|
Đầu tư hàng trăm triệu đồng nhưng nhiều sàn TMĐT chỉ hội tụ được vài chục DN trưng bày sản phẩm, rất nhiều ngành hàng hiển thị trên sàn vẫn "rỗng". |
Sẵn "vốn" mồi
“Kế hoạch xúc tiến phát triển TMĐT giai đoạn 2011 - 2015” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7/2010 đã tạo cơ sở nền tảng để Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các sở ban, ngành ở các địa phương xây dựng Kế hoạch xúc tiến phát triển TMĐT tại địa phương giai đoạn 2011 - 2015. Năm đầu tiên triển khai Kế hoạch, một trong những hoạt động chính được VCCI đẩy mạnh là phối hợp với các địa phương để xây dựng hoặc nâng cấp sàn giao dịch TMĐT.
VCCI khẳng định việc xây dựng sàn giao dịch TMĐT của địa phương là rất cần thiết nhằm thúc đẩy hoạt động mua sắm của DN và người dân thông qua mạng Internet. Qua sàn giao dịch, các DN trên địa bàn có điều kiện quảng bá thông tin, hình ảnh của mình đến với mọi đối tượng không phụ thuộc vị trí địa lý. Từ đó nâng cao vị thế, đảm bảo chất lượng sản phẩm của các DN làng nghề, mặt hàng địa phương. Mặt khác, còn nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước, các cơ quan, DN, người dân trên địa bàn về vai trò, ý nghĩa và kỹ năng ứng dụng TMĐT trong sản xuất kinh doanh và đời sống.
Theo bảng báo giá dịch vụ bảo trì và phát triển sàn giao dịch TMĐT (áp dụng từ 1/1/2012 đến 31/12/2012) của Viện Tin học Doanh nghiệp (VCCI) thì mỗi địa phương chỉ cần đầu tư khoảng 200 triệu đồng cho năm đầu tiên xây sàn (chưa tính một số khoản chi phí thỏa thuận tùy theo nhu cầu của từng nơi như chi phí thiết kế mỹ thuật, nâng cấp, chỉnh sửa giao diện và nâng cấp tích hợp thêm tính năng, module), sau đó mỗi năm chi thêm hơn 50 triệu đồng khoản kinh phí thường niên như chi phí duy trì máy chủ Internet (hosting), bảo trì hệ thống giải pháp phần mềm, định kỳ backup, khôi phục dữ liệu khi cần, cập nhật thông tin, hình ảnh trên sàn. Với sự hỗ trợ của VCCI thì trong khoảng 6 tháng là địa phương sẽ có được một sàn TMĐT có thể đi vào hoạt động.
Đặc biệt, trong tổng số vốn đầu tư xây sàn TMĐT tại mỗi địa phương, VCCI sẽ hỗ trợ 40%, còn lại 60% từ nguồn địa phương (trong đó DN tại địa phương có thể đóng góp 20%,và chính quyền địa phương đảm nhận 40%).
Chợ hiện đại nhưng "hẻo" giao dịch
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc được hỗ trợ tới 40% kinh phí cho một dự án CNTT trở thành thông tin sốt dẻo với các địa phương, nhất là những tỉnh không dư giả về tài chính. Bởi vậy, chỉ trong thời gian ngắn, tính đến nay VCCI đã hỗ trợ xây mới và nâng cấp sàn TMĐT cho khoảng 10 địa phương gồm: Thái Nguyên (tại địa chỉ http://thainguyentrade.gov.vn), Bắc Giang (http://ebacgiang.com.vn), Tuyên Quang (http://santmdttuyenquang.com.vn), Ninh Thuận (http://eninhthuan.com.vn), Long An (http://tradelongan.com.vn), Trà Vinh (http://travinhtrade.com.vn), Quảng Nam (http://quangnamtrade.com.vn), Đồng Tháp (http://dongthaptrade.com.vn), Thái Bình (http://khcntbstmdt.gov.vn), Bạc Liêu (http://baclieutrade.vn).
