Tháng 12/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa trao giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2023". Năm 2023 là năm thứ 4 Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức giải thưởng danh giá này. Giải thưởng nhằm tôn vinh những sản phẩm công nghệ số xuất sắc mang tự hào trí tuệ Việt Nam có tác động, ảnh hưởng lớn đến việc đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, góp phần thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số tại Việt Nam. Đồng thời tôn vinh các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số Việt Nam chinh phục thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại và làm thịnh vượng Việt Nam.
Đặc biệt, năm 2023 là năm Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, do vậy, Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2023 cũng tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số xuất sắc đã thành công tại thị trường quốc tế đồng thời khuyến khích, cổ vũ các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khát khao chinh phục thế giới.
Giải thưởng năm 2023 bao gồm 5 hạng mục: Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho chính phủ số; Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho kinh tế số; Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho xã hội số; Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài; Sản phẩm công nghệ số tiềm năng.
Năm 2023, đã có 43 sản phẩm xuất sắc được trao giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam. Trong số đó có một số sản phẩm đáng chú ý như Hệ thống Kiểm soát tải trọng xe tự động eWIM; Nền tảng hậu cần GHTK APP; Nền tảng truyền hình số trực tuyến quốc gia VTVgo; Dịch vụ Chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số từ xa- VNPT SmartCA; Nền tảng công nghệ nhân sự JobOKO; Hệ thống robot Delta trong sản xuất bánh kẹo,…
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết từ năm 2019 đến nay, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển và trưởng thành rất đáng khích lệ.
Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng 32%; tỷ trọng "make in Vietnam" (làm ra tại Việt Nam) của các sản phẩm công nghiệp công nghệ số tăng từ 21% lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng trưởng 43%, và nước ta hiện có tới trên 1.400 doanh nghiệp loại này, với doanh thu đang tiến dần đến mốc 10 tỷ USD...
"Năm 2019, chúng ta đã đặt tên, khai sinh ra cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, với sứ mệnh make in Vietnam; nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam; làm ra tại Việt Nam; góp phần giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, và hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Việt Nam không chỉ lắp ráp, gia công, mà còn là sáng tạo ra sản phẩm Việt Nam, giải bài toán Việt Nam và từ đây đi ra toàn cầu", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Đại diện FPT Smart Cloud ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc chia sẻ việc đạt được giải thưởng Make in Vietnam đã đem lại nguồn động lực lớn lao cho đội ngũ phát triển sản phẩm để liên tục đổi mới phát triển khi mà những sáng tạo công nghệ được ghi nhận và được lan tỏa đến các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là cũng là minh chứng cho sản phẩm, dịch vụ Make in Vietnam đạt chất lượng chuẩn quốc tế, trực tiếp cạnh tranh với các nhà khổng lồ về công nghệ trên thế giới.
Đồng thời, đó là sự ghi nhận của khách hàng đối với sản phẩm, thương hiệu quốc gia, thương hiệu Make in Vietnam trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngày càng có sức ảnh hưởng lớn tới các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, và xã hội.