu tôi lập tài khoản mạng xã hội ảo để dụ dỗ, mời gọi người khác đầu tư tiền vào công ty, chứ không phải làm nhân viên thống kê.

Tại đây, tôi làm chung với rất nhiều người Việt Nam. Chúng tôi được giao chỉ tiêu làm việc. Ai đảm bảo chỉ tiêu thì mới được trả lương. Nếu ai không làm, hoặc có ý định trốn sẽ bị đánh đập”.

Phát hiện mình bị lừa, chị T. lo lắng, tìm cách trở về nước. Sau khi đặt vấn đề nghỉ việc, chị được công ty yêu cầu nộp 20 triệu đồng tiền chuộc. Công ty giải thích, đây là chi phí vượt biên bằng đường tiểu ngạch, phí ăn ở, tiền trang bị vật dụng cá nhân…

Chị T. chia sẻ: “Tôi may mắn không bị tịch thu điện thoại mà chỉ được yêu cầu sử dụng sim của họ. Chỉ khi bị bán vào các động mại dâm, hoặc ra đảo xa, nạn nhân mới bị tịch thu điện thoại. Vì thế, tôi vẫn liên lạc được với gia đình thông qua mạng xã hội.

Khi biết mình bị lừa và thỏa thuận được số tiền chuộc thân, tôi lập tức liên lạc với gia đình chuẩn bị tiền. Tôi biết, nếu chậm trễ, họ sẽ bán tôi cho công ty khác. Lúc này không chỉ số tiền chuộc tăng cao mà còn rất khó trở về”.

Kinh nghiệm

Ngày nghe tin con gái bị lừa sang Campuchia, phải nhờ gia đình chuẩn bị tiền chuộc thân, mẹ chị T. khóc cạn nước mắt. Bà liên hệ, trình báo cơ quan công an địa phương nhờ giúp đỡ.

Trong lúc chờ cơ quan chức năng giải cứu, chị T. nhận thấy người của công ty có ý định bán mình cho đơn vị khác. Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội được trở về gia đình của chị sẽ giảm đi. 

Thế nên, chị quyết định nhờ bạn bè tìm cách giúp đỡ. Chị nói: "Tôi biết gia đình đã báo công an nhưng đợi cơ quan chức năng vào cuộc sẽ mất thời gian vì còn phải làm nhiều thủ tục. Như thế, số tiền chuộc sẽ tăng cao. 

Tôi cũng không thể nhờ đại sứ quán can thiệp vì bản thân qua Campuchia bằng đường bất hợp pháp. Trong khi đó, người của công ty đòi tiền chuộc ngay trong ngày, nếu không sẽ bán tôi cho công ty khác.

Thấy vậy, tôi liên lạc, nhờ tất cả bạn bè hỗ trợ. May thay bạn tôi quen biết và nhờ được 2 anh chị người Việt đang làm việc tại Phnom Penh. Bạn tôi chạy tiền và nhờ người này hỗ trợ, đến tận công ty đưa tiền chuộc để tôi được tự do, rời công ty".

buon-nguoi-1.jpg
Sau chuyến đi nhớ đời, chị T. không bao giờ có ý định xuất ngoại tìm việc nhẹ lương cao nữa. Ảnh minh họa: P.X

Theo kế hoạch, 2 người này mang theo tiền mặt đến công ty nơi chị T. đang làm việc. Khi chị  T. được tự do, ngồi lên xe của mình, cả hai mới giao tiền chuộc.

Sau đó, cả hai đưa chị T. về nhà mình, rồi nhờ một người thường xuyên qua lại giữa Campuchia và Việt Nam đưa chị về nước. Bằng cách này, chị T. được giải cứu thành công, trở về nước an toàn.

Sau chuyến đi nhớ đời, chị không bao giờ có ý định xuất ngoại tìm việc nhẹ lương cao nữa. Trở về quê nhà, chị T. xin được công việc làm lễ tân tại khách sạn.

Dù mức lương khiêm tốn, chị vẫn hài lòng thậm chí cảm thấy mình may mắn. Bởi, chị biết rằng hiện còn nhiều người bị lừa như mình chưa thể trở về. 

Chị tâm sự: “Tôi mất một số tiền để chuộc thân, nhưng vẫn thấy mình may mắn vì có thể trở về an toàn. Tôi rất mong những thông tin, kinh nghiệm của mình có ích, có thể hỗ trợ phần nào cho các bạn cùng hoàn cảnh, vẫn chưa thể trở về. 

Khi biết mình bị lừa, các bạn nên nhanh chóng đặt vấn đề được thôi việc, trở về và liên hệ với cơ quan chức năng, gia đình để được giải cứu an toàn, sớm nhất.

Trong trường hợp buộc phải nộp tiền chuộc, các bạn nên nhờ người thân quen, có thể tin tưởng đến tận nơi để thực hiện giao dịch. Nhất định phải đón được người mới giao tiền chuộc".

"Tôi cũng mong các bạn khi nhận được lời mời gọi sang nước bạn làm việc nhẹ, lương cao phải thật cẩn trọng để không bị lừa. Bởi, nhiều trường hợp khi phát hiện bị lừa bán sang nước bạn dù đã tốn rất nhiều tiền bạc vẫn chưa thể trở về", chị nói.

Bên trong 'sào huyệt' của những kẻ buôn người ở Campuchia

Bên trong 'sào huyệt' của những kẻ buôn người ở Campuchia

Bị dụ dỗ sang Campuchia làm việc với mức lương cao, những thanh thiếu niên nhẹ dạ đi theo đám người lạ rồi bị giam giữ bên trong các toà nhà. Hằng ngày, các em phải thực hiện hành vi lừa đảo người khác qua mạng giống như mình đã từng bị sập bẫy.