- Thi thoảng, trên các trang mạng xã hội lại xuất hiện một vài bài viết, đoạn văn cộp mác con trẻ, khiến phản ứng trước hết của không ít người đọc là phì cười.
Một loạt các câu văn, đoạn văn được cho rằng của học sinh tiểu học “sưu tầm” đã và đang lan truyền rộng khắp, với sự ngây ngô trong từng câu viết tả người, tả vật, tả cây cối chim muông…
Ảnh minh họa |
Nhưng tất cả những câu văn này có có thật sự do trẻ em viết ra, và có thật sự đáng cười đến thế?
Với đề bài “Tả một buổi học”, chắc nhiều người đã đọc “bài văn” thế này: “Tùng tùng tùng, tiếng trống vang lên báo hiệu đã đến giờ vào lớp. Không còn cảnh nô nghịch, chạy nhảy nhốn nháo nữa. Các bạn, ai ai vào vị trí của người đó. Sách vở để ngay ngắn trên bàn. Cô giáo bước vào lớp. Học sinh đứng dậy chào cô. Cô mặc chiếc áo dài hoa rất đẹp. Tóc cô thẳng mượt thả đến ngang lưng. Cô đặt chiếc cặp đen lên bàn và cất tiếng dịu dàng: "Hôm nay có ai đóng tiền không?".
Khả năng đặt sự đối nghịch – sự đẹp đẽ dịu dàng của hình thức với sự “thực tế” trong lời nói của cô, nâng hình ảnh người giáo viên lên cao rồi thẳng tay “dìm” xuống – để mà cười, không đứa trẻ dưới 10 tuổi nào làm được.
Danh nghĩa học trò làm văn cũng bị lợi dụng để "bôi xấu" hình ảnh của người giáo viên ở những câu văn không thể nói là “vô tình ngây ngô” như: "Cô giáo em hiền nhưng hơi mập, tóc cô ngắn được buộc gọn ra đằng sau, khi đi tóc cô ve vẩy ngo ngoe như cái đuôi con lợn con nhà em khi em ra cho nó ăn cám".
Hành động vui đùa dưới danh con trẻ như thế này đôi khi chỉ nằm ở sự thỏa mãn, thích thú của người lớn. Thế nhưng, trong một số trường hợp, sự cười cợt này còn còn đi quá xa.
Có ai tin được một học sinh sẽ tự tay viết ra những câu văn sau: “Mẹ chẳng bao giờ giúp chúng em học bài. Mẹ bảo: "Dạy học là việc của bố mày". Nhưng hôm nào bố cũng sáng đi tối mịt mới về, nhiều hôm say lả miệng thì kêu la. Những lần như vậy, mẹ không xem phim "Tấm lòng cha mẹ" nữa. Bất đắc dĩ mẹ phải dạy các con ôn bài. Chữ mẹ ngửa trái như lúa non gặp bão. Môn toán mẹ dạy là tìm nửa chu vi tuổi mẹ, tìm nửa chu vi vận tốc. Tóm lại dạng toán gì cũng là nửa chu vi. Mẹ tuyệt thật, nhưng cô giáo không cho là đúng”…
“Hãy miêu tả một người thân trong gia đình em”. Bài văn được cho là của học sinh viết “Nhà em có nuôi một ông nội, mẹ em bảo vì nhà mình có ông nội nên nhà mình không phải nuôi chó”.
Đọc “bài văn” này, người hời hợt thấy buồn cười, người sâu sắc thấy tổn thương quá!
Mà giả sử, nếu bài văn là thật, sẽ không vui gì cho đứa trẻ đã viết ra bài văn, bởi em phải sống trong một gia đình có người mẹ có những ý nghĩ như vậy, và bị tiêm nhiễm bởi những ý nghĩ đó...
Trong những trường hợp như thế này, người lớn gần như đạt được sự thỏa mãn, khoái chí. Nhưng họ đã không nghĩ đến trẻ và cảm nhận của trẻ.
Chúng ta tưởng rằng những đoạn văn rất “thú vị” này chỉ khiến ta đọc và cười xong là hết chuyện. Nhưng nếu trẻ đọc được, các em sẽ cảm nhận ra sao? Hay ở lứa tuổi mới bắt đầu chập chững làm quen với câu văn, chữ viết, trò đùa này chỉ khiến trẻ thấy bất an, bối rối với những gì diễn ra xung quanh.
Lợi dụng bất kỳ ai vào việc gây cười, cũng là hành vi thiếu tôn trọng. Những người lớn mạo danh trẻ để mua vui, có bao giờ nghĩ về sự khuyết tật trong chính tâm hồn mình?
Ngân Anh