Nếu thời tiết cho phép, tàu thăm dò Tianwen-1 của Trung Quốc có thể xuất phát vào ngày 23/7 từ đảo Hải Nam. Trong khi đó, tàu Perseverance của NASA dự kiến lên đường ngày 30/7. Hai tàu thăm dò có thể tới sao Hỏa vào tháng 2/2021.

{keywords}
Ảnh dựng tàu thăm dò Tianwen-1 của Trung Quốc trên sao Hỏa

Perseverance muốn giải đáp câu hỏi về khả năng sống trên sao Hỏa, trong đó tìm kiếm bằng chứng sự sống của vi sinh vật. Mũi khoan được trang bị trên tàu được dùng để thu thập mẫu lõi khoan từ đất đá, phục vụ cho sứ mệnh sau này. Nếu thành công, đây sẽ là tàu thăm dò thứ bẩy của NASA đặt chân lên sao Hỏa. Curiosity, hạ cánh năm 2012, vẫn đang gửi dữ liệu bề mặt sao Hỏa về trái đất.

Trong khi đó, Tianwen-1 (Thiên Vấn 1) là sứ mệnh thăm dò sao Hỏa đầu tiên của Trung Quốc. Tàu thăm dò sẽ quay quanh hành tinh trước khi gửi xe tự hành xuống bề mặt với hi vọng thu thập thông tin quan trọng về đất, cấu trúc địa chất, môi trường, khí quyển và tìm kiếm dấu hiệu của nước.

Trong báo cáo tuần trước, nhóm nhà khoa học đứng sau Thiên Vấn 1 cho biết xe tự hành và tàu quỹ đạo sẽ phối hợp quan sát và chưa từng có sứ mệnh thăm dò nào được thực hiện theo cách nào. Theo nhóm nghiên cứu Trung Quốc, nó đánh dấu đột phá kỹ thuật quan trọng. Ngược lại, NASA gửi nhiều tàu quỹ đạo lên sao Hỏa trước khi cố gắng hạ cánh.

Cuộc đua không gian

{keywords}
Ảnh dựng xe tự hành Perseverance của Mỹ trên sao Hỏa

Các nhà khoa học Thiên Vấn 1 nhắc đến cơ hội hợp tác quốc tế để nâng cao hiểu biết về sao Hỏa tới mức chưa từng có trong báo cáo của họ. Ngoài Trung Quốc và Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất cũng gửi tàu thăm dò Hope Probe lên sao Hỏa vào ngày 15/7.

Trước đây, các nhà khoa học NASA và cơ quan vũ trụ Trung Quốc từng phối hợp trên Trạm không gian quốc tế (ISS) và chúc mừng nhau khi sứ mệnh thành công, chẳng hạn khi tàu thăm dò của Trung Quốc đáp xuống vùng tối của Mặt Trăng – quốc gia đầu tiên làm được điều này.

Dù vậy, cuộc đua không gian nào cũng không tránh khỏi yếu tố chính trị. Chẳng hạn, các sứ mệnh ban đầu của NASA, cụ thể là chuyến đưa người đầu tiên lên Mặt Trăng năm 1969, được thúc đẩy bởi Chiến tranh lạnh giữa Washington và Xô-viết.

Về phần mình, Bắc Kinh nhận thức rõ rệt lợi thế đạt được nếu vượt xa Mỹ về lĩnh vực không gian. Nếu Thiên Vấn 1 thành công, Trung Quốc thậm chí có kế hoạch đưa người lên sao Hỏa. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, nước này đầu tư hàng tỷ USD xây dựng các chương trình vũ trụ. Chính phủ xem không gian là ưu tiên nghiên cứu trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, đặc biệt là khám phá không gian ngoài thiên thể. Cũng như sứ mệnh thăm dò sao Hỏa, Bắc Kinh muốn vận hành trạm không gian vào năm 2022 và đang tìm cách phóng tàu thăm dò có người lên Mặt Trăng vào những năm 2030.

Năm 2016, Wu Yanhua, Phó Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc, không che giấu tham vọng trở thành thế lực lớn về vũ trụ vào năm 2030.

Sứ mệnh sao Hỏa

Trung Quốc là người đến muốn trong cuộc đua vũ trụ. Dù đã đạt nhiều thành tựu trong vài thập kỷ gần đây, họ vẫn cần một thứ gì đó vô cùng ngoạn mục, như việc đưa người lên sao Hỏa. Tuy nhiên, có một lý do mà từ năm 1972, tất cả sứ mệnh khám phá không gian đều do robot thực hiện. Không chỉ rẻ hơn, nó còn “sống lâu” hơn và bền bỉ hơn. Không nước nào muốn trở thành nước đầu tiên có phi hành gia chết trên một hành tinh khác.

Phóng tàu thăm dò lên sao Hỏa là sứ mệnh vốn đã rất khó khăn khi xét tới các điều kiện không khí. Đưa người lên đây an toàn gần như không thể xảy ra. Dù vậy, điều đó không thể ngăn cản chính trị gia nghĩ về sứ mệnh đưa con người lên hành tinh đỏ. Đầu nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump ủy quyền cho NASA “dẫn đầu chương trình khám phá không gian sáng tạo để gửi phi hành gia Mỹ quay lại Mặt Trăng, thậm chí là sao Hỏa”.

Ông Trump còn thành lập Lực lượng Không gian, một nhánh của lực lượng quân đội. Tại buổi giới thiệu lá cờ của tổ chức vào đầu năm nay, Tổng thống Mỹ phát biểu “không gian sẽ là tương lai, cả về quốc phòng, tấn công và nhiều thứ khác”. Ông bổ sung: “Dựa trên những gì tôi nghe được và dựa trên báo cáo, chúng ta đang dẫn đầu về vũ trụ”.

Du Lam (Theo CNN)