Vốn đầu tư cho sàn TMĐT của các địa phương cũng có sự khác biệt, chẳng hạn sàn TMĐT Bắc Giang bắt đầu hoạt động từ năm 2010 với nguồn vốn 500 triệu đồng do nhiều thành viên góp cổ phần; còn sàn TMĐT Đồng Tháp bắt đầu hoạt động từ năm 2007, đến năm 2011 đã đầu tư hơn 200 triệu đồng vốn đối ứng từ địa phương cho việc nâng cấp... Một số địa phương phản ánh, chỉ nhận được 30% vốn hỗ trợ từ VCCI (chứ không phải 40% như trên) còn phía địa phương phải đảm nhận 70% kinh phí đầu tư sàn.
Dạo một vòng 63 tỉnh, thành, ngoài 10 địa phương trên còn một số tỉnh, TP khác cũng đã xây dựng được sàn của riêng mình như Tiền Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Phú Yên, Hậu Giang, Ninh Bình, Bình Dương... Hầu hết các sàn đều được quản lý bởi Trung tâm Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công Thương.
Một số đại diện quản lý sàn TMĐT khẳng định nhờ có sàn TMĐT, các DN được quảng bá sản phẩm, thương hiệu rộng hơn, khách hàng biết đến nhiều hơn, doanh thu của DN cũng cao hơn.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên BĐVN thì số DN tham gia các sàn TMĐT địa phương còn rất khiêm tốn. Cụ thể, Sàn TMĐT Đồng Tháp chỉ thu hút được 25 DN tham gia trưng bày 74 sản phẩm; Sàn TMĐT Thái Bình có 12 DN với 20 sản phẩm; Sàn TMĐT Bạc Liêu có 31 DN, 57 sản phẩm; sàn TMĐT Tuyên Quang có 45 DN, 42 sản phẩm; Sàn TMĐT Ninh Thuận có 20 DN với 61 sản phẩm,...
Những sàn "đông khách" nhất cũng không hội tụ được quá con số 150 DN chẳng hạn như sàn TMĐT Thái Nguyên có 96 DN trưng bày 173 sản phẩm; sàn TMĐT Bắc Giang có 67 DN với 180 sản phẩm; sàn TMĐT Long An có 97 DN với 137 sản phẩm, sàn TMĐT Trà Vinh có 68 DN với 275 sản phẩm. "Đỉnh" nhất là sàn TMĐT Quảng Nam cũng chỉ có 133 công ty tham gia.
Hầu hết các sàn chỉ là nơi DN quảng bá, giới thiệu về sản phẩm, chứ không thực sự kết nối cung - cầu bằng các hoạt động chào bán, chào mua. Chẳng hạn, tại sàn TMĐT Trà Vinh có tới 207 sản phẩm chào bán trong khi chỉ có 1 sản phẩm chào mua; tại sàn TMĐT Bắc Giang có 180 sản phẩm chào bán nhưng không có sản phẩm chào mua nào; sàn TMĐT Thái Bình có 40 sản phẩm chào bán, 0 sản phẩm chào mua,...
Đáng chú ý là các sàn TMĐT được thiết kế theo một khuôn mẫu gần giống nhau, đều có các ngành hàng như Hợp tác & Đầu tư, Khoáng sản - Luyện kim, Thiết bị điện tử - Tin học - Viễn thông, Giáo dục - Văn hóa - Thể thao, Dịch vụ - Lữ hành - Du lịch, Nông - Lâm - Thủy sản, Phương tiện đi lại - Vận tải, Thực phẩm - Sản phẩm chế biến - Đồ uống, Dược phẩm - Hóa chất, Dệt may - Giày da - Thời trang, Bất động sản - Xây dựng - Thiết bị nội thất, Sức khỏe và làm đẹp, Quà tặng - Trang sức - Thủ công mỹ nghệ, Dụng cụ chuyên ngành, Hội chợ triển lãm... Trong đó, rất nhiều ngành hàng không có sản phẩm trưng bày, trông khá phản cảm. Chẳng hạn, sàn TMĐT Quảng Nam có tới 6/14 ngành hàng "trống" sản phẩm; sàn TMĐT Ninh Thuận có 7/14 ngành hàng và sàn TMĐT Đồng Tháp có 6/13 ngành hàng "rỗng",...