Như ICTnews đã đưa tin, hôm qua, ngày 22/2/2018, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc. Cùng tháp tùng Thủ tướng có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo các Bộ: KH&CN, KH&ĐT, Tài chính, GD&ĐT; lãnh đạo Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; UBND TP.Hà Nội; Đại học Quốc gia Hà Nội; các tập đoàn lớn của Việt Nam và một số doanh nghiệp đã đầu tư và đang nghiên cứu đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc.

Trong lần thăm và làm việc ngày 22/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả bước đầu đã đạt được của Khu CNC Hòa Lạc khi trực tiếp được nghe và trải nghiệm nhiều sản phẩm công nghệ cao do các doanh nghiệp công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, như thiết bị điều khiển bằng sóng não, các sản phẩm IoT… tại Khu CNC này.

“Chúng ta có nhiều nhân tố, nhiều cố gắng để có được một vị thế như ngày hôm nay: Giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng đã được làm căn bản. Hạ tầng giao thông, điện, nước, vận tải đã được thiết lập. Tiềm lực khoa học và công nghệ của chúng ta đã được quan tâm và tăng cường. Đã có những sản phẩm công nghệ 4.0 do các nhóm khởi nghiệp, các trung tâm nghiên cứu của Viettel, FPT, VNPT, Đại học Quốc gia Hà Nội... phát triển tại Khu CNC Hòa Lạc. Đây là những thành công bước đầu. Thực sự là tin vui đầu năm mới”, Thủ tướng nhận định.

Theo thống kê của Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, tính đến hết năm 2017, Khu CNC này đã có 81 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký 66.174 tỷ đồng trên tổng diện tích 358 ha. ICTnews xin giới thiệu tới độc giả một số sản phẩm, giải pháp công nghệ cao đã được các các nhà quản lý, nhóm nghiên cứu của các tập đoàn, doanh nghiệp đang đầu tư vào khu CNC Hòa Lạc đã giới thiệu tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm và làm việc của người đứng đầu Chính phủ với Ban quản lý khu CNC Hòa Lạc ngày 22/2:

Thiết bị điều khiển bằng sóng não của DTT và Emotiv

Phòng thí nghiệm Sóng não thuộc Hòa Lạc IoT Lab đã giới thiệu hệ thống thiết bị và phần mềm điều khiển bằng đọc sóng não. Đây là kết quả của hợp tác nghiên cứu giữa Công ty DTT và Emotiv tại phòng thí nghiệm Sóng não ở Khu CNC Hòa Lạc. Hệ thống này có thể đọc các tín hiệu từ não người và dùng để điều khiển các thiết bị (như bật tắt đèn bằng ý nghĩ) qua hệ thống phần mềm.

Cùng với đó, thông qua sa bàn mô phỏng bãi đỗ xe, với một camera và một ô tô robot,  Công ty DTT cũng đã giới thiệu tới Thủ tướng hệ thống quản lý bãi đỗ xe ô tô sử dụng công nghệ IoT và nhân dạng hình ảnh. Trong hệ thống này, camera sẽ được sử dụng để nhận biết các ô đỗ xe còn trống, đồng thời ghi hình cho mục đích an ninh. Hình ảnh sẽ được xử lý ngay tại chỗ nên không tốn đường truyền - điều này có thể thực hiện được là do ứng dụng công nghệ IoT.

Hệ thống mô phỏng này đã phần nào minh chứng cho khả năng áp dụng công nghệ IoT vào ứng dụng thực tế. Công nghệ đã mang máy móc vào thay thế cho con người và cùng với đó giúp tăng hiệu quả đầu tư, giảm chi phí.

Các thiết bị bay không người lái của Viện Nghiên cứu & ứng dụng CNC Hòa Lạc

Thiết bị bay không người lái Đa Roto như HRU-17, HRU-27…, các thiết bị bay không người lái cánh bằng như HRU-31, HRU-32 cùng thiết bị giám sát vô tuyến HRE-01 là những sản phẩm được Viện Nghiên cứu & ứng dụng CNC Hòa Lạc giới thiệu với đoàn công tác của Chính phủ.

