Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thương mại điện tử
Hà Tĩnh là một trong những địa phương có nhiều điểm sáng về việc đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc sản, đặc trưng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Năm 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 2783/QĐ-UBND về việc thực hiện kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các đơn vị liên quan đã tập trung thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các nhiệm vụ như: Phát triển thị trường, hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ TMĐT, tập huấn kỹ năng mua hàng trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, gia tăng giá trị sản phẩm chủ lực tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, sàn TMĐT Hà Tĩnh (http:hatiplaza.com) đang giới thiệu và bày bán 544 sản phẩm của 388 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn, chủ yếu là sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và đặc sản địa phương. Các nhóm sản phẩm được giới thiệu trên sàn TMĐT Hà Tĩnh gồm: Thực phẩm chế biến, nông sản, đồ gia dụng… Các sản phẩm đều được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn quy định trước khi đưa lên giới thiệu.
Bưởi Phúc Trạch và mô hình phân phối hiệu quả trên sàn TMĐT
Một trong số những nông sản đặc trưng của tỉnh Hà Tĩnh đang phân phối hiệu quả trên sàn TMĐT phải kể đến là bưởi Phúc Trạch, đây là giống bưởi đặc sản của huyện Hương Khê.
Được biết, Hương Khê hiện có hơn 2.000 ha bưởi Phúc Trạch. Bưởi Phúc Trạch được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm nhãn hiệu hàng hóa vào năm 2004. Hiện nay, bưởi Phúc Trạch được trồng tập trung chủ yếu ở các xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Hương Giang, Hương Thủy (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Có 10 xã phụ cận cũng trồng loại bưởi này.
Không để sản vật quê hương mãi đứng chân ở trong vùng quê nghèo, những nỗ lực của chính quyền cùng với sự đồng sức đồng lòng của bà con nhân dân nơi đây đã góp phần đưa bưởi Phúc Trạch trở thành 1 trong 50 loại trái cây đặc sản nổi tiếng của Việt Nam và là 1 trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ.
Theo đó, để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập và bảo vệ giá trị thương hiệu của bưởi Phúc Trạch, huyện Hương Khê đã thành lập Tổ công tác quảng bá, kết nối tiêu thụ bưởi. Tổ công tác đã tham mưu với UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động truyền thông, xúc tiến tiêu thụ.
Mục tiêu đặt ra là duy trì thị trường tiêu thụ sản phẩm truyền thống tại các địa phương trong tỉnh; tăng cường mở rộng thị trường tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh..., và hướng tới xuất khẩu.
Điểm sáng trong các hoạt động đó là việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cây bưởi Phúc Trạch tại địa chỉ https://buoiphuctrach.gov.vn nhằm minh bạch thông tin đến người tiêu dùng, đồng thời phân phối rộng khắp loại quả này trên các sàn TMĐT lớn như: Voso, Postmart, Sendo, Shopee và sàn TMĐT của tỉnh... Nhờ những nỗ lực không ngừng, bưởi Phúc Trạch đang ngày càng tiếp cận sâu rộng hơn đến với người tiêu dùng, trở thành một thứ sản vật mang thương hiệu đặc trưng của tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Đặng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết “huyện tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, quản lý để chống ép giá gây thiệt hại cho người sản xuất, nhất là các hộ quy mô sản xuất nhỏ lẻ; quan tâm chỉ đạo công tác chuyển đổi số, minh bạch thông tin về sản phẩm, phục vụ tốt công tác truy xuất nguồn gốc. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về cấp, sử dụng tem chỉ dẫn địa lý. Tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng tem nhãn đúng theo quy định; tuyệt đối không để trà trộn sản phẩm làm ảnh hưởng đến thương hiệu bưởi Phúc Trạch của địa phương”.
Mô hình phân phối bưởi Phúc Trạch trên các sàn TMĐT và các loại đặc sản của Hà Tĩnh nói chung đã cho thấy sự phối hợp, quyết tâm của chính quyền các cấp, sở ngành có liên quan trên địa bàn tỉnh trong việc tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Qua vài năm triển khai, có thể nói mô hình phân phối sản phẩm đặc trưng của tỉnh trên sàn TMĐT đã và đang phát huy vai trò là kênh kết nối người tiêu dùng với doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất mua bán các đặc sản của địa phương, giúp các đơn vị sản xuất quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Với tổng diện tích hơn 2.700ha, trong đó hơn 1.900ha cho thu hoạch, năng suất thu hoạch vụ bưởi năm 2023 đạt hơn 1,1 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt khoảng 21.000 tấn, giá trị kinh tế thu về đạt gần 590 tỷ đồng.