- "Rõ ràng, nếu bạn không phải chuyên gia giao thông thì bạn quả quyết ngay là do xe container. Còn dưới góc độ người trong ngành giao thông, đây không phải là nguyên nhân chính, không nên đổ tội cho container!"
Tiến sĩ Phạm Sanh - chuyên gia nguyên cứu về giao thông tại TP.HCM trả lời phỏng vấn VietNamNet về tình trạng sụt lún trên đại lộ ngàn tỷ Mai Chí Thọ (P. An Phú, Q.2, TPHCM), tâm điểm của truyền thông mấy ngày qua.
Theo ông Sanh, từ tháng 8/2010, đường Mai Chí Thọ, hay đúng hơn là dự án đại lộ Đông Tây và hầm vượt sông Sài Gòn đã phát huy hiệu quả rất tốt, giải bài toán bất cập về giao thông cho TP.HCM: giảm ùn tắc và TNGT các trục đường dẫn về các tỉnh miền Tây; vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị; nối kết thành phố với khu đô thị mới Thủ Thiêm, với các quận 2, 9, Thủ Đức và với các tỉnh miền Đông…
Hình ảnh đoạn đường Mai Chí Thọ bị lún trước khi sửa chữa |
Thế nhưng, đáng tiếc chất lượng xây dựng tuyến đường này lại không như mong muốn. Sau khi đưa vào khai thác không lâu, mặt đường có hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, sụp lún nặng.
Dù chủ đầu tư đã nhiều lần khắc phục, sửa chữa nhưng tình trạng trên vẫn tồn tại.
Đoạn bị lún tại nút giao thông gần khu vực giao lộ Đồng Văn Cống đến giao lộ Nguyễn Thị Định được sửa chữa 3 lần nhưng lún lại hoàn lún. Mãi đến cuối năm 2014 chủ đầu tư mới tiến hành bốc dỡ lớp nhựa trên bề mặt đường và đổ bê tông cứng trên diện tích rộng.
Đây không thể gọi là sửa chữa, đúng nghĩa là 'làm mới lại đường'. Cụ thể, lớp nhựa được bóc, dỡ bỏ để thay thế bằng bê tông xi măng dày 43 phân, một đoạn khác thì xử dụng bê tông nhựa polime có độ dai và chịu cường lực tốt hơn.
Đến nay, sau hơn 5 tháng “sửa chữa, làm mới”, chưa thấy sự cố nào xảy ra trên đoạn này nữa.
- Hiện, mặt đường Mai Chí Thọ tình trạng lún nặng gây mất an toàn giao thông. Ông cho biết hiện trạng này do đâu?
Mặt đường hư lần này chủ yếu tại đoạn kết nối với nút giao thông cầu vượt Cát Lái ra xa lộ Hà Nội. Thực chất đã hư cách đây vài tháng và gần đây mới xảy ra lún nặng. Nhiều người cho rằng xe container chính là thủ phạm chính gây ra hư hỏng đường.
Bởi vì sao, cũng là một tuyến đường, nhưng đường Mai Chí Thọ từ cầu vượt sông Sài Gòn đến khu vực giao lộ Đồng Văn Cống hằng ngày có rất ít xe container lưu thông. Trước đây và tới nay không thấy hiện trạng hư hỏng.
Sửa chữa mặt đường bị lún ngày 23/5 |
...tuy nhiên vừa sửa chữa xong, đoạn đường này lại bị lún trở lại (ảnh chụp ngày 26/5) |
Nhưng ngược lại, đoạn đường có lượng xe container lưu thông nhiều là đoạn từ giao lộ Đồng Văn Cống đến khu vực giao với đoạn kết nối nút giao thông cầu vượt Cát Lái ra xa lộ Hà Nội lại xảy ra lún, hư hỏng.
Rõ ràng, nếu bạn không phải chuyên gia giao thông thì bạn quả quyết ngay là do xe container.
Còn dưới góc độ người trong ngành giao thông, đây không phải là nguyên nhân chính, không nên đổ tội cho container!
Phân tích kỹ sẽ thấy, trước khi làm đường Mai Chí Thọ, xe container đã chạy trên tuyến đường Tỉnh lộ 25B để vào cảng Cát Lái rồi.