Theo Viện Nghiên cứu & ứng dụng CNC Hòa Lạc, thiết bị bay không người lái Đa Roto như HRU-17, HRU-27 … và các thiết bị bay không người lái cánh bằng như HRU-31, HRU-32 là các phương tiện bay không người lái loại nhỏ, cho phép mang tải có ích từ 3-10 kg và hoạt động trong phạm vi 50km, trần bay cao 3-5km với thời gian hoạt động cho phép từ 4-6h.

HRU-17 và ứng dụng thu thập dữ liệu địa hình đã tham gia giúp Ban quản lý trong công tác quản lý tiến độ xây dựng và phát triển hạ tầng, quản lý công tác giải phóng mặt bằng tại Khu CNC Hoà Lạc.

Mục tiêu tiếp theo trong lĩnh vực này là Viện sẽ nghiên cứu và phát triển các phương tiện bay không người lái tầm trung và tầm cao có khả năng mang các tải có ích nhiều hơn (đến 200kg); phạm vi hoạt động xa hơn (bán kính đến 500 km) với thời gian hoạt động cho phép đến 24h. Các sản phẩm này sẽ giúp cho việc phát triển các ứng dụng trong công tác quản lý nhà nước với phạm vi rộng hơn, đặc biệt đóng góp trong các hoạt động đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.

Về thiết bị giám sát vô tuyến HRE-01, Viện Nghiên cứu & ứng dụng CNC Hòa Lạc cho biết, thiết bị này có băng thông giám sát rộng (đến 3GHz hiện tại và option đến 6Ghz), hệ thống thu có độ nhạy cao kết hợp với thiết bị tính toán, thuật toán tối ưu cho phép quét và xử lý với tốc độ 2Ghz/s; nhiều ưu điểm trong việc lưu trữ dữ liệu, hiển thị và phân tích dữ liệu giúp khả năng phân tích và xác định các can nhiễu, kênh truyền không cho phép một cách dễ dàng, đem lại thuận tiện và chính xác cho người sử dụng. Sản phẩm được sử dụng trong việc quản lý, giám sát các hoạt động thu phát vô tuyến trong môi trường tự do, được ứng dụng cho việc phát hiện các can nhiễu gây ảnh hưởng đến hoạt động thu phát vô tuyến của các doanh nghiệp; quản lý và giám sát, phát hiện các tần số và kênh phát vô tuyến trái phép để ngăn ngừa mất an toàn thông tin tại các khu vực quan trọng như các phòng làm việc, phòng họp của các VIP, các khu vực cần bảo vệ...

Các sản phẩm smartphone, smartbox, Modem… của VNPT Technology Hòa Lạc

Với VNPT, trong chương trình làm việc của Thủ tướng tại khu CNC Hòa Lạc vào ngày 22/2, tập đoàn này đã trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm công nghệ do VNPT Technology nghiên cứu và sản xuất như thiết bị giáo dục giải trí Smartbox 2; thiết bị giáo dục giải trí kết hợp làm việc Smartbox PC; các điện thoại thông minh VIVAS Lotus S2 Eco, VIVAS Lotus S2 Pro, VIVAS Lotus S2, VIVAS Lotus S3 LTE; đầu thu kỹ thuật số DVB-T2; thiết bị Modem cho mạng Internet băng rộng tốc độ cao - Modem ADSL iGate AW300N; thiết bị xem truyền hình và các nội dung theo yêu cầu trên nền tảng công nghệ IPTV - IP Set-top-box; thiết bị đầu cuối mạng quang GPON (GPON ONT); Thiêt bị đầu cuối mạng quang AON (AON CPE); bộ thu phát
Wi-Fi công suất nhỏ Wi-Fi Access Point Outdoor và bộ thu phát Wi-Fi công suất lớn cho doanh nghiệp Wi-Fi Access Point Indoor.

