Sáng 8/11/2017, tại Hà Nội, Ban Điều hành triển khai Quyết định 898 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm ATTT mạng giai đoạn 2016 - 2020 (Ban Điều hành 898) tổ chức Hội nghị về sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng nội địa và đánh giá tình hình lây nhiễm phần mềm độc hại tại Việt Nam.
Chia sẻ góc nhìn làm cách nào để đưa các sản phẩm ATTT nội địa được triển khai sâu nhất và rộng nhất, ông Nguyễn Anh