Săn thức ăn cho tôm hùm, kiếm tiền triệu mỗi ngày
Khoảng 3 năm nay, nhiều ngư dân Hà Tĩnh có thêm nghề lặn sông Vịnh bắt vẹm đen bán làm thức ăn cho tôm hùm. Công việc này giúp họ kiếm tiền triệu trong một buổi sáng.
Từ 7h sáng, khúc sông Vịnh, đoạn chân cầu Kỳ Ninh (xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) xuất hiện những chiếc thuyền nhỏ. Trên thuyền thường có 2 người, là người thân trong một gia đình. Họ lái thuyền ra khu vực nước sâu, nhiều bãi đá để bắt vẹm đen (động vật thân mềm có 2 mảnh vỏ, kích thước nhỏ) bán cho thương lái (Ảnh: Nguyễn Dương).
Để cơ thể giữ ấm khi lặn lâu dưới nước, ngư dân Trần Tuấn (24 tuổi) phải mặc bộ đồ người nhái chuyên nghiệp. Chàng trai trẻ cũng không thể thiếu kính lặn giúp ngăn nước vào mắt và nhìn rõ đáy sông (Ảnh: Nguyễn Dương).
Khi xuống nước, thợ lặn ngậm ống dưỡng khí, quấn quanh người một băng chì và mang ở cổ một bao đựng đan bằng lưới (Ảnh: Nguyễn Dương).
Thợ lặn kết nối với thuyền bằng một cuộn dây dẫn khí dài hàng trăm mét. Trong khi thợ lặn làm việc, người còn lại trên thuyền phải quan sát mặt nước, bọt khí để điều chỉnh công suất máy nén cho phù hợp và xử lý các sự cố (Ảnh: Nguyễn Dương).
Mỗi lần lặn thường kéo dài 5-10 phút đến khi bao tải đầy vẹm, ngư dân sẽ ngoi lên mặt nước (Ảnh: Nguyễn Dương).
Vẹm thường có ở lớp bùn nơi đáy sông nhiều đá. Ngư dân dùng chiếc cào 2 răng tự chế để bới tìm hoặc dùng tay để tự gỡ, phân loại (Ảnh: Nguyễn Dương).
Theo ngư dân Trần Minh Đài (58 tuổi, thôn Bắc Hà, xã Kỳ Hà), người làm nghề lặn vẹm phải có sức khỏe tốt và cần có kinh nghiệm. "Quá trình lặn có thể xảy ra các sự cố như bình hết ô xy, máy tắt giữa chừng khi đang ở vị trí nước sâu. Nếu phát hiện, thợ lặn phải ngoi lên ngay, nếu không sẽ mất mạng. Vùng này đã có người tử nạn vì thiếu kinh nghiệm", ông Đài nói (Ảnh: Nguyễn Dương).
Sau khoảng thời gian ngụp lặn từ 7-12h, lúc này nước sông cũng đã lên cao, ông Trần Minh Đài cùng con trai Trần Quốc Khánh (22 tuổi) trở về bờ với vẹm đầy ắp thuyền (Ảnh: Nguyễn Dương).
Vẹm dính đầy bùn đen, họ phải chuyển xuống sông và rửa sạch tại chỗ (Ảnh: Nguyễn Dương).
Anh Trần Quốc Khánh cho hay, nghề lặn vẹm xuất hiện tại địa phương 2-3 năm nay khi thương lái về tìm mua. Loại vẹm đen có dưới đáy sông nhưng trước đây không ai để ý đến nó. "Khi thương lái về tìm mua để vận chuyển vào miền Nam xay nhuyễn làm thức ăn cho tôm hùm, chúng tôi mới bắt đầu làm nghề này", anh Khánh hồ hởi kể (Ảnh: Nguyễn Dương).
Cũng theo anh Khánh, vẹm đen được thương lái mua với giá 180.000 đồng/tạ. Trong vòng khoảng 5 tiếng đồng hồ buổi sáng, cha con anh khai thác được hơn 7 tạ, mang về nguồn thu nhập hơn 1,2 triệu đồng (Ảnh: Nguyễn Dương).
Sau khi rửa sạch sẽ, họ sẽ chuyển vẹm lên bờ và gọi điện cho thương lái đến tận nơi thu mua. Nghề lặn vẹm dù vất vả, hiểm nguy nhưng đổi lại giúp họ có thu nhập ổn định (Ảnh: Nguyễn Dương).
(Theo Dân Trí)