Nhưng một khi vốn xã hội bị suy giảm và suy kiệt, lòng dân đã mất thì mất tất cả, rất khó có cơ hội để phục hồi. Cho nên vấn đề đặt ra hiện nay và tầm nhìn bền vững cho muôn đời sau là SAO CHO ĐƯỢC LÒNG DÂN.

>> Sức dân như nước

Một trong những câu hỏi theo suốt thời gian nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh của tôi là Sao cho được lòng dân?

Đó là bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký tên CHIẾN THẮNG  viết cách đây 68 năm, đăng báo Cứu quốc, số 65, ngày 12-10-1945.

Dĩ nhiên là không phải ngẫu nhiên Hồ Chí Minh viết bài báo này sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập chỉ chưa đầy 40 ngày. Cần phải khẳng định rằng bài báo của Người vừa giải đáp những vấn đề cấp bách trước mắt lúc bấy giờ, vừa chứa đựng  tầm nhìn nhìn xa trông rộng, thể hiện một chuỗi giá trị về DÂN mà đến tận phút cuối đời Người vẫn trăn trở và nhắc lại: "Để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân".

Chỉ cần lướt qua danh mục các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quãng thời gian vài tháng từ sau ngày 2-9-1945, chúng ta dễ dàng nhận thấy rõ một điều, đó là tất cả suy tư, trăn trở của vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều hướng tới việc "Sao cho được lòng dân".

Một ngày sau Tuyên ngôn độc lập là bài viết Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ giữa đến cuối tháng 9, Hồ Chí Minh có hàng loạt bài liên quan đến đời sống của nhân dân, như: Cách tổ chức các Ủy ban nhân dân (11-9); Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (17-9); Chính phủ là công bộc của dân (19-9); Sẻ cơm nhường áo (29-9)... Trong nửa đầu tháng 10-1945, Hồ Chí Minh lại viết nhiều bài khác, như: Thiếu óc tổ chức-một khuyết điểm lớn trong các Uy ban nhân dân (4-10); Tinh thần tự động trong các Ủy ban nhân dân (5-10); Bỏ cách làm tiền ấy đi (17-10); Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17-10)...

Các bài báo Bác viết xoay quanh chủ đề SAO CHO ĐƯỢC LÒNG DÂN.

Điều phát hiện thú vị đầu tiên của Bác là các Ủy ban nhân dân địa phương "không những không được dân yêu, còn bị dân khinh, dân ghét". Tại sao như vậy? Bài báo chỉ ra nguyên nhân dân ghét các ông Chủ tịch, các ông ủy viên vì "tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền, khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng".

Thứ hai, vì "mấy ông tỉnh trưởng kia vác ô tô đưa bà "tỉnh trưởng" đi chơi mát mỗi buổi chiều".

Thứ ba, từ chỗ ngông nghênh xa phí đó đi đến chỗ ỷ thế cậy quyền, làm nhiều điều quá tệ, chẳng khác gì như những ông quan, ông thanh tra dưới thời Pháp, Nhật.

Vấn đề đặt ra là SAO CHO ĐƯỢC LÒNG DÂN?

Theo Hồ Chí Minh "muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống nhân dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được đặc biệt chú ý".

{keywords}
Ảnh minh họa. Nguồn: Tiền Phong

Hồ Chí Minh cũng chú ý tới việc "phải biết trọng nhân cách con người"; "phải biết nghỉ để làm việc việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được".

Cuối bài báo Người kết luận: "Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư".

Đọc bài báo ngắn nhưng đọng lại trong mỗi chúng ta nội dung tư tưởng sâu sắc. Câu trả lời cho câu hỏi SAO CHO ĐƯỢC LÒNG DÂN trước hết, trên hết và xuyên suốt là vấn đề đạo đức, trách nhiệm của người cán bộ, mà đạo đức cao nhất là vì dân. Đặt địa vị người dân cao nhất, tất cả vì lợi ích của dân thì sẽ tìm ra biện pháp giải quyết. Vấn đề đặt ra theo ý kiến của Hồ Chí Minh là tất cả mọi vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân (vật chất và tinh thần) thì phải tập trung giải quyết, không được kêu khó, đổ lỗi cho khách quan, đổ lỗi lẫn nhau.

Đây chính là vấn đề nêu cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Điểm xuất phát là yêu dân. Không yêu dân, chỉ biết yêu bản thân mình, gia đình mình thì đó là "quan cách mạng" chứ không phải công bộc của dân.

68 năm sau đọc lại bài báo của Bác, ta cảm nhận được rằng những điều Bác viết gần hai phần ba thế kỷ trước chính là Người muốn nói với chúng ta ngày hôm nay. Người có được một dự cảm, một tiên tri tiên lượng thật lạ lùng. Sợ rằng mọi người, nhất là Đảng ta khi trở thành đảng cầm quyền, quên đi những điều mình viết  khi chính quyền vừa về tay nhân dân, nên trong Di chúc Hồ Chí Minh nhắc lại rằng "chống lại những gì cũ kỹ, lạc hậu để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi là cả một cuộc chiến đấu khổng lồ". Cũng vì lẽ đó, cho nên, Người dặn lại "trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng" và "đầu tiên là công việc đối với con người".

