- Chính ý thức của người dân đã giúp cho nước Nhật trở thành một trong những nước sạch nhất trên thế giới.

>> Xem Tây ngẫm ta: Chỉ dân Nhật mới thế

Ở Nhật, tôi chắc chắn một điều rằng ý thức môi trường được giáo dục rất tốt từ trẻ em tới người già. Chính vì một đất nước bận rộn mà họ luôn sạch sẽ từ những điều đơn giản nhất để không phải tốn thời gian cho việc dọn dẹp. 

Ít thùng rác công cộng

Điều khiến tôi bất ngờ khi tới Nhật, bạn chỉ thấy vài thùng rác nơi công cộng như nhà ga. Trong khi đó tôi chắc chắn rằng ở nhiều nước khác có rất nhiều thùng rác để khuyến khích người dân không ném rác ra ngoài. 

{keywords}
Người dân đi chơi với một túi lác luôn bên cạnh

Ở Nhật lại khác, người dân không mong muốn người khác phải dọn rác cho mình. Họ được giáo dục rằng phải có ý thức trách nhiệm với rác nên chẳng có ai lại vô tư xả rác nơi công cộng, thậm chí họ mang rác về nhà.

Nếu đến các trung tâm mua sắm xa hoa của Nhật, bắt gặp những cô gái trẻ đẹp cầm những túi đựng rác đi shopping thì bạn đừng kinh ngạc.

Túi nhỏ mang theo mình

Khi đi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ngay cả đặt hàng trên mạng, bạn cũng sẽ nhận được một chiếc túi nhỏ. Người Nhật sẽ bỏ đồ ăn, thức uống trong túi hoặc ba lô cho tới khi tìm thấy một thùng rác. Chiếc túi đó khuyến khích người tiêu dùng bỏ rác đúng nơi quy định. Mọi người mỗi khi ra khỏi nhà cũng đem rác bỏ vào trong chính túi rác mà họ mang theo bên mình. 

{keywords}
Những chiếc túi dành cho hành khách được phát trên xe

Trên xe buýt đường dài, một chiếc túi rác được để ở ghế với mục đích các hành khách có thể đựng rác, thậm chí có người còn mang túi rác đó về nhà thay vì ném ra sàn hay để lại ở chỗ ngồi. Những chiếc túi này cũng không ảnh hưởng tới môi trường bởi nó có thể phân hủy. 

Ai cũng tự làm sạch nơi công cộng

Mỗi buổi sáng, bạn sẽ thấy những người khác nhau đang quét dọn xung quanh ngôi nhà hay công sở. Thực tế, họ không phải nhân viên tạp vụ dọn dọn mà họ chính là các chủ nhà hay dân công sở, y tá…

Mọi người đều có ý thức tự làm sạch không gian xung quanh nhà mình hay cơ quan mình làm việc. Trách nhiệm này thuộc về tất cả mọi người chứ không riêng nhân viên môi trường.

{keywords}
Dân công sở dọn rác quanh nơi làm việc

{keywords}
Người dân dọn rác ở khu nhà mình

Nếu bạn sống ở Nhật, bạn sẽ được yêu cầu tham gia các hoạt động môi trường thường xuyên theo một lịch trình cụ thể. Trước giờ đi làm, những người dân sẽ đeo găng tay, xẻng, dọn dẹp khu vực công cộng mình đang sống, cắt tỉa cây, cỏ dại… Nói chung là tất cả các khu vực như công viên hay nhà vệ sinh công cộng. Mọi người dân đều có thể tự hào về khu vực mình đang sinh sống.

Bỏ rác không hề dễ

Tại Nhật, rác thải của các hộ gia đình phải được phân loại. Không tách báo từ tạp chí trước khi xếp thành đống hay không bỏ hết nước xốt trong chai, bạn sẽ phải đưa chúng trở lại. Để vứt được một chiếc vỏ bình nước không phải là một việc đơn giản. 

Thùng rác này chuyên dùng để gom bình không. Những bình chưa uống hết hoặc vẫn còn chất lỏng lưu lại thì vứt vào thùng kia. Có nhiều nơi còn có yêu cầu vứt bình và nắp bình ở hai nơi khác nhau để tiện cho việc thu gom các chất khác nhau.

{keywords}
Rác thải phải phân loại và vứt rác theo lịch 

Đầu năm, các trạm trung chuyển rác sẽ phát cho mỗi gia đình mà họ phụ trách vệ sinh một tờ lịch treo tường. Trong tờ lịch này ghi rõ, mỗi ngày gom và vận chuyển loại rác nào, tuần nào chỉ thu giấy, tuần nào thu rác có thể đốt… Các hộ dân trong khu vực quản lý chỉ cần theo đúng tờ lịch này để vứt rác. 

Tổ chức tình nguyện môi trường

Ở Nhật có tổ chức mang tên Greenbird hoạt động ở hầu hết các tỉnh thành với mục đính kêu gọi người dân có ý thức trong việc làm vệ sinh các khu công cộng đông dân cư như nhà ga xe lửa. Tham gia tổ chức này, tôi đã bị sốc. 

Tôi từng nghĩ mình sẽ đi nhặt những vỏ lon bia hay soda rỗng, giấy gói thức ăn nhanh, nhưng không. Nhiệm vụ của tôi là đi nhặt những mẩu giấy nhỏ ở đống bụi bẩn hay tàn thuốc ở bụi cây. Những mẩu rác nhỏ mà mình còn khó nhìn thấy nếu không quan sát kỹ. 

{keywords}
Xe tải chở vật liệu, phế thải nhưng luôn sạch bong

Mục tiêu của nhóm là làm sạch từng mẩu nhỏ rác trước khi chúng trở thành đống to ai cũng có thể chú ý. Tổ chức này còn sang tận cả Paris để dọn dẹp cho Eiffel. Từ năm 2007, một đội từ tổ chức môi trường Green Bird đã thường xuyên chỉnh trang các điểm du lịch hút khách ở Pháp, trong đó có Champs Élysées và tháp Eiffel.

Những chiếc xe lấp lánh

Một điều ngạc nhiên khi tôi lần đầu tiên tới Nhật Bản, các xe tải chở vật liệu xây dựng cũng phải nghiêm ngặt trong bảo vệ môi trường. Các xe này luôn được rửa sạch sẽ, bánh xe sáng bóng, nhìn những chiếc xe đó không ai nghĩ rằng đang chở vật liệu. Những người lái xe luôn tự hào rằng họ có những chiếc xe lấp lánh.

Theo bạn, làm thế nào để đường phố Việt Nam không còn rác vứt bừa bãi? Liệu chúng ta có thể học tập ít nhiều người Nhật? Ý kiến đóng góp gửi về [email protected]. Những tranh luận thú vị sẽ được đăng tải.

Nam Hải