Lâu nay thường có yêu cầu, đề xuất, hiến kế “thi tuyển người tài”, “trả lương cao cho người tài”, thậm chí tới 120 triệu đồng/tháng, rồi có cả lời kêu ca “người tài bỏ đi” khỏi hệ thống công.
Đã là người tài vì dân, vì nước thì việc gì phải thi tuyển! Những vị tiền bối tài năng, mưu lược trong các cuộc kháng chiến, trong xây dựng đất nước đâu có phải “thi”. Người tài bỏ đi vì lương trả không cao thì sao lại gọi là người tài được! Thậm chí, nếu người tài là quan chức mà đòi lương 120 triệu đồng/tháng, cao hơn lương Chủ tịch nước tới nhiều lần, thì người dân nào đồng tình cho được!
Người tài đâu chỉ làm quan?! Một quốc gia 100 triệu dân như Việt Nam thiếu gì người tài, nhân tài trong các lĩnh vực đời sống. Người tài không chỉ hạn hẹp trong bộ máy nhà nước mà rộng ra trong toàn bộ hoạt động thực tiễn của toàn xã hội.
Người tài là dân, từ dân đã làm nên nhiều sự nghiệp lớn, đặc biệt là phát triển kinh tế để ngân sách Nhà nước có thêm nhiều nguồn thu mới, để từ đó nhà nước trả lương cho công chức, viên chức.
Người tài là dân thì dân mới giầu, nước mới mạnh; còn người giầu là quan thì dân chưa chắc đã giầu, nước chưa chắc đã mạnh. Quan chức lo cái lo của muôn nhà mới làm quan bền vững, chứ lo cho một nhà thì họa đến kề bên. Người tài làm quan là để dân giầu, nước mạnh chứ không phải là để làm giầu cho mỗi một mình mình.
Người tài không chỉ cần cho vận hành bộ máy nhà nước hiệu lực, hiệu quả mà rộng ra là cho hoạt động muôn mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Ở đâu thiếu người tài, ở đó rơi vào hẫng hụt, tụt hậu, không sớm thì muộn cũng tự để mình bị bỏ lại phía sau.
Việc tìm người tài chỉ là việc bất đắc dĩ, điển hình như xưa kia, khi nhà vua tìm người tài để đánh đuổi giặc ngoại xâm đã cận kề vùng biên đất nước.
Ngoài những bất đắc dĩ ra, thì mọi việc giao cho tổ chức nọ, đơn vị kia đứng ra tìm người tài đều chỉ như mò kim đáy biển, cùng lắm cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu ít ỏi về người tài cho khu vực công.
Còn nhu cầu người tài cho toàn xã hội thì sao? Còn sao nữa, không có ai, không có tổ chức nào đảm nhiệm cả; mà có giao thì cũng không thực hiện được, ốc không mang nổi mình ốc thì làm sao mang được cầu ao!
Thay vì phải đi tìm người tài, mà tìm mãi cũng chẳng ra, thậm chí tìm được người tài giởm, thì giải pháp duy nhất đúng, đó là ban hành thể chế/chính sách cho người tài xuất hiện và hoạt động trong xã hội.
Nội dung chính sách này ra sao, xin góp ý vài suy nghĩ.
Đổi mới quan niệm về người tài
Lâu nay, người tài thường được quan niệm theo những thần tượng như Bác Hồ, đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại thi hào Nguyễn Du, hoặc xa hơn như Hoàng đế Quang Trung, Nhà vua Lê Lợi, hoặc như huyền thoại Thánh Gióng. Những liệt vị này đúng là những người tài, thậm chí là đỉnh cao nhất của người tài.
Tuy nhiên, trong đời sống thường ngày của xã hội cũng xuất hiện những người tài ở đỉnh cao thứ hai, thứ ba, thứ tư, gọi là tốp 4, hoặc nôm na là người tài cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Tất cả 4 cấp chính quyền đều cần được qui định có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm đối với việc phát triển và sử dụng người tài ở cấp mình. Đây không phải là một sáng kiến gì mới mà là đã có từ lâu đời tại Việt Nam, trong đó có các cuộc Thi hương, Thi hội, Thi đình, thậm chí đã có nhiều đình làng được lập ra để thờ Thành Hoàng Làng.
Tạo mọi thuận lợi cho kinh doanh
Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, các doanh nghiệp tư nhân, nhà nước đều là những người có ảnh hưởng vượt trội, có tác động lớn đến sự phát triển của đất nước. Điều này là thực chứng của Đổi mới, khi nền kinh tế chuyển từ một thành phần sang nhiều thành phần.
Trong mọi sự tác động thì không gì bằng chính sách đầu tư từ ngân sách, chính sách cho vay từ ngân hàng nhà nước, chính sách đất đai từ các địa phương và thủ tục trải thảm như đối với khu vực FDI.
Từ khu vực khởi nghiệp này sẽ xuất hiện những tài năng trên thực tiễn, thậm chí từ bàn tay trắng làm nên sự nghiệp như đã từng xảy ra trên khắp thế giới. Sự tác động này hữu hiệu gấp bội so với việc thắp đuốc đi tìm người tài, hoặc tổ chức thi tuyển người tài.
Đến nay, cần thực hiện phát triển nền kinh tế nhiều thành phần một cách thực chất, tránh hình thức, phiến diện, hiệu quả thấp. Từ sự phát triển này sẽ xuất hiện những người tài trên mọi lĩnh vực, địa bàn, thành phần, đặc biệt từ những doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI.
Không nói đâu xa, chính tại Việt Nam, không ít người tài từ doanh nghiệp nhà nước đã ứng cử, đề cử thành công vào nhiều cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương; Gần đây, một doanh nhân từ khu vực tư nhân Việt Nam đã lọt tốp đầu thế giới vể sản xuất xe điện, một doanh nhân tư nhân khác cũng đã thành công trong khu vực Châu Á về sản xuất sữa tươi, sữa nguyên chất từ chính đàn bò được chăm nuôi và phát triển tại Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển then chốt để vươn lên hay bị sập trong bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam từ một nước phát triển trung bình thấp đã và đang vào cuộc với kỳ vọng trở thành một trong những “quốc gia công xưởng mới” của thế giới trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đi được nửa nhiệm kỳ. Ở cấp trung ương đã có nhiều tổ chức Đảng tiến hành các bước làm qui hoạch cán bộ cấp chiến lược để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội lần thứ XIV. Trên thực tế, Đảng chưa bao giờ lập qui hoạch chọn người tài cho công tác lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân của mình, mà chỉ làm qui hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Mong rằng từ nay về sau, có thiết chế để những người tài làm công tác lãnh đạo và tạo môi trường để nhiều người phát huy được hết khả năng, năng lực của mình cho sự phát triển.
TS Đinh Đức Sinh