Sáng nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19 với 700 điểm cầu trên toàn quốc.
Tại hội nghị, Bộ Y tế sẽ phổ biến kế hoạch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, hướng dẫn tiếp nhận, sử dụng, xử lý tai biến sau tiêm và hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý tiêm chủng.
Theo kế hoạch, bắt đầu từ sáng 8/3, Việt Nam sẽ khai tiêm những mũi vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca cho 3 cơ sở y tế, trong đó có 2 cơ sở tại phía Bắc, cơ sở còn lại ở phía nam.
Hiện 117.000 liều vắc xin AstraZeneca Việt Nam tiếp nhận ngày 24/2 đã kiểm định xong, hoàn tất đủ giấy kiểm định chất lượng lô xuất xưởng từ phía Hàn Quốc.
Vắc xin AstraZeneca là một trong 2 loại vắc xin được WHO cấp phép sử dụng toàn cầu trong tình huống khẩn cấp. Vắc xin này đã được sử dụng tại hơn 50 quốc gia, với hiệu lực bảo vệ sau mũi 1 là 76%, sau mũi 2 là 81%.
Tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax tại Học viện Quân y. Ảnh: Thúy Hạnh
Dự kiến trong năm nay, Việt Nam sẽ tiếp nhận ít nhất 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca, trong đó có 30 triệu liều từ chương trình COVAX, 30 triệu liều do Việt Nam đặt mua. Ngoài ra, Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán với các nước để có thêm vắc xin. Dự kiến trong năm nay, Việt Nam sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 trên quy mô 100 triệu liều.
Đây là chiến dịch tiêm vắc xin lớn nhất từ trước tới nay. Theo kế hoạch, Bộ Y tế sẽ tổ chức tiêm cuốn chiếu, không triển khai đồng loạt toàn quốc cho tất cả đối tượng mà sẽ tiêm cho từng nhóm đối tượng tại các địa phương, phù hợp với tiến độ cung ứng vắc xin.
Chiến dịch tiêm vắc xin dựa trên hệ thống tiêm chủng đang triển khai trên toàn quốc với hơn 13.000 cơ sở tiêm chủng, bao gồm 11.000 điểm tiêm chủng mở rộng, hơn 2.000 cơ sở tiêm chủng tại bệnh viện và tư nhân đủ điều kiện.
Chủ trương của ngành y tế là tiêm trên diện rộng, càng nhanh và càng nhiều càng tốt, tuy nhiên đặt yếu tố an toàn lên trên hết.
Để phục vụ tiêm chủng, với điều kiện bảo quản 2-8 độ C, Việt Nam đang có sẵn hệ thống dây chuyền lạnh có thể bảo quản được khoảng 122 triệu liều vắc xin, trong đó tuyến trung ương bảo quản được 54 triệu liều, tuyến tỉnh, thành phố bảo quản được 33 triệu, số còn lại có thể bảo quản tại tuyến quận, huyện.
Khi tiêm, vắc xin sẽ được chuyển từ các kho lạnh trung tâm, khu vực đến các địa điểm tiêm. Tại tuyến trung ương, vắc xin sẽ được cấp phát ít nhất 1 ngày trước khi tiêm hoặc ngay trước buổi tiêm, tuyến huyện là trước 3 ngày hoặc ngay trước buổi tiêm.
Cục Y tế dự phòng được giao chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng hướng dẫn tổ chức tiêm; các Viện Dịch tễ, Viện Pasteur chịu trách nhiệm tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin, tập huấn, giám sát hoạt động tiêm chủng; Dự án Tiêm chủng mở rộng có trách nhiệm lập kế hoạch tiêm chủng.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế cũng thiết lập hệ thống giám sát sự cố bất lợi sâu tiêm từ trung ương đến địa phương.
Thúy Hạnh
Ngày 8/3, Việt Nam tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân
Dự kiến thứ 2 tuần tới, Việt Nam sẽ triển khai tiêm vắc xin AstraZeneca cho 18 cơ sở điều trị và 13 tỉnh có dịch.