Giao nghĩa vụ kê khai, nộp thuế cho sàn TMĐT?
Một trong những nội dung gây chú ý của Thông tư số 40 là quy định sàn thương mại điện tử (TMĐT), ngoài việc thực hiện nghĩa vụ thuế theo các quy định hiện hành thì chủ sở hữu sàn sẽ có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn theo lộ trình của cơ quan thuế.
Theo đại diện một sàn TMĐT lớn tại Việt Nam, các sàn TMĐT chỉ là nơi cung cấp nền tảng công nghệ cho người bán hàng, hoàn toàn không có nghiệp vụ về thuế để thực hiện kê khai, vì vậy rất khó để “thay thế” cơ quan thuế để kê khai và nộp thuế giúp hộ kinh doanh trên sàn. Mặt khác, sàn TMĐT cũng thực hiện nghĩa vụ thuế của riêng mình theo đúng quy định của pháp luật nên không thể nộp thay người kinh doanh.
“Trong trường hợp sàn TMĐT kê khai sai, tính toán và ghi nhận không chuẩn, hoặc không có “công cụ” để buộc người kinh doanh nộp thuế thì trách nhiệm pháp lý của sàn sẽ như thế nào? Nếu người kinh doanh trốn tránh hoặc cố tình nợ thuế sẽ phải xử lý thế nào? Các sàn TMĐT sẽ cần phải bổ sung nguồn lực lớn và phát sinh thêm chi phí nếu thực hiện quy định này”- đại diện sàn TMĐT nói.
Khoảng thời gian dành cho các sàn để chuẩn bị về mặt công nghệ, nhân lực để thực hiện yêu cầu của cơ quan thuế cũng được cho là quá ngắn và gây khó khăn cho doanh nghiệp (Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/8).
Thông tư 40 cũng gây ra nhiều lúng túng cho các sàn khi chỉ hướng dẫn chung: “Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm Dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN theo quy định pháp luật. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định”.
Trên thực tế, người kinh doanh có thể thực hiện bán hàng qua nhiều sàn TMĐT khác nhau, và chỉ bản thân cá nhân đó biết được mức tổng doanh thu phát sinh. Như vậy, một sàn TMĐT đơn lẻ sẽ khó xác định doanh thu của người kinh doanh trên sàn có đạt 100 triệu đồng/năm hay không. Nếu xác định không đúng hoặc không đủ, trách nhiệm xử lý của các bên liên quan thế nào? Quy định này cũng dẫn đến việc người kinh doanh có thể “lách luật”, “né thuế” bằng cách chia nhỏ doanh thu, mở nhiều shop trên sàn, nhờ người đứng tên shop…
Quyết định vội vàng, chưa khả thi
Cho rằng Thông tư 40 còn nhiều nội dung bất cập, mới đây, trong thông cáo gửi cơ quan báo chí, ông Nguyễn Ngọc Dũng- Phó chủ tịch VECOM cho biết, mặc dù quyết định có tác động trực tiếp đến hàng chục sàn TMĐT và sự phát triển của TMĐT cũng như hàng chục nghìn hộ kinh doanh, nhưng 15 ngày sau khi Thông tư này được ban hành, những đối tượng liên quan mới được tiếp cận Thông tư lần đầu tiên.
Từ góc độ quy định của pháp luật, Luật sư Trương Hữu Huy, Đoàn Luật sư TP. HCM, Giám đốc điều hành Công ty Luật Huy & Partners, cho biết, sàn TMĐT không phải là đơn vị “trả thu nhập” mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ cho người kinh doanh, giúp họ thực hiện giao dịch. Vì vậy, sàn không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định tại khoản 1, Điều 24 của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Điều 45 Luật Quản lý thuế cũng quy định: “Cá nhân kinh doanh sẽ phải kê khai và nộp thuế tại cơ quan thuế nơi họ đặt địa điểm kinh doanh”. Nhưng hầu hết các sàn TMĐT đều có địa điểm kinh doanh thường chỉ tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Vì thế, việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn sẽ dẫn đến mâu thuẫn với quy định hiện hành trong trường hợp cá nhân kinh doanh có trụ sở tại tỉnh khác. Điều này cũng gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các sàn TMĐT và cá nhân kinh doanh trong việc chứng minh với cơ quan thuế về số thuế đã khấu trừ, nộp thay với cơ quan thuế tại địa phương”- Luật sư Trương Hữu Huy nói.
Ủng hộ quan điểm cần thu thuế các cá nhân, hộ kinh doanh nói chung và trên sàn TMĐT nói riêng, song ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó TGĐ Dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam cho rằng, quy định này cần được xem xét kỹ lưỡng và có thể cần được điều chỉnh phù hợp với thực tế.
“Quy định ràng buộc các nền tảng bán lẻ trực tuyến phải có trách nhiệm kê khai, nộp thuế người bán hàng là cách kiểm soát triệt để, tiến bộ và công bằng nhất. Tuy nhiên, quy định trong Thông tư 40 sẽ dễ cho cơ quan quản lý thuế, nhưng gây khó cho các sàn, khi các nội dung còn chưa chặt chẽ, cần chỉnh sửa thêm cho hài hòa giữa vai trò quản lý thu thuế của cơ quan thuế, trách nhiệm tối cao trong kê khai nộp thuế của cá nhân kinh doanh trước pháp luật và việc hỗ trợ cơ quan thuế thông qua hoạt động kinh doanh của sàn”, ông Tuấn nói.
Ông Bùi Ngọc Tuấn cũng cho rằng, cơ quan thuế nếu muốn thu thuế triệt để mà vẫn đảm bảo sự hợp tác từ phía các sàn TMĐT, thì có thể nghiên cứu cơ chế khấu trừ tuyệt đối tại nguồn tương tự như thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán. Nghĩa là, do không chắc chắn việc cá nhân kinh doanh có thỏa mãn điều kiện không phải nộp thuế hay không và không cần có ủy quyền từ cá nhân; với mỗi giao dịch trên sàn thành công, quản lý sàn TMĐT sẽ khấu trừ thuế ngay và định kỳ sẽ gửi xác nhận khấu trừ thuế cho cá nhân kinh doanh. Số thuế khấu trừ tuyệt đối sẽ được sàn tổng hợp và kê khai, nộp đầy đủ cho cơ quan thuế.
Cuối năm, cá nhân kinh doanh có thể tổng hợp các nguồn thu nhập kinh doanh khác nhau để kê khai và nộp bộ hồ sơ quyết toán (gồm xác nhận khấu trừ thuế do các sàn TMĐT cung cấp) cho cơ quan thuế. Nếu có phát sinh số thuế được hoàn thì sau đó sẽ làm thủ tục hoàn với cơ quan thuế. Thực hiện cơ chế này sẽ giúp nâng cao ý thức trong việc ghi chép, theo dõi, kê khai thuế đầy đủ của cá nhân kinh doanh và giải tỏa trách nhiệm pháp lý cho các sàn TMĐT.
Tại buổi làm việc với đại diện VECOM và các doanh nghiệp TMĐT ngày 15-6, lãnh đạo Tổng cục Thuế ghi nhận, tiếp thu và giao Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các bộ phận liên quan rà soát lộ trình triển khai dự kiến, lên kế hoạch hỗ trợ triển khai thử nghiệm tại một số sàn TMĐT cũng như lấy ý kiến đóng góp của các bộ ngành liên quan, nếu cần thiết có thể điều chỉnh cho phù hợp.
An Nhiên