Hành trình vùng núi với rất nhiều đoạn đèo quanh co, nhiều đường cong tầm nhìn hẹp với một bên là núi cao, một bên là vực sâu từ lâu đã là nỗi ám ảnh với đa số lái xe, kể cả đối với người có nhiều kinh nghiệm và cẩn trọng. Lý do là, “tay lái chuẩn” cũng chưa đảm bảo an toàn hoàn toàn cho bản thân hay chiếc xe, mà còn phụ thuộc vào các yếu tố tiềm ẩn phía sau mỗi đường cong: Phía ngược chiều có xe đi đến hay không? Có đi đúng tốc độ hay phần đường hay không?
Hiểu được rủi ro và lo lắng của người lái xe khi phải di chuyển tại các cung đường đèo, sau một thời gian nghiên cứu - thử nghiệm, kỹ sư Lưu Xuân Bình đã thiết lập được nguyên lý về thiết bị hỗ trợ người lái lắp đặt trên đường, đã nộp hồ sơ đề nghị cấp bằng sáng chế đến Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), và đã được cấp bằng độc quyền sáng chế số 29340 tháng 7/2021.
Để bạn đọc, những người quan tâm, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực liên quan hiểu rõ hơn về Sáng chế 29340, tiến tới góp phần nâng cao an toàn giao thông tại các cung đường đèo, VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với kỹ sư Lưu Xuân Bình - tác giả của Sáng chế.
Khúc cua thường xảy ra nhiều TNGT trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) |
Thiết bị cảnh báo va chạm giao thông theo Sáng chế 29340 hoạt động như thế nào, thưa anh?
Thiết bị sử dụng các cảm biến lắp đặt bên lề đường tại các vị trí đường cong tầm nhìn hẹp nhằm phát hiện các phương tiện đi qua để cung cấp thông tin cho một bộ vi xử lý, phần mềm cài đặt sẵn sẽ phân tích các thông tin tiếp nhận được từ các cảm biến và điều khiển bộ phận phát tín hiệu cảnh báo phát ra tín hiệu phù hợp mỗi khi đồng thời từ hai phía của đường cong có phương tiện cùng đi đến hoặc có phương tiện đi quá tốc độ cho phép. Thông tin chi tiết về sáng chế được đăng tại website luuxuanbinh.vn - quý vị và các bạn truy cập tìm hiểu thêm nếu quan tâm.
Thiết bị của anh và các thiết bị hỗ trợ người lái của các hãng xe hơi khác nhau như thế nào?
Có hai điểm khác nhau cơ bản. Thứ nhất, thiết bị do tôi đề xuất được lắp đặt trên đường còn hệ thống hỗ trợ người lái của các hãng xe được lắp đặt ngay trên xe. Thứ hai, thiết bị do tôi đề xuất thông báo tình trạng ở phía ngược chiều tại các đường cong tầm nhìn hẹp đang có xe đi đến hay không trong khi hệ thống hỗ trợ người lái của các hãng xe cho người lái biết khoảng cách của xe mình với các xe bên cạnh với đặc trưng là các xe vẫn nhìn thấy nhau (và thường là các xe có cùng chiều di chuyển).
Người lái xe hiện được hỗ trợ như thế nào tại các vị trí đường cong ở nước ta? Các giải pháp này hiệu quả ra sao?
Tại Việt Nam các thiết bị hỗ trợ người lái hiện có tại các vị trí đường cong tầm nhìn hẹp như sau: biển báo đường cong, gương cầu lồi, gờ giảm tốc, đèn tín hiệu phát liên tục. Hiệu quả của các hệ thống này xin được để cho mọi người tự đánh giá.
Theo tôi điều người lái cần biết nhất cũng như thông tin có giá trị nhất dành cho người lái khi bắt đầu đi đến các đường cong tầm nhìn hẹp là: Phía ngược chiều có xe hay không? Thiết bị của tôi giúp giải đáp được câu hỏi này cho người lái. Đây là một câu trả lời rất có giá trị và chắc chắn nó làm cho việc lái xe trở lên an toàn hơn.
