Là một nhà sản xuất quạt điện của Việt Nam, công ty TNHH SX-TM-DV Hành Sanh đã tận dụng nền tảng Alibaba.com được 4 năm để mở rộng kinh doanh ra quốc tế.
Thành lập năm 1996, Hành Sanh phát triển thương hiệu SanKyo với mong muốn đưa sản phẩm Việt Nam với chất lượng quốc tế đến tận tay người tiêu dùng. SanKyo từ lâu được biết đến với các sản phẩm quạt điện, nón bảo hiểm, nồi cơm điện chất lượng cao với gía thành hợp lý.
Ông Steven To, Phó giám đốc điều hành, cho biết thông qua sàn thương mại điện tử quốc tế, doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm ra thế giới và phát triển công ty ra quốc tế.
Với tham vọng đưa thương hiệu quạt Việt Nam ra toàn cầu, năm 2019 Sankyo xây dựng gian hàng trên sàn Alibaba. Chỉ trong hơn 2 năm, Sankyo đã trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu của ngành hàng đồ gia dụng trên Alibaba.
Bà Nguyễn Thị Dung, đại diện doanh nghiệp tư nhân Phạm Bá Tiến cho biết, đơn vị này sản xuất và phân phối các sản phẩm dành cho tóc, bắt đầu kinh doanh vào năm 2015. Với nỗ lực nhằm tăng hiệu quả hoạt động và doanh thu, công ty đã tìm cách tích hợp theo chiều dọc trong ngành của mình, khởi đầu với một nhánh phân phối phục vụ cho việc bán các sản phẩm tóc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp đã nhờ đến Alibaba.com.
“Khi bắt đầu kinh doanh vào năm 2015, chúng tôi chỉ tập trung vào sản xuất. Nhưng theo thời gian, chúng tôi nhận ra rằng công ty cũng có thể hưởng lợi từ việc bán trực tiếp cho người mua là các doanh nghiệp, thay vì các công ty thương mại. Alibaba đã giúp chúng tôi có đơn hàng xuất khẩu đầu tiên vào năm 2016 và kể từ đó, doanh thu của chúng tôi đã tăng gần gấp bốn lần,” bà Nguyễn Thị Dung cho biết.
Theo khảo sát trên sàn thương mại điện tử Alibaba, một số thương hiệu Việt được thị trường đánh giá cao như đồ nội thất Nghĩa Sơn, đồ điện tử Lioa, thực phẩm Rita, bao bì Bình Minh, sản phẩm tóc Apohair.
Theo báo cáo của Aibaba, các mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam được thị trường quốc tế yêu thích phải kể đến thực phẩm, đồ uống, nhà, vườn, làm đẹp, chăm sóc cá nhân và nông nghiệp,…
Alibaba cũng cho biết nhiều mặt hàng của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về chi phí và giá thành, chẳng hạn như nông sản, thực phẩm chế biến – đóng gói, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, may mặc, cơ khí chế tạo, chế phẩm nhựa và chất dẻo, bao bì đóng gói.
Thế mạnh của Alibaba.com là sàn bán sỉ (B2B) có lượng người mua sỉ lớn (hơn 34 triệu) từ hơn 190 quốc gia và và vùng lãnh thổ. Số lượng nhà bán hàng Việt Nam trên nền tảng bán sỉ của Alibaba đang ở mức hàng nghìn đơn vị.
Đánh giá về hàng Việt, ông Mike Zhang, Giám đốc quốc gia của nền tảng bán sỉ Alibaba tại Việt Nam, cho biết trong 9 tháng đầu năm, số lượt nhà mua hàng hỏi đặt sản phẩm "Made in Vietnam" trên nền tảng bán buôn trực tuyến của Alibaba tăng 47%. Nhu cầu tăng lên góp phần thu hút lượng sản phẩm từ Việt Nam lên sàn tăng 24%.
“Tôi rất lạc quan về phát triển bán hàng xuyên biên giới của Việt Nam ra quốc tế", ông Mike nói.
Ông Roger Luo, Giám đốc khu vực Đông Nam Á Alibaba cho biết, nếu so với Trung Quốc, hàng gắn xuất xứ Việt Nam có lợi thế. Cùng với đó, chi phí lao động tại đây vẫn còn rẻ và có nhiều sản phẩm lợi thế đặc thù.
"Nhà cung cấp Việt Nam trên nền tảng chúng tôi đang dần tạo được danh tiếng với số đông nhà mua hàng toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực như sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, thời trang và sản phẩm nhà vườn", ông nói.
Alibaba.com cũng công bố kế hoạch 3 năm mở rộng thị trường của mình tại Việt Nam. Việc mở rộng hoạt động của Alibaba tại Việt Nam dự kiến sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các cụm sản xuất.
Trong 3 năm tới, công ty sẽ tăng gấp đôi đầu tư vào các trung tâm sản xuất mới nổi và đẩy mạnh thêm nhân sự hoạt động tại các địa phương như Bình Dương, Bắc Ninh, Long An, Đà Nẵng và Hải Phòng bên cạnh Hà Nội và TP HCM.