Tổng cộng anh H. đã đóng hơn 3,2 tỷ đồng nhưng vẫn không “sờ” được giải thưởng. Khi “đối tác” tiếp tục yêu cầu anh H. phải chuyển tiếp 84.000 USD nữa thì anh mới lờ mờ nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo nên đã báo Công an TP Hà Nội.

Trong thời gian qua, tình trạng các băng nhóm lừa đảo do người nước ngoài cầm đầu rộ lên tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhưng “đầu mối” tập trung chính là 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nếu như trước đây, các đối tượng lừa đảo chỉ “săn mồi” với đối tượng là những người kém hiểu biết, người già, nội trợ... ít cập nhật thông tin thời sự, thì nay các đối tượng đã liều lĩnh “tấn công” vào cả giới trí thức, doanh nghiệp...

Anh H.V.H. (44 tuổi, ngụ tại Hà Nội) là một doanh nghiệp cho biết, ngày 2-3 anh bất ngờ nhận được tin nhắn từ một số điện thoại ở Anh báo là anh đã trúng thưởng 1 triệu USD của một công ty viễn thông tại Mỹ. Để nhận được giải thưởng này, “đối tác” yêu cầu anh H gửi thông tin cá nhân qua địa chỉ email.

Liên hệ qua email trong tin nhắn, anh H. được xác nhận là "đã trúng thưởng" 1 trong 3 giải thưởng của công ty này (mỗi giải thưởng 1 triệu USD) và công ty viễn thông tại Mỹ nơi anh H. trúng thưởng đã ủy quyền cho một ngân hàng có trụ sở tại New York (Mỹ) trao thưởng. Vì vậy, anh H. phải liên lạc với ngân hàng này để làm thủ tục nhận thưởng.

Khi liên lạc theo email và số điện thoại do “đối tác” cung cấp, anh H. gặp lãnh đạo ngân hàng tại New York và tận mắt nhìn thấy qua email “giấy chứng nhận trúng thưởng” và các mẫu xác nhận giải thưởng 1 triệu USD đã thuộc về người trúng thưởng.

{keywords}

Đối tượng Ihugba Augustine Chinonso và Onu Chinonso Peter (quốc tịch Nigeria) và phương tiện dùng lừa đảo.

Đồng thời, phía ngân hàng cho biết sẽ giới thiệu cho anh H. người đại diện pháp lý của anh ở nước ngoài để thay anh hoàn tất mọi thủ tục về việc nhận giải thưởng. Sau khi làm xong thủ tục, sẽ có 2 cách do anh lựa chọn để anh nhận thưởng 1 triệu USD. Thứ nhất là anh H. trực tiếp sang Mỹ để nhận thưởng; Thứ hai là anh nhận số tiền thưởng qua online (tức chuyển khoản).

Mặc dù đưa ra 2 hình thức để anh H. lựa chọn nhưng “phía ngân hàng” thuyết phục anh H. chọn phương án lãnh thưởng qua online vì sẽ tiết kiệm được chi phí rất lớn. Chi phí nhận thưởng qua online chỉ tốn 115 USD.

Thấy hợp lý, anh H. đồng ý chọn phương án nhận thưởng qua online. Sau khi đóng 115 USD, ngày 8-3, “đối tác” yêu cầu anh H. thanh toán thêm 3.870 USD là chi phí cho người đại diện của anh tại nước ngoài thay anh làm các thủ tục hồ sơ nhận thưởng và chờ 1-2 ngày sau anh sẽ nhận được tiền thưởng.

Ngày 10-3, đến thời hạn nhận thưởng, anh H. nhận được email của “đối tác” trong lòng khấp khởi mừng thầm, nhưng ngay sau đó anh như bị giội một gáo nước lạnh vào mặt. Nội dung trong email không phải thông báo anh H. nhận thưởng mà “đối tác” thông báo “hung tin” giải thưởng 1 triệu USD này chưa khai báo với “Quỹ chống khủng bố” và “Quỹ chống rửa tiền”. Vì vậy, anh H. phải thanh toán tiếp 15.000 USD để xác nhận giải thưởng không thuộc hai quỹ trên.