Theo anh, những yếu tố nào ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ và thiết bị của anh ảnh hưởng đến chúng như thế nào?
Theo tôi an toàn giao thông đường bộ bị chi phối bởi ba yếu tố chủ yếu sau: 1. Con người - người lái, 2. Tình trạng kỹ thuật của phương tiện, 3. Tình trạng kỹ thuật của con đường. Thiết bị của tôi có chức năng cảnh báo cho người lái biết mỗi khi phía ngược chiều có phương tiện đi đến hoặc khi xe đi quá tốc độ cho phép do đó tôi cho rằng khi được áp dụng sẽ làm giảm được tai nạn do các nguyên nhân xuất phát từ cá nhân người lái; còn các nguyên nhân từ tình trạng kỹ thuật của phương tiện và con đường thì không tác động được gì.
Ngoài việc lắp đặt các thiết bị báo hiệu đường cong như đã nói ở trên hiện nay Nhà nước đang tập trung thi công mở rộng đường cong tầm nhìn hẹp, lắp đặt các hàng rào hộ lan có tác dụng giảm chấn lực va chạm tại các vị trí taluy âm; các biện pháp này hoặc làm tăng tầm nhìn cho người lái hoặc giúp giảm hậu quả của tai nạn nếu nó xảy ra thế nhưng nhược điểm lớn đó là đầu tư rất lớn dẫn đến không có khả năng thực hiện đồng loạt trên phạm vi rộng trong thời gian ngắn do đó chúng ta thấy rằng số lượng các đường cong tầm nhìn hẹp hiện tại vẫn có rất nhiều. Sẽ không có một giải pháp hoàn hảo với chi phí thấp để đưa số vụ tai nạn tại các cung đường đèo dốc về bằng không thế nhưng nếu lựa chọn đúng phương pháp chúng ta vẫn có thể làm giảm số tai nạn đó xuống với một chi phí thấp hơn, cũng đồng thời là khả năng phủ rộng bằng phương pháp đó cao hơn với cùng một số tiền đầu tư.
Để sáng chế của anh nhanh chóng đi vào đời sống, phục vụ đời sống, anh có mong ước và kế hoạch gì?
Tôi có niềm tin lớn rằng sáng chế của mình có ích cho đất nước, cho con người và do đó hy vọng rằng sẽ nhận được sự quan tâm và xem xét tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước khi tôi gửi đề xuất về thiết bị đến. Để phát triển sáng chế tôi có kế hoạch thành lập một công ty hoạt động trong lĩnh vực điều khiển công nghiệp, thiết bị cảnh báo va chạm giao thông sẽ là sản phẩm chủ lực của công ty này và với lợi thế được bảo hộ độc quyền trong 20 năm thì thiết bị này có cơ hội rất lớn để cung cấp với số lượng lớn cho thị trường trong nước và các nước có cùng điều kiện phát triển như Việt Nam. Công ty cần những cổ đông là cá nhân hoạt động lâu năm trong lĩnh vực sản xuất và phân phối phần cứng máy tính, viết phần mềm; người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực sản xuất, phân phối các thiết bị điện - điện tử và cảm biến; người có mạng lưới quan hệ tốt với các cơ quan chức năng của nhà nước và nước ngoài; người có kinh nghiệm quản lý, điều hành doanh nghiệp; người sở hữu mạng lưới đường thử nghiệm ôtô; và mọi cá nhân có tiềm lực tài chính cao nhằm mục tiêu chung xây dựng công ty và tạo dựng được sản phẩm là thiết bị nói trên một cách tốt nhất để cung cấp cho các thị trường. Hãy liên lạc với tôi nếu quý vị và các bạn có chung ý tưởng.
Xin cảm ơn anh!
Sáng chế: Thiết bị cảnh báo va chạm giao thông Tác giả: Kỹ sư Lưu Xuân Bình Email: [email protected] Website: luuxuanbinh.vn |
Đình Sơn (thực hiện)