Tập đoàn Vingroup vừa chính thức khai trương Công ty VinTech Hàn Quốc (VinTech Korea Research - VKR) tại thành phố công nghiệp tử Daegu của Hàn Quốc với mức đầu tư 11 triệu USD nhằm nghiên cứu ứng dụng các công nghệ kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), robotics và phát triển các sản phẩm, giải pháp về ô tô, xe máy, nhà máy thông minh.
Giai đoạn đầu, VKR sẽ nghiên cứu thiết kế bộ điều khiển trung tâm cho xe ô tô (VCU), hệ thống điều khiển pin (BMS)... Trong tương lai, VKR đặt mục tiêu sẽ tiến tới làm chủ thiết kế các cấu phần điện - điện tử trong xe ô tô, làm chủ các Robot công nghiệp, Sản xuất màn hình tinh thể lỏng cho các sản phẩm ô tô, điện thoại, ti vi, tủ lạnh...
VKR đã ký kết hợp tác với Công ty AJINEXTEK (AXT) - đơn vị đang sở hữu hơn 100 bằng sáng chế thiết kế Chipset trong lĩnh vực Robot và tự động hóa tại Hàn Quốc.
Quyết định chọn Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên để đặt trụ sở trong Mạng lưới nghiên cứu VinTech toàn cầu là một bước đi tiếp theo thực hiện chiến lược của ông Phạm Nhật Vượng đưa Vingroup thành một doanh nghiệp công nghệ, công nghiệp và dịch vụ, thay vì chỉ tập trung vào bất động sản và dịch vụ như trước 2018.
Thành lập Vintech Korea Research. |
Ngay trước đó khoảngmột1 tuần, ông Phạm Nhật Vượng bất ngờ thôi làm chủ tịch Vinhomes - doanh nghiệp quản lý mảng bất động sản của Vingroup và có quy mô khoảng 14 tỷ USD, giao vào tay nữ tướng Nguyễn Diệu Linh, cho dù đây vẫn là mảng mang về doanh thu chính và là cỗ máy in tiền của tập đoàn.
Tham vọng tìm kiếm một đỉnh cao mới ở tầm quốc tế của ông Phạm Nhật Vượng ngày càng rõ ràng hơn khi mà vị tỷ phú số 1 Việt Nam với túi tiền 7,8 tỷ USD theo xếp hạng mới nhất của Forbes, giàu gấp đôi Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã không tiếc tiền đầu tư vào các cứ điểm và mũi nhọn mới, với thương hiệu ô tô và xe máy Vinfast, điện thoại Vsmart,...
Sau cú ra mắt hoành tráng tại Paris Motor Show hồi đầu tháng 10/2018, Vinfast vừa trình làng mẫu SUV LUX phiên bản đặc biệt hoàn hảo tại triển lãm ô tô Geneva Motor Show 2019 (Thụy Sỹ) với động cơ V8 6,2 lít, dự kiến sẽ được bán ra thị trường với số lượng hạn chế vào 2020.
Cũng trong những ngày đầu tháng 3, Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix vốn 1.000 tỷ đồng do Vingroup sở hữu 100% đã thực hiện giải phóng mặt bằng để làm đường đua tiêu chuẩn quốc tế dài 5,5 km quanh khu liên hợp thể thao Mỹ Đình cho giải đua xe công thức 1-Grand Prix Hà Nội dự kiến diễn ra vào mùa hè năm 2020.
Ngay sau khi công bố chiến lược mới hối cuối 2018 với công nghệ là cốt lõi, thay vì gần như toàn bộ lợi nhuận đến từ bất động sản, Vingroup đã thành lập công ty VinTech để tập trung nghiên AI, sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới.
Vingroup cũng đã thành lập hai viện nghiên cứu là: Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn và Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT).
Vinfast Lux V8. |
Sau đó, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng cũng liên tiếp thành lập 3 công ty công nghệ gồm Công ty TNHH Dịch vụ An ninh mạng VINCSS (20 tỷ đồng), Công ty TNHH Giải pháp và Dịch vụ Công nghệ VinConnect (300 tỷ đồng) và Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh phần mềm HMS (50 tỷ đồng).
Trong năm 2018, ông Vượng cũng đã lộ cứ điểm mới, đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, thay vì ở chung cùng với Vinfast ở Hải Phòng như hiện tại.
Gần đây, Vingroup huy động rất nhiều vốn và đang căng mình đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực, từ hàng tỷ USD vào sản xuất ô tô, hàng loạt các dự án bất động sản mới, mở rộng mạng lưới bán lẻ, sản xuất điện thoại, cho đến đầu tư vào lĩnh vực công nghệ.
Mặc dù công nghệ là trọng điểm tương lai của Vingroup nhưng mảng công nghiệp mới là điểm nổi bật trong thời gian gần đây. Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast tại khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) có tổng giá trị đầu tư 3,5 tỷ USD. Tổ hợp này trải dài trên diện tích 335ha, trên tổng diện tích có thể lên tới 900ha, xây dựng trên vùng đầm phá sát biển.
Ông Phạm Nhật Vượng giàu số 1 Việt Nam, thứ 197 thế giới. |
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực chốt lời tăng mạnh khi chỉ số VN-Index đứng trước ngưỡng 1.000 điểm. Tuy nhiên, nhiều blue-chips vẫn diễn biến khá ấn tượng như: Vietinbank, BIDV, Sabeco, Bảo Việt…
Một số mã chịu áp lực chốt lời lớn gồm: Vinhomes, Vingroup, Vincom Retail, Petrolimex, Masan, Hòa Phát, VietJet,...
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo SHS, hiện các chỉ số đang đi vào vùng giằng co và khó có thể kỳ vọng về một đợt tăng hay giảm mạnh của thị trường chung. Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 6/3, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc và giằng co với ngưỡng kháng cự và hỗ trợ gần nhất lần lượt tại 1.000 điểm và 980 điểm. SHS khuyến nghị nhà đầu tư nên canh bán khi thị trường tiến gần kháng cự và có thể canh mua lại khi thị trường điều chỉnh về gần hỗ trợ.
Còn theo KIS, tâm lý thị trường trở nên thận trọng khi VN-Index kiểm định mốc 1.000 điểm. Tuy nhiên, xu hướng tăng trong ngắn hạn được duy trì và phiên điều chỉnh là sự tích lũy trong xu hướng. Nhà đầu tư có thể nắm giữ danh mục cổ phiếu hiện tại và tập trung vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/3, VN-Index giảm 1,54 điểm xuống 992,45 điểm; HNX-Index giảm 0,28 điểm xuống 108,24 điểm. Upcom-Index giảm 0,06 điểm xuống 55,98 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 360 triệu đơn vị, trị giá 6,7 ngàn tỷ đồng.
H. Tú