Tại sao tình trạng lún này không xảy ra trên đường Xa lộ Hà Nội, Đồng Văn Cống mà lại là đường Mai Chí Thọ? Điều này, chúng ta nên cân nhắc và xem xét kỹ. Do đó, theo tôi thủ phạm chính gây ra tình trạng lún là do thiết kế.
Các nguyên nhân khác như do container, địa chất, nền móng công trình, biên độ nhiệt, thi công kém chất lượng...chỉ là những nguyên nhân phụ thôi.
- Tại sao khâu thiết kế có vấn đề? Ông nói rõ hơn tại sao đây là thủ phạm chính gây ra tình trạng lún trên đường Mai Chí Thọ?
Theo quy định, đường có xe gì chạy thì phải thiết kế đường phù hợp cho số lượng xe đó và chủng loại xe đó. Đặc biệt, nếu xe container chạy nhiều thì phải thiết kế riêng cho xe container chạy..
Lỗi là ở thiết kế không tính toán cụ thể cho tải trọng trục loại xe này trên nền đất yếu theo các tiêu chuẩn thiết kế hiện hành và thông lệ quốc tế. Điều này có cơ sở, nếu không do lỗi khảo sát và thiết kế, không ai đi phá bỏ kết cấu cũ thay bằng một kết cấu mặt đường hoàn toàn khác trong đợt cuối năm 2014 vừa rồi.
Hơn nữa nếu cho rằng hư hỏng là do lượng xe container ra vào cảng Cát Lái, tại sao dòng xe này cũng chạy trên đường xa lộ Hà Nội và đại lộ Nguyễn Văn Linh lại không gây hư lún vết bánh xe? Do lỗi khảo sát thiết kế, chỉ cần thi công hơi “yếu”, lượng xe container dồn ứ chạy chậm, sẽ làm tăng tốc độ hư hỏng mặt đường; không khảo sát kỹ, không để ý đến lượng xe container và lớp xe container trên tuyến đường này…
- Vừa qua, ngày 23 và 24/5, đoạn đường bị lún đã được chữa, thế nhưng, chỉ một vài ngày sau tình trạng lún, trồi nhựa lại xuất hiện, thưa ông?
Chuyên gia nghiên cứu về giao thông - ông Phạm Sanh cho rằng tuyến đường này bị "lỗi" từ khâu thiết kế |
Cạo đi lớp nhựa trên mặt và tráng lên một lớp nhựa mới để mặt đường bằng phẳng hơn, thế nhưng, vừa mới tráng lên thì đã bị lún lại rồi. Cách sửa chữa này chẳng khác gì so với cách sửa chữa cách đây mấy năm.
Việc sửa chữa này chỉ mang tính chất tạm thời, chỉ giúp cho việc đi lại thông suốt thôi. Vì sao vừa sửa nó lại hư liền, có thể do đoạn này đường bị cong và dốc nữa.
- Ông có kế sách gì để khắc phục tình trạng này trước mắt và phương án lâu dài để không xảy ra tình trạng trồi sụt, lún đường tương tự?
Ngay từ những lần hư hỏng trước đây, ai cũng thấy đây là hiện tượng lún theo vệt bánh xe, một dạng hư hỏng rất thường xảy ra với kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Nhưng khi đánh giá, các đơn vị có trách nhiệm lại liệt kê ra rất nhiều nguyên nhân, không phân biệt đâu là yếu tố cơ bản, lúng túng chậm chạp trong cách giải quyết sự cố.
Theo tôi, do ban quản lý dự án thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm và không loại trừ suy nghĩ cả nể đơn vị tư vấn, nhà thầu nước ngoài Nhật Bản, cũng như tính phức tạp của một dự án quan trọng có yếu tố nước ngoài do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư (lúc đầu).
Tôi cho rằng sụp lún trên đường Mai Chí Thọ là sự cố cấp 1, mang tính chất nghiêm trọng của một dự án lớn. Do đó, Chính phủ phải giao Bộ GTVT hoặc Bộ Xây dựng xuống xử lý sự cố, lập hội đồng.
Bộ nên mời một đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài có năng lực, khách quan để kiểm định. Sau khi xác định được nguyên nhân thì quy trách nhiệm cho từng bộ phận và lên phương án sửa chữa dứt điểm.
Đồng thời, giao Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện dự án này để rút kinh nghiệm cho các dự án tương tự khác.
- Cám ơn ông !
Tuấn Kiệt (thực hiện)