Nếu không đóng đủ khoản phí trên, theo Luật của Liên hợp quốc thì lý lịch của anh sẽ bị lưu vào “danh sách đen” và bị bêu trên toàn cầu. Hoảng quá, anh H. vội đóng khoản phí phát sinh trên và qua email anh được cấp 2 giấy chứng nhận là tiền thưởng 1 triệu USD không thuộc “Quỹ chống khủng bố” và “Quỹ chống rửa tiền”.

Chưa kịp hoàn hồn, anh H. lại tiếp tục nhận thông báo qua email rằng tiền thưởng của anh đã chuyển vào ngân hàng ở Thụy Sỹ và ngân hàng này có đại diện tại Việt Nam. Vì vậy, để số tiền thưởng của anh H. từ ngân hàng ở Thụy Sỹ quay về lại ngân hàng tại Việt Nam thì anh H. phải đóng phí 2,87% tổng giải thưởng (tương đương 28.700 USD).

Mặc dù thấy các khoản thuế, phí đóng quá lớn nhưng nghĩ đến giải thưởng “khủng” sắp nhận được, anh H. cố “bấm bụng” đi vay mượn tiếp để đóng đủ tiền theo yêu cầu. Thế nhưng, chưa dừng lại ở đó, “đối tác” lại tiếp tục thông báo khoản tiền thưởng của anh H. đã “bay” sang Anh và yêu cầu anh H. phải tiếp tục đóng hàng loạt các khoản thuế, phí... để lãnh thưởng. Tổng cộng anh H. đã đóng hơn 3,2 tỷ đồng nhưng vẫn không “sờ” được giải thưởng.

Đến ngày 22-3, khi “đối tác” tiếp tục yêu cầu anh H. phải chuyển tiếp 84.000 USD nữa và với món tiền này anh không thể vay mượn ở đâu được nữa thì anh mới lờ mờ nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo nên đã báo Công an TP Hà Nội.

Cũng trong khoảng thời gian này, tại TP Hồ Chí Minh, Đội 8 - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ bắt băng nhóm lừa đảo qua việc kết bạn trên mạng xã hội Facebook để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức” gồm: Ihugba Augustine Chinonso (30 tuổi), Onu Chinonso Peter (31 tuổi), đều có quốc tịch Nigeria).

Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (25 tuổi) và Trần Viết Hùng (34 tuổi), đều ngụ TP Hồ Chí Minh. Lê Văn Nhóc (21 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh), Phạm Trường Thành (23 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) và Nguyễn Văn Hải (ngụ tỉnh Bình Thuận).

Trong các tài khoản dùng chuyển tiền lừa đảo do nhóm đối tượng này thực hiện có tài khoản mang tên Trương Văn Đạt. Đây cũng chính là tài khoản mà “đối tác” yêu cầu anh H. chuyển 46.600USD vào ngày 22-3 để nhận giải thưởng 1 triệu USD.

Đến lúc này, anh H. mới tá hỏa vì không còn nghi ngờ gì nữa, anh đã bị “sập bẫy lừa” của bọn lừa đảo do đối tượng người nước ngoài cầm đầu. Ngày 5-4, anh H. đáp máy bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để trình báo với cơ quan điều tra.

Không chỉ anh H., còn một số “nạn nhân” nữa là nhân viên hãng hàng không, nhân viên văn phòng... cũng đã bị lừa với thủ đoạn tương tự. Đây là thủ đoạn hoàn toàn mới hết sức tinh vi của các đối tượng lừa đảo, mọi người cần cảnh giác.

“Thấy địa chỉ các email trao đổi đều có đuôi là tổ chức nước ngoài và giấy xác nhận trúng thưởng có chữ ký, con dấu, nên tôi tin mình trúng thưởng thật. Hơn nữa, cứ mỗi lần đóng tiền, bọn chúng đều kêu đó là khoản tiền cuối cùng tôi phải đóng nên tôi tưởng thật cứ lao đầu vào đóng. Càng đóng, số tiền càng lớn, nợ nần chồng chất nhưng tôi không thể dừng lại vì nếu dừng tôi sẽ bị mất trắng số tiền đã đóng và mất luôn tiền thưởng”, anh H. bức xúc.

Theo CAND