- Bén duyên với cây quýt hồng huyện Lai Vung (Đồng Tháp), ông Lưu Văn Ràng bỏ đam mê sửa chữa điện tử. Ông trở thành “kỹ sư nông dân”, tạo ra sản phẩm quýt hồng lên chậu độc đáo phục vụ mỗi dịp Tết đến xuân về.
>> Ớt cảnh độc trên bến Ninh Kiều
Ít ai dám nghĩ, nằm sâu trong con đường đất heo hút bờ kênh Cái Sơn, ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới (huyện Lai Vung) có lão nông Lưu Văn Ràng (Tư Ràng, 63 tuổi) tóc bạc muối, sở hữu vườn quýt sum suê, trĩu cành. Tết này, lão nông sẽ thu về hàng trăm triệu đồng...
Máu hồng nhỏ cho mùa… quýt bóng
Tiết trời se lạnh. Bên ấm trà nóng, Tư Ràng trầm ngâm một lúc rồi sang sảng kể chuyện 10 năm thăng hoa, bén rể vùng đất Lai Vung và tạo ra những sản phẩm “lá ngọc cành vàng”.
Cả khu vườn lấp lánh ánh quýt hồng sum suê từ gốc lên ngọn, xen lẫn màu lá xanh ngắt. Hiếm người biết, đó là thành quả lao động của lão Tư Ràng, hay nói cách khác đó chính là cơ nghiệp của một đời người.
Lão nông chất phác kể lại, từ năm 2005 bắt đầu làm thử nghiệm 100 cây quýt đưa lên chậu nhưng chỉ đạt được 40%. Lúc đó, mỗi chậu quýt hồng chỉ bán với giá 200 đến 350 ngàn đồng, quả không bóng và đẹp như bây giờ.
Tóc bạc trắng pha sương, lão nông Tư Ràng kể lại quá trình vượt khó để có thành công. |
Để thành công như mùa Tết Ất Mùi năm nay, với 360 chậu quýt hồng, lão đã bán cho thương lái ở TP.HCM từ 2 triệu đến 4 triệu đồng/chậu tại vườn.
Ngồi bên chậu quýt hồng bóng kính, Tư Ràng tiết lộ phải mất 30 tháng chiết cành, chăm bón miệt mài mới có sản phẩm như vậy.
Lão Tư chia sẻ, việc đầu tiên phải chọn chiết cành từ cây quýt lớn mất 2 tháng. Đến tầm tháng 5, bắt đầu công việc cắt cành, trồng xuống đất khoảng 3 tháng. Cũng từ đây, công việc chăm sóc để cành quýt phát triển đều và bắt đầu ra trái lúc 20 tháng.
“Lúc nuôi cây dưới đất, không để tán vượt quá cao và phải tạo thế đứng cho cây đẹp. Phân vi lượng, trung lượng tự tôi mua về chế biến để bón cho cây. Thời điểm quyết định thành công, sống còn là cây đủ trái bằng quả trứng cút thì bứng vào chậu. Nhưng lo nhất của người làm vườn lạ sợ trái rụng, cây khó sống” – Từ Ràng nói.
Trong mắt lão, mỗi chậu quýt hồng thành công phải đạt 15 trái trở lên. Nhưng cũng có một chậu quýt ông đạt được 132 trái.
Có được những chậu quýt như ngày nay, lão Tư Ràng cũng phải trả giá khi bị dây cu-roa máy bơm nước nghiền đứt 2 ngón tay trái vào 4 năm trước.
Vườn quýt hồng sum suê cho thu nhập gần tỷ đồng của lão nông. |
“Thay da đổi thịt”
Lai Vung được coi là vùng đất duy nhất ở khu vực ĐBSCL trồng được loại quýt hồng đặc sắc phục vụ mỗi dịp Tết cổ truyền.
Trái quýt hồng đã khiến bộ mặt nông thôn nơi đây “thay da đổi thịt”, và từ lâu, quýt đã trở thành cây chủ lực để mọi nhà, mọi người đua nhau làm giàu.
Tư Ràng lại kể, ông sinh ra và lớn lên, lập gia đình ở TP.Sa Đéc, nhưng hơn 10 năm nay bén duyên ở “vựa quýt” Lai Vung.
Từ lâu, Tư Ràng có tiếng là người tỉ mỉ, cẩn thận, chỉ chơi những loại cây cảnh nhiều hình thế lạ, độc đáo. Lão nông này cũng luôn tìm tòi, sáng tạo để nâng tầm cây quýt hồng lên.
Tại vùng đất này, đã từng có rất nhiều người thử nghiệm đưa quýt hồng lên chậu. Nhưng thất bại nối tiếp nhau khiến họ chán nản và bỏ cuộc. Vậy nhưng, với Tư Ràng thì ngược lại, ông đã thành công dù không đi theo bất kỳ công thức, lý thuyết nào để chăm sóc cây.
Lão Tư Ràng với 2 ngón tay trái bị đứt. |
Nói về điều này, Tư Ràng bảo, ông tự mày mò, tạo cách chăm sóc cây quýt theo công thức riêng của mình, và hơn hết ông hiểu được quy luật sinh trưởng của loại quýt hồng này.
Đất đã không phụ công người khai phá. Mỗi năm vườn quýt hồng, quýt đường ra hoa, kết trái nặng cành cho ông. Thành quả, trừ chi phí ra còn lãi từ 400 đến 500 triệu đồng.
Tư Ràng không chỉ dừng ở đó, ông luôn tìm cái mới và hướng đi chưa ai làm thành. Đó là việc đưa cây quýt hồng lên chậu chơi Tết. Đây thực sự là một thách thức đối với người làm vườn.
Lão Tư dẫn tôi đi tham quan, tay luôn thủ sẵn kéo cắt tỉa cho cây và cần mẫn chăm sóc từng chậu quýt vàng óng.
Ông bảo rằng, các chậu quýt giữa vườn các thương lái đã thu mua và chờ đến ngày giáp Tết chuyển đi TP.HCM, các tỉnh lân cận.
Riêng quýt hồng đưa lên chậu, Tư Ràng tính toán, trừ chi phí ông còn lãi khoảng 300 triệu đồng. Vậy là, tính sơ bộ mỗi năm lão nông lãi gần 1 tỷ.
“Phải nói rằng vùng đất này là nơi quýt hồng lên tiếng, thăng hoa. Cả vườn quýt của tôi khó tìm thấy một trái quýt lỗi. Từ xa nhìn lại là trái quýt bóng, đó là điều không phải thợ vườn nào cũng làm được.
Để làm được mình phải hiểu quy luật phát triển của cây, biết lựa chọn chế biến phân bón theo công thức riêng của mình. Đến nay là gần 10 năm trồng quýt hồng, năm nay thì tôi thực sự đã mãn nguyện” – giọng Tư Ràng đầy tự hào
Quốc Huy