Cùng với đó, VNPT cũng đã giới thiệu giải pháp IoT triển khai trong nhà máy và văn phòng với tên gọi IoT Connected Factory do VNPT Technology phát triển. Theo chia sẻ của VNPT, mục tiêu của VNPT Technology khi xây dựng giải pháp IoT Connected Factory là số hóa toàn bộ quy trình sản xuất, kết nối mọi nhà máy thông qua hạ tầng Internet, kết nối với các chuỗi hệ thống bao gồm cung ứng, giao vận, kinh doanh, phân phối, tối ưu giám sát chi phí năng lượng tiêu thụ, vận hành..., từ đó mang lại hiệu quả dài hạn, nâng cao năng lực sản xuất, hạn chế tối đa lỗi sản phẩm, giảm chi phí vận hành, bảo trì, hiệu quả cao trong quản lý điều hành.

Smartphone Bphone, nhà thông minh SmartHome của Bkav

Ngoài các giải pháp bảo mật phục vụ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, điện thoại thông minh Bphone và giải pháp nhà thông minh Bkav SmartHome được nghiên cứu và sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam là các sản phẩm, giải pháp vừa được CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng giới thiệu tới Thủ tướng.

Về giải pháp Bkav SmartHome, khẳng định hiện nay giải pháp này đã trở nên phổ biến tại Việt Nam và là hệ thống nhà thông minh thuộc nhóm thế hệ mới nhất trên thế giới, đại diện Công ty Bkav cho rằng: “Không chỉ phần mềm, phần cơ khí Bkav cũng rất chú trọng, khi cầm các sản phẩm có thể thấy các chi tiết chế tạo rất tinh xảo, cầm thiết bị ít người nghĩ đấy là của Việt Nam. Ở thị trường Việt Nam, Bkav Smarthome có thể cạnh tranh sòng phẳng với những hãng có hệ thống tương tự như Siemens (Đức), Schneider (Pháp) và thậm chí còn hiện đại hơn vì Bkav nghiên cứu thẳng vào những công nghệ mới. Các hãng trên từ tự động hóa đi lên, nên có phần lạc hậu nhất định”.

Được biết, Bkav đang triển khai kế hoạch nhằm phổ biến giải pháp nhà thông minh ở Việt Nam và trong tương lai, với kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước sử dụng nhà thông minh nhiều nhất trên thế giới.

Với smartphone Bphone, Bkav tự tin đã làm chủ công nghệ,  làm chủ về thiết kế kiểu dáng, thiết kế cơ khí, thiết kế điện tử, thiết kế phần mềm, thậm chí khuôn mẫu cơ khí cũng tự chế tạo (vì trong nước chưa sẵn sàng cho việc chế tạo khuôn mẫu nên Bkav chủ động chế tạo gần 10 năm để có thành tựu như hiện nay).  “Với Bphone, kế hoạch của Bkav trong 3-5 năm tới có thể đạt tới doanh thu 1 tỷ USD mỗi năm. Đặc biệt là trong những điều kiện thuật lợi, có thể thay thế các sản phẩm nhập khẩu và có thể xuất khẩu ra thị trường toàn cầu để trở thành Apple của Việt Nam”, Bkav cho hay.

Bên cạnh những sản phẩm, giải pháp nêu trên, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu còn được nghe giới thiệu và trực tiếp trải nghiệm nhiều sản phẩm, giải pháp  công nghệ cao khác như: hệ thống hỗ trợ nâng cao chất lượng văn bản – DoIT, sản phầm đạt giải Nhì Nhân tài Đất Việt 2017; hệ thống quản lý và cảnh báo ô nhiễm không khí sử dụng ảnh vệ tinh (APOM) và vi mạch mã hóa video VENGME H.264/AVC  của Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu, phát triển; các sản phẩm, giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của Công ty Five9; hay các giải pháp công nghệ cao được phát triển bởi những startup công nghệ như Infore, Base, Hachi, Schoolbus, Cyfeer, 689 Cloud, Roborzoid…