- Trong bài viết gửi tới VietNamNet, bạn đọc Hương Giang cũng đồng quan điểm "Nên bỏ thi sáng kiến kinh nghiệm giáo viên". Theo chị, thực tế sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) của ngành giáo dục chỉ là hình thức - nó không giúp gì cho việc giảng dạy của giáo viên và cũng không thể giúp cho một học sinh yếu thành học giỏi.

Hàng năm, cứ vào đầu năm học mới, nhà trường lại vận động gần như bắt buộc giáo viên cốt cán phải đăng ký thi đua. Những thầy cô giáo đăng ký danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và giáo viên dạy giỏi đều phải viết sáng kiến kinh nghiệm. Với giáo viên, công việc giảng dạy dù vất vả đến đâu, thầy cô cũng không quản nhưng để viết được một SKKN luôn được xem là “cực hình” đối với mọi người. Vì thế, nhiều thầy cô không muốn đăng ký thi đua nhưng dù muốn “trốn” cũng không thể “thoát”, Ban giám hiệu luôn động viên họ tham gia để đủ chỉ tiêu của nhà trường.

Loạn sáng kiến kinh nghiệm

Chưa có ban ngành nào lại có nhiều SKKN như ngành giáo dục. Nhiều người nói vui: cả đời người có được một sáng kiến đúng nghĩa đã là hạnh phúc lắm rồi. Nhưng với nhiều thầy cô giáo có 30 năm trong nghề thì SKKN và Giải pháp hữu ích phải tính tới con số vài chục không chừng.

  {keywords}

Ngoài SKKN đăng kí thì bất kể giáo viên nào một năm cũng phải nộp một cái Giải pháp hữu ích. Một huyện thị gần một ngàn giáo viên, con số SKKN và Giải pháp hữu ích đạt giải một năm không phải là nhỏ. Nhưng thử hỏi trong số đó, đã đem được cái nào ra phổ biến để ứng dụng vào thực tế theo đúng nghĩa những SKKN đạt giải?

Thực tế là sáng kiến đạt giải hay không, cũng cùng chung số phận, nằm im lìm trong tủ dăm bảy năm sau và được thanh lý “ngồi” vào gánh đồng nát chứ lấy chỗ đâu để đựng.

Về lý thuyết, SKKN là những kinh nghiệm về kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo được giáo viên đúc kết và tích lũy trong việc quá trình giảng dạy và giáo dục của mình để giúp học sinh học tốt hơn và khắc phục được những khó khăn mà với những biện pháp thông thường không thể giải quyết được, góp phần nâng cao hiệu quả rõ rệt trong công tác dạy và giáo dục học sinh của người giáo viên. Nhưng năm nào giáo viên cũng phải nộp SKKN nên không biết viết cái gì.

Điều phi lý ở chỗ, SKKN thường bắt đăng ký vào đầu năm học, đăng ký đề tài ở khối lớp mình đang dạy. Nhưng vào đầu mỗi năm học, giáo viên thường bị điều chuyển trường và khối lớp dạy. Có người mỗi năm dạy một khối lớp. Ở khối lớp mới, có thầy cô vừa làm quen chương trình, làm quen học trò, đã tích lũy được gì để có kinh nghiệm mà viết sáng kiến?

Nhiều người than phiền: “Sáng kiến ở đâu mà nhiều thế, cả đời đi dạy may ra đúc kết, rút cả ruột gan mới tích lũy được một chút kinh nghiệm. Nhưng năm nào cũng phải viết.... Trước đây, khi chưa có công nghệ thông tin, giáo viên thường xin SKKN của người huyện thị khác về nhào nặn đôi chút mang nộp. Giờ đây, chỉ cần kích chuột là ra đủ đề tài, đủ khối lớp, tha hồ mà lựa chọn.

Vì thế để “đối phó” phần lớn thầy cô sưu tầm trên mạng, về “xào nấu, thêm chút gia vị” cho có phần khang khác là trở thành sản phẩm của riêng mình để đem nộp. Nếu ai chịu khó gõ vào google tên các đề tài SKKN mà giáo viên nộp sẽ thấy họ đã “sao y bản chính” như thế nào. Người lười chỉ sửa cho có cũng sẽ đậu ở cấp trường, người nhanh nhạy hơn trong việc “cắt ghép” thì đạt giải ở cấp huyện thị trở lên. Năm này qua đi, năm khác lại tới vẫn một điệp khúc cũ “cóp pi, xào nấu…” nhưng gây nhiều tâm lý mệt mỏi và áp lực nặng nề cho giáo viên.

Bi hài chuyện chấm

Viết SKKN đã mệt nhưng trải qua công đoạn chấm càng mệt mỏi và bất mãn hơn. Ở trường cuối năm, để xét mười mấy SKKN nhà trường thành lập Hội đồng thi đua gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn và các tổ trưởng chuyên môn. Mọi người chia nhau đọc, cho điểm độc lập rồi cộng chia bình quân để xếp loại. Chấm dưới cơ sở còn bài bản một chút, lên đến cấp phòng lại qua loa hơn nhiều.

Sáng kiến được chia ra theo cấp học và phân về cho từng người phụ trách, một chuyên viên chấm đến hơn trăm cuốn.

Điều phi lý ở chỗ, một số chuyên viên chưa một ngày đứng lớp, học sư phạm ra trường và được giữ lại phòng làm việc, có người cũng chưa bao giờ đạt được danh hiệu gì, ở lâu “lên lão làng” nhưng nay lại được “cầm cân nảy mực” nên không tránh khỏi cái nhìn phiến diện, nhận định theo sự hiểu biết chủ quan của mình mà thiếu tính thực tế.

Vì thế, nhiều SKKN thật sự là kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình dạy của giáo viên, bị “chết oan”, một số khác copy đâu đó lại đậu…Năm nào cũng đến kỳ công bố kết quả, nhiều ý kiến thắc mắc lại nổi lên gây chán chường và bất mãn.

Việc SKKN được phòng Giáo dục chấm đậu là yếu tố quyết định việc giáo viên đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở hay không. Vì thế, đã có không ít chuyện buồn khi một số giáo viên có thành tích nổi trội trong công tác ở trường nhưng SKKN bị loại cũng mất luôn Chiến sĩ thi đua và ngược lại…Chứ hoàn toàn không có chuyện công bố SKKN đạt giải để mọi người học tập, áp dụng vào việc giảng dạy của mình cho tốt hơn.

Về lý thuyết thì SKKN là đề tài khoa học, là kinh nghiệm được đúc kết từ trong giảng dạy của giáo viên. Nhưng trong thực tế, SKKN của ngành giáo dục cấp tiểu học và THCS hiện nay, chỉ là hình thức - nó không giúp gì cho việc giảng dạy của giáo viên và cũng không thể giúp cho một học sinh yếu thành học giỏi.

Chỉ có sự tận tâm, sự giảng dạy hết lòng của thầy cô mới giúp các em học tốt được. Xin hãy nhìn vào thực tế để giáo viên không bị hành vì những công việc không thật sự cần thiết.

Bạn có ý kiến khác xin gửi về địa chỉ [email protected]. Trân trọng cảm ơn!

Hương Giang