Trao đổi tại tọa đàm “Tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT” do Bộ TT&TT tổ chức ngày 15/8 tại Hà Nội, ông Đỗ Vũ Anh, thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn VNPT đánh giá: Sau 10 năm triển khai, Luật CNTT đã có đóng góp lớn vào sự phát triển của công nghiệp điện tử - CNTT.
Thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu về lĩnh vực điện tử (tính cả khối FDI) năm 2017 có thể lên đến trên 50 tỷ USD, đóng góp vào GDP không hề nhỏ. Ngoài kim ngạch xuất khẩu lớn thì lĩnh vực sản xuất điện tử cũng thu hút khoảng 60.000 lao động, nhiều nhất trong các ngành sản xuất công nghiệp hiện nay.
Tuy nhiên theo các chuyên gia tại tọa đàm, để tạo động lực thực sự cho sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp CNTT, Luật CNTT cần phải có sự điều chỉnh để có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống, bám sát thực tế.
Ông Đỗ Vũ Anh cho rằng Luật cần được điều chỉnh để đồng bộ với những thay đổi về khuôn khổ pháp luật, cần cụ thể hóa tối đa các nội dung theo hướng hạn chế việc phải ban hành thêm nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Đưa ra ví dụ cụ thể, ông Đỗ Vũ Anh cho hay tại Điều 48 (Chính sách phát triển công nghiệp CNTT) có nêu “Nhà nước có chính sách ưu đãi, ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp CNTT, đặc biệt chú trọng công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung để trở thành một ngành kinh tế trọng điểm trong nền kinh tế quốc dân”, tuy nhiên phải tới ngày 26/5/2016 Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 41 về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT.
Trao đổi tại tọa đàm, ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam nêu thực trạng trong lĩnh vực sản xuất thiết bị phần cứng, các doanh nghiệp điện tử hoàn toàn có trình độ công nghệ để có thể sản xuất thiết bị, vấn đề khó khăn hiện chỉ là thị trường tiêu thụ. Do đó, chính sách của nhà nước cần đẩy mạnh hỗ trợ khuyến khích tiêu thụ, mở ra thị trường tiêu thụ cho các thiết bị điện tử, CNTT.
Về vấn đề thuế, theo ông Long, nếu như trước kia các sản phẩm gia công trong nước và xuất khẩu được miễn thuế thì gần đây chỉ miễn thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, còn doanh nghiệp xuất khẩu gián tiếp không được ưu đãi. Thực tế này khiến cho các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ lại hoàn toàn không được miễn thuế.
“Như vậy là chúng ta khuyến khích nhập khẩu linh kiện chứ không phải khuyến khích sản xuất trong nước”, ông Long nói.
“Nhà nước nên chăng cần quan tâm, chú trọng hơn và có các chính sách cho lĩnh vực sản xuất điện tử bởi hiện tại có rất ít các văn bản quản lý Nhà nước về lĩnh vực này dù đây là lĩnh vực quan trọng và mang lại nguồn thu khá lớn”, ông Long nêu quan điểm.
Liên quan đến vấn đề ông Lưu Hoàng Long nêu, trao đổi về chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện tử, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng đây còn là vấn đề lúng túng giữa Bộ Công Thương và Bộ TT&TT. Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ có những đề xuất cụ thể về quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện tử bởi hiện nay còn sự chồng chéo, giao thoa giữa hai Bộ.
“Nhà nước phải tiếp tục rà soát cơ chế chính sách để tránh chồng chéo, một lĩnh vực phải chịu nhiều sự quản lý. Đây cũng là chủ trương của Nhà nước”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nói.