Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giao Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, chuẩn bị trình Bộ Chính trị Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW với mục tiêu cao nhất là chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiếp tục chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cho giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội thảo Hội thảo chuyên đề tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vừa diễn ra tại Hà Nội là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý, hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận, đánh giá cụ thể và khách quan những mặt được và chưa được trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu về bảo vệ môi trường tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, đề ra những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, góp phần chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức trong quá trình đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới.
Báo cáo về các kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, giai đoạn 2013 - 2023 đánh dấu một bước tiến lớn trong công tác hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thay đổi căn bản cách tiếp cận và phương thức quản lý môi trường với nhiều quy định mới, được kỳ vọng sẽ tạo nên những đột phá, chuyển biến sâu sắc trong công tác bảo vệ môi trường của đất nước. Các công cụ quản lý môi trường được triển khai đồng bộ, hiệu quả, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn. Công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đã liên tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, cải tiến quy trình, thủ tục nhằm phát huy vai trò, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc sàng lọc, kiểm soát định hướng, quy hoạch, dự án đầu tư phát triển phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường.
Trong giai đoạn 2013-2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định, có ý kiến đối với hơn 190 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; thẩm định, phê duyệt hơn 1.500 báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các địa phương đã chú trọng dự án có tỷ lệ đầu tư về môi trường lớn; một số địa phương đã bước đầu thực hiện việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường ngay từ quá trình thu hút đầu tư.
Chính phủ đã chỉ đạo, hình thành được phương thức phối kết hợp giữa Trung ương, địa phương trong kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề môi trường phát sinh.
Từ cuối năm 2017 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương. Từ khi được thành lập đến hết năm 2022, Đường dây nóng đã nhận được tổng số 2.545 thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường. Các vụ việc phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường đều được gửi về địa phương đề nghị xác minh, xử lý, hoặc trực tiếp tổ chức xác minh, xử lý, hoặc hướng dẫn công dân thực hiện theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác quan trắc và cảnh báo về môi trường tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Đến hết năm 2022, cả nước có 58/63 địa phương với 1.298 trạm quan trắc tự động đã truyền số liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Lê Thị Thuý Tình, Lê Anh Dũng