Vấn đề nổi cộm, đáng lo lắng nhất hiện nay, như Đảng ta đã chỉ ra, đó là "bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ" (nghị quyết Trung ương 4 khóa XI).

Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới (6-2013) đã chỉ ra tình hình "một số chính sách chưa đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, nhiều bức xúc chưa được giải quyết, quyền làm chủ của nhân dân nhiều nơi bị vi phạm, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước".

Đúng như Đảng ta đã đánh giá, chưa bao giờ tình hình lại diễn ra phức tạp và có những điều khó hiểu như hiện nay. Nhiều chính sách được đưa ra từ trong phòng lạnh, từ "trên trời rơi xuống" xa thực tế, xa cuộc sống, không xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích của người dân. Hàng loạt sự việc xảy ra, liên quan, ảnh hưởng xấu đến đời sống và tính mạng của người dân (như việc tiêm phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông...). Trong khi đó người dân lại bị cuốn vào những "phi vụ" chỉ có ở Việt Nam như gom đỉa, lá điều khô, rễ cây tiêu, quả dừa khô ... để bán cho thương lái Trung Quốc, mà không được một cơ quan nào chú ý, hướng dẫn, giúp đỡ.

Trong khi nhân dân ngơ ngác thì lại không có một cá nhân nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm về những sai sót đó. Một lời xin lỗi, một hành động rút lại hoặc hủy bỏ thông tư có vẻ vẫn là sự vô cảm trước đời sống của nhân dân. Thật sự trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang thiếu vắng hai chữ YÊU DÂN trong di sản Hồ Chí Minh; không còn bốn chữ CHÍ CÔNG VÔ TƯ.

Vậy, họ đang nghĩ gì? Làm gì? Họ đang mang nặng một ba lô chủ nghĩa cá nhân. Họ không nghĩ, không làm như Bác dạy là "muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, thì việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh; phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy". Cái hàng đầu để được lòng dân là phẩm chất đạo đức chí công vô tư thì họ không có, nhưng họ lại có "phẩm chất" lợi ích nhóm.

Tình hình rất xấu. Chưa bao giờ có tình trạng "cơ quan soạn thảo đưa ra điểm gì cơ quan thẩm tra cũng bác hết" khiến Chủ tịch Quốc hội phải thẳng thắn chỉ ra rằng "Dự thảo luật Hộ tịch là "cải lương". Ông nói rõ "giấy từ gì cũng giữ lại mà bảo là cải cách hành chính cho dân" (vietnam.net, 13-8-2013). Đó là một dẫn chứng trong nhiều ví dụ mà đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Còn vô số những kiểu hành xử "cười ra nước mắt" khác mà bài viết không muốn và cũng không cần thiết dẫn ra. Bởi vì, có dẫn ra bao nhiêu cũng không đủ và càng đau lòng.

Nghị quyết Trung ương bảy chỉ ra rằng "thực tiễn hiện nay đòi hỏi Đảng cần tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo đối với công tác dân vận, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với dân". Mục tiêu đặt ra là phải "củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân" (Nghị quyết Trung ương bảy).

Vậy là Đảng ta trở lại đích thực với tư tưởng Hồ Chí Minh, đi đúng quỹ đạo của cách mạng do Đảng lãnh đạo. Theo quy luật, không phải chỉ trong bối cảnh hiện nay vấn đề lòng tin của dân với Đảng và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân mới cần đặt ra. Đây là TẤT YẾU LỊCH SỬ. Lịch sử để lại cho ta nhiều bài học quý giá, mà tất cả đều xoay quanh chữ DÂN. Một trong những bài học quan trọng nhất của lịch sử là "có dân là có tất cả". Bác viết: "Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong... Dân chúng đồng lòng, việc gì làm cũng được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên". Trên cơ sở nhận thức đó, hệ luận rút ra là: "Cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại" (Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.5, tr.286).

Bài học ĐƯỢC LÒNG DÂN mang giá trị lớn, vĩnh hằng. Bởi vì "trong thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân". Lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. Mọi hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đều phải thấm nhuần nguyên lý: "có dân là có tất cả". Bác dạy rằng "sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng".

Trong một giai đoạn nhất định, GDP có thể tăng trưởng không cao, vốn kinh tế có thể bị suy giảm. Đó là một giấu hiệu đáng lo ngại, nhưng ta có niềm tin, sớm muộn kinh tế sẽ được phục hồi. Nhưng một khi vốn xã hội bị suy giảm và suy kiệt, lòng dân đã mất thì mất tất cả, rất khó có cơ hội để phục hồi. Cho nên vấn đề đặt ra hiện nay và tầm nhìn bền vững cho muôn đời sau là SAO CHO ĐƯỢC LÒNG DÂN.

Bùi Đình Phong (theo VHNA)