Công an tỉnh Quảng Ninh vừa ra khuyến cáo người dân về việc mở tài khoản, đăng ký thuê bao điện thoại tại Trung Quốc rồi giao lại cho người Trung Quốc sử dụng. Đây được coi là hiện tượng “lạ".
Bởi lâu nay, hầu như cả người Trung Quốc và Việt Nam làm ăn với nhau qua cửa khẩu Móng Cái đều mở tài khoản và có sim điện thoại tại mỗi nước nhưng tự dùng chứ không giao cho các đối tác Trung Quốc.
Những đợt phong tỏa rúng động vùng biên
Lâu nay, bất kể người Trung Quốc hay Việt Nam làm ăn với nhau qua cửa khẩu Móng Cái đều có ít nhất 1 tài khoản, 1 sim điện thoại tại mỗi nước để tiện giao dịch và tiết kiệm chi phí do nhờ sự chồng lấn sóng điện thoại giữa hai nước ở vùng giáp biên.
Theo tìm hiểu, những tài khoản có giá trị giao dịch lớn, số dư “khủng” đều liên quan đến những hoạt động xuất nhập khẩu của các tư thương hai nước, mà ở đầu Móng Cái do những người chuyên làm dịch vụ trao đổi ngoại tệ, trung gian thanh toán đứng tên.
Mọi hoạt động giao dịch này từ xưa tới nay đều bằng tín chấp, chứ không cần thế chấp, nhưng một cá nhân có thể huy động một lúc vài chục tỉ đồng, khiến các ngân hàng cũng phải kính nể. Với cách thức như vậy, giao dịch vừa nhanh gọn và các bên đều trốn được thuế.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, rất nhiều lần, tài khoản giao dịch của các bên, cả người Trung Quốc và Việt Nam, bị các lực lượng chức năng Trung Quốc “sờ gáy” bởi luôn xuất hiện những khoản dư lớn trong tài khoản nhưng không rõ nguồn gốc.
Theo giới buôn bán tại Móng Cái, chỉ từ năm 2012 tới nay đã có 3 vụ các lực lượng chức năng Trung Quốc phong tỏa một loạt tài khoản và tịch thu mỗi vụ hàng trăm tỉ đồng.
Đặc biệt, năm 2016, công an Trung Quốc đã phong tỏa nhiều tài khoản và tịch thu khoảng 300 tỉ đồng, trong đó có hàng chục tỉ đồng là của người Việt Nam.
Không chỉ mất tiền, mà một số người Việt Nam còn bị bắt giữ, truy tố do vi phạm pháp luật, tiếp tay cho buôn lậu, trốn thuế, mà phía Trung Quốc gọi là “làm lũng đoạn thị trường, kinh tế Trung Quốc”.
Chính vì thế, các bên đều e sợ và luôn tìm những cách thức giao dịch mới, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn đầy rủi ro vì suy cho cùng vẫn là vi phạm pháp luật để kiếm lời.
Chiêu thức mới
Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội đăng nhiều thông tin quảng cáo tìm người Việt Nam sang mở tài khoản tại các ngân hàng Trung Quốc và tại một số địa phương giáp biên giới Việt - Trung của tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với đó, xuất hiện lực lượng cò mồi, môi giới lôi kéo người Việt Nam ở các địa phương giáp biên sang Trung Quốc đứng tên mở tài khoản, đăng ký thuê bao sim điện thoại Trung Quốc với các thủ tục rất đơn giản: Chỉ cần bản phôtô chứng minh thư nhân dân, giấy thông hành, hộ chiếu.
Đổi lại, mỗi người được nhận từ 300 - 400 NDT/1 (tương đương 1 triệu - 1,3 triệu VNĐ) tài khoản và từ 100 - 150 NDT/1 thuê bao điện thoại, nhưng được yêu cầu xuất cảnh về Việt Nam mà không cho biết sử dụng tài khoản và đăng ký thuê bao điện thoại đó vào mục đích gì.
Do hám lợi, nhiều người bị lôi kéo sang Trung Quốc để đứng ra mở tài khoản, sim điện thoại, gây phức tạp về an ninh trật tự ở khu vực biên giới và tiềm ẩn rủi ro cho chính bản thân họ.
Anh Vũ Anh Đức - một người có thâm niên trong làm ăn với người Trung Quốc - cho biết, việc xuất hiện tình trạng trên có thể do: Công dân Trung Quốc bị hạn chế mở số lượng tài khoản, trong khi đó những người làm ăn qua biên giới thường cần mở nhiều tài khoản để phân khai số tiền lớn ra, nhằm giảm việc một tài khoản có quá nhiều tiền.
Ngoài ra, gần đây, các lực lượng chức năng Trung Quốc thường xuyên rà soát những đối tượng tham gia buôn lậu và đặc biệt là tài khoản thường xuyên có những số dư lớn thay đổi. Vì thế, họ muốn dùng tài khoản do người nước ngoài đứng tên để tránh rủi ro.
Một doanh nhân chuyên làm ăn với các đối tác Trung Quốc xin được giấu tên cũng khẳng định: Muốn giao dịch phải dùng điện thoại. Điện thoại đăng ký bằng đúng tên thật sẽ dễ truy tìm hoặc có thể nghe lén, theo dõi…
Hơn nữa, dùng điện thoại nếu đăng ký sim 3G hoàn toàn có thể lên mạng, dùng banking để chuyển tiền. Cũng theo doanh nhân này, với cách làm đó, người Trung Quốc sử dụng tài khoản, sim của người Việt Nam có thể sẽ thoái thác được trách nhiệm, nhưng nếu lực lượng chức năng hai nước cùng vào cuộc thì cả hai bên khó thoát tội.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Quảng Ninh - rất khó thống kê cư dân biên giới mở tài khoản bên Trung Quốc vì các cơ quan liên quan hai bên chưa có quan hệ chính thức về lĩnh vực này, trong khi đó rất nhiều tài khoản được mở “chui”.
Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, việc người dân sang Trung Quốc mở tài khoản, thuê bao điện thoại là hoàn toàn tự phát và do các đối tượng rủ rê, lôi kéo. Vì thế, việc này rất dễ bị lợi dụng vào hoạt động vi phạm pháp luật của Trung Quốc.
Hiện, Công an tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục điều tra xem mục đích của vụ việc trên, đồng thời khuyến cáo người dân không nên tham gia bởi Quảng Ninh và Quảng Tây chưa ký kết thỏa thuận gì về việc mở tài khoản ngân hàng và đăng ký thuê bao điện thoại Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo chiều 26/7, ông Vũ Văn Hợp - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã có chỉ đạo chính quyền cơ sở tiếp tục bám sát, tuyên truyền để cư dân biên giới không tham gia vào các hoạt động trên.
(Theo Lao động)