Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 nhấn mạnh: ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), điện tử, viễn thông, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và vi mạch bán dẫn.
Khai thác hiệu quả Khu Công nghệ cao và các khu công nghệ thông tin
Ngày 22-10-2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1238/QĐ-TTg về mở rộng Khu CNTT tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng, theo đó, Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 với tổng diện tích đất 28.573m2 tại phường Thuận Phước (quận Hải Châu) là phần mở rộng của Công viên phần mềm Đà Nẵng (số 2 và 15 Quang Trung, phường Thạch Thang).
Tại kỳ họp thứ 20 (chuyên đề) của HĐND thành phố vào ngày 30-10, các đại biểu biểu quyết thông qua phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 (giai đoạn 1) với tổng kinh phí hơn 414 tỷ đồng và kế hoạch vốn được phân bổ năm 2024 là 120 tỷ đồng. Chủ trương được phê duyệt nhằm hoàn thiện đồng bộ 3 khối nhà (ICT 20 tầng, ICT1 8 tầng và ICT2 8 tầng). Sau khi điều chỉnh, dự án được nâng tổng mức đầu tư lên hơn 1.400 tỷ đồng.
Ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 là dự án trọng điểm của Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực CNTT, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiếp cận nhanh các chính sách của Nhà nước; hỗ trợ, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp...
Với diện tích sàn hơn 90.000m2 đủ đáp ứng cho 6.000 nhân sự, Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 được thiết kế thành nhiều phân khu như: sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu, phát triển, tư vấn, đào tạo, vườn ươm CNTT…
Thời gian tới, thành phố sẽ thông báo chính sách ưu đãi, bố trí, đấu giá thuê mặt bằng, để ngay đầu năm 2025 có thể vận hành, khai thác công viên này.
Việc sớm vận hành Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 và 3 khu CNTT tập trung đã được Chính phủ công nhận (Công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1, Khu phức hợp Văn phòng FPT), hạ tầng khoa học công nghệ, CNTT thành phố cơ bản đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, thành phố có 3 khu CNTT đang thực hiện: dự án không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ có diện tích 17,3ha (đã được chấp thuận chủ trương đầu tư); tòa nhà Viettel Đà Nẵng tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu có diện tích 1,07 ha (dự kiến khởi công quý 1-2025); Khu CNTT Đà Nẵng Bay tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu có diện tích 3,5ha (đang thực hiện chủ trương đầu tư).
Tính đến ngày 30-11, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng thu hút 30 dự án, cụ thể: 17 dự án trong nước, 13 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thông tin, tỷ lệ lấp đầy trong Khu Công nghệ cao khoảng 50% và ban quản lý tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để mở rộng và dành đất cho sản xuất, góp phần định vị Đà Nẵng thành trung tâm công nghệ cao.
Lũy kế đến nay, thành phố có 521 dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung - giai đoạn 1 và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; trong đó có 396 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 33.876 tỷ đồng và 125 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 2,22 tỷ USD.
Phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, dữ liệu
Hạ tầng viễn thông, CNTT thành phố tiếp tục được đầu tư nâng cấp mở rộng. Cụ thể, Đà Nẵng có trạm cáp quang biển cập bờ tại phường Hòa Hải (quận Ngũ hành Sơn) với 2 tuyến cáp quang SMW và APG, có tổng dung lượng hiện tại là 55,132 Tb/s, chiếm 14,37% tổng dung lượng của 8 tuyến cáp quang biển Việt Nam, có thể mở rộng để đạt năng lực 40% cho các kết nối quốc tế của Việt Nam.
Thành phố có 2.577 trạm thu phát sóng di động, bảo đảm 100% khu dân cư phủ sóng 4G và cáp quang băng rộng cố định. Hiện có 266 trạm trên địa bàn thương mại hóa mạng 5G. Thành phố xây dựng được tuyến mạng đô thị (mạng MAN) với tổng chiều dài 450km cáp quang ngầm, kết nối 191 cơ quan, đơn vị, tổ chức. Đặc biệt, việc vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh Đà Nẵng (IOC) từ ngày 14-8-2023 là hạ tầng quan trọng cho chuyển đổi số của thành phố.
Về hạ tầng dữ liệu, trung tâm dữ liệu Đà Nẵng có dung lượng lưu trữ 170TB và khả năng mở rộng nhanh, bảo đảm tài nguyên phục vụ vận hành chính quyền điện tử, được trang bị hệ thống bảo đảm an toàn thông tin chuyên dùng như tường lửa, thiết bị IDS/IPS, cân bằng tải. Về trung tâm dữ liệu do doanh nghiệp khai thác: Trung tâm dữ liệu VNPT với diện tích sàn 800m2, bố trí 100 rack - thiết bị lưu trữ và quản lý thiết bị điện tử tại các trung tâm dữ liệu; Trung tâm dữ liệu CMC diện tích sàn 200m2, 11 rack; Trung tâm dữ liệu Viettel có 100 rack; Trung tâm dữ liệu FPT…
Hai trung tâm VNPT và CMC đạt chuẩn Tier-III về đánh giá thiết kế, vận hành, quản lý đối với cơ sở hạ tầng của một trung tâm dữ liệu. Các hạ tầng trên vận hành ổn định vì Đà Nẵng có mật độ trạm biến áp lớp nhất miền Trung - Tây Nguyên, cụ thể là 15 trạm biến áp 110kV với tổng công suất lắp đặt 1.331 MW, cùng với 4.873 trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng 2.341 MW.
Để phát triển hạ tầng dữ liệu, thành phố đang dần hình thành dữ liệu Internet vạn vật (IoT) với hạ tầng mạng truyền dẫn sử dụng công nghệ LoRa (năng lượng thấp, vùng phủ sóng rộng). Cổng dịch vụ công thành phố đã kết nối và tích hợp 1.381 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thành phố đã triển khai 94% dịch vụ công trực tuyến mức 3, toàn trình, trong đó 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đã triển khai mức độ toàn trình.
Thành phố có gần 260.000 tài khoản công dân điện tử được tạo lập với kho dữ liệu cá nhân. Thành phố mở rộng Kho dữ liệu dùng chung với khả năng thu thập, xử lý các dữ liệu camera, IoT, cảm biến, mạng xã hội… để chia sẻ cho các ngành, địa phương sử dụng trong chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân.
Ông Lê Sơn Phong cho biết, giai đoạn 2025-2030, thành phố ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng viễn thông CNTT bảo đảm năng lực truyền dẫn, tính toán, xử lý, lưu trữ để ứng dụng các công nghệ mới phục vụ thành phố thông minh. Thành phố tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu, phát triển các dịch vụ dữ liệu bảo đảm năng lực xử lý dữ liệu lớn, phục vụ công tác dự báo các vấn đề trong lĩnh vực kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ứng dụng AI, hạ tầng tính toán hiệu năng cao, hạ tầng dữ liệu lớn; nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và áp dụng vào thực tiễn các ứng dụng AI, trong đó ưu tiên các ứng dụng mô phỏng, dự báo chuyên ngành phục vụ công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Theo MAI QUẾ (Báo Đà Nẵng)