Theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao phải có một sản phẩm OCOP được xếp hạng và còn thời hạn công nhận. Với quy định này, sản phẩm OCOP trở thành một trong những tiêu chí “cứng” buộc các địa phương phải xây dựng.
Tính đến ngày 31/5/2024, toàn tỉnh Quảng Bình có 168 sản phẩm OCOP còn thời hạn (tăng 111 sản phẩm so với năm 2020), gồm 28 sản phẩm 4 sao (tăng 20 sản phẩm so với năm 2020), 140 sản phẩm OCOP đạt 3 sao (tăng 84 sản phẩm so với năm 2020).
Hiện nay, sản phẩm OCOP được các xã xây dựng hầu hết là những sản phẩm đặc trưng, mang tính chủ lực của địa phương. Những sản phẩm này đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.
Hợp tác xã sản xuất, mua bán và chế biến thủy sản Vương Đoàn tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh là một trong những hợp tác xã hoạt động có quy mô và hiệu quả của địa phương. Hiện hợp tác xã có 1 sản phẩm là cá bờm trắng khô đạt OCOP 4 sao và nhiều sản phẩm từng được công nhận đạt OCOP 3 sao. Các sản phẩm của hợp tác xã được xuất bán ở các tỉnh, thành trong nước và cả nước ngoài như: Thái Lan, Lào.
Trung bình, sản lượng sản xuất hàng năm của hợp tác xã khoảng 200 tấn thủy hải sản khô, 100 tấn thủy hải sản tươi sống. Với quy mô sản xuất lớn, hợp tác xã đã thu mua, bao tiêu số lượng lớn thủy hải sản cho bà con ngư dân trên địa bàn xã Hải Ninh và một số xã ở huyện Lệ Thủy, thành phố Đồng Hới, giúp bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Tại huyện Bố Trạch, Hợp tác xã sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh là một trong những đơn vị luôn tìm tòi, nghiên cứu, sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng như: Nấm ăn và nấm dược liệu, các sản phẩm chế biến từ nấm và cây dược liệu.
Trong đó, có 13 sản phẩm đã đạt sản phẩm OCOP 3 và 4 sao, 1 sản phẩm công nghệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, 1 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hợp tác xã đã ký kết các hợp đồng và liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm thương phẩm với các hệ thống siêu thị bán lẻ lớn trên toàn quốc và các cửa hàng nông sản trong, ngoài tỉnh.
Việc nâng tầm và xây dựng thương hiệu các sản phẩm có xuất xứ Quảng Bình là cần thiết, đòi hỏi các chủ thể phải cố gắng nỗ lực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để có những sản phẩm chất lượng cao, mang hương vị đặc trưng và đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Được triển khai từ năm 2019, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã khơi dậy tiềm năng, góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp với các ngành nghề, dịch vụ có lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, bảo tồn các giá trị văn hoá, cảnh quan và môi trường nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và an sinh xã hội ở khu vực nông thôn.
“Sau hơn 6 năm triển khai, sản phẩm OCOP đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Sản phẩm OCOP đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường, khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển”, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Bình đánh giá.