Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng (Gọi tắt là Chỉ thị sàng lọc đảng viên).

Sau khi báo chí đồng loạt đăng tải, thông tin này gây được sự chú ý và quan tâm sâu sắc của dư luận.

Nhân dân mong đợi từ lâu

Vấn đề chất lượng đảng viên đã được đặt ra từ lâu, ngay từ khi Đảng vừa mới ra đời. Bởi chất lượng đảng viên luôn luôn là yếu tố hàng đầu làm nên sức mạnh và quyết định sự tồn vong của Đảng.

Còn nhớ, khi làm cuộc Cách mạng tháng Tám, Đảng chỉ có khoảng 5.000 đảng viên, năm 1960 có 500.000 đảng viên, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có khoảng 1,5 triệu đảng viên.

Đảng viên thời ấy xứng đáng “là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam” (Điều 1, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam).

Bước sang thế kỉ 21, số lượng đảng viên tăng mạnh. Năm 2006 hơn 3,1 triệu; năm 2015 hơn 4,5 triệu, năm 2017 hơn 4,9 triệu. Nhưng đây cũng là giai đoạn có số lượng đảng viên bị “sàng lọc” nhiều nhất. Từ 2011 - 2017, Đảng đã sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên 50.938 đảng viên, trong đó có 12.499 đảng viên bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng.

Một trong những nguyên nhân khiến số lượng đảng viên tăng nhanh nhưng chất lượng chưa đảm bảo là do “công tác kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đảng viên thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu, có biểu hiện chạy theo số lượng, chưa coi trọng đúng mức chất lượng. Việc kết nạp người chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, người có động cơ không đúng đắn vào Đảng còn diễn ra nhiều nơi...”.  

{keywords}
Chỉ thị sàng lọc đảng viên là điều nhân dân mong đợi từ lâu. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Tại sao lại xảy ra tình trạng bất cập đó? Ngoài sự buông lỏng tiêu chuẩn người vào Đảng trong việc xem xét kết nạp thì việc chạy theo số lượng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến số lượng đảng viên tăng nhưng chất lượng lại giảm.

Điều bất cập vừa nêu lại được các cấp ủy Đảng thể hiện trong nghị quyết, đó là đặt ra chỉ tiêu kết nạp Đảng, một biểu hiện của căn bệnh thành tích. Thế cho nên các cấp ủy mới tìm mọi cách “phấn đấu”, “trải thảm đỏ” mời quần chúng vào Đảng vì cái danh hiệu cao quý “cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh”. Chất lượng đảng viên vì thế mà bị xem nhẹ.

Năm 1969, nhân dịp kỉ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, bên cạnh những đồng chí tốt, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém.

Người chỉ rõ: “Họ (những đảng viên đạo đức, phẩm chất thấp kém) mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết”; và liệt kê những khuyết điểm mà loại đảng viên này mắc phải.

Điều Bác nói đã 50 năm mà cứ ngỡ mới hôm qua.

Mặc dù số lượng đảng viên hiện nay gấp nhiều lần so với đảng viên thời chiến tranh giải phóng dân tộc, thời kinh tế xã hội đất nước gặp muôn vàn khó khăn nhưng không thể nói chất lượng tốt hơn. Bây giờ không phải là “một số ít” cán bộ, đảng viên có đạo đức, phẩm chất thấp kém như hồi Bác Hồ còn sống, mà đã phình ra thành “bộ phận không nhỏ”, đe dọa sự tồn vong của đất nước.

Trong bối cảnh đó, công cuộc “đốt lò tham nhũng” do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khởi xướng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của dư luận nhân dân. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hơn 60 cán bộ do Trung ương quản lí bị xử lí kỉ luật vì những vi phạm rất nghiêm trọng, trong đó có những người từng là Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên BCH Trung ương, Bộ trưởng, Bí thư, phó bí thư tỉnh, thành…

Nhưng dù có nóng hừng hực, “lò tham nhũng” cũng không thể cháy mãi. Cần lắm một quyết sách đúng đắn để chặn từ gốc tệ nạn tham nhũng, loại bỏ ngay từ đầu những cán bộ đảng viên thấp kém về đạo đức, phẩm chất và năng lực công tác. Và Chỉ thị sàng lọc đảng viên ra đời chính là điều mà nhân dân mong đợi từ lâu, như một công cụ để để chỉnh đốn Đảng.

Ai sàng? Sàng ai?

Vấn đề còn lại là “ai sàng” - người tổ chức thực hiện và “sàng ai” - đối tượng bị sàng lọc? Đây là những vấn đề hết sức quan trọng, nếu không đặt đúng tầm mức thì chuyện sàng lọc sẽ rơi vào tình trạng hò voi bắn súng sậy, và rất có thể đảng viên tốt, đảng viên đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng lại trở thành đối tượng bị “sàng” đầu tiên.

Những lo ngại nói trên không phải là thiếu cơ sở khi mà cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ vẫn tràn lan tình trạng “luật bất thành văn: 5 “xê”, 4 “ệ”, 5 “đê”( 5 “xê” là “Con Cháu Các Cụ Cả; 4 “ệ” là Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ; 5 “đê” là Đố Điều Đi Đâu Được).

Sẽ sàng lọc ra sao nếu như nhiều đảng viên giữ chức vụ Đảng và chính quyền ở cơ quan là vợ con, em út, họ hàng của các sếp và cấp trên?

Sẽ sàng lọc ra sao nếu tổ chức Đảng và chính quyền nơi đó bị nhóm lợi ích chi phối?

Tuy nhiên, việc sàng lọc những đảng viên yếu kém, thoái hóa, biến chất không phải là bất khả thi nếu như Đảng kiên quyết và biết dựa vào dân.

Trong chiến tranh giải phóng, chiến tranh vệ quốc, Đảng biết dựa vào dân, Đảng trong dân, dân chở che Đảng làm nên sức mạnh vô biên, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng, kiến tạo đất nước, Đảng cũng đã khơi gợi, kết hợp sức dân - tiềm lực vô cùng to lớn - để từng bước đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, phát triển kinh tế, ổn định xã hội với những thành tựu to lớn.

Bởi vậy chấn chỉnh tổ chức Đảng, sàng lọc đảng viên không phải chỉ là công việc nội bộ của Đảng. Nhân dân nghìn tai nghìn mắt, độ lượng nhưng không bao giờ bao che cho cái xấu.

Nếu những cán bộ đảng viên được giao quyền và trách nhiệm thực thi, thực tâm “sàng” cho bằng được cùng với sự giúp sức của dân thì nhất định Chỉ thị sàng lọc đảng viên của Trung ương sẽ thành công trong thực tế.

Nguyễn Duy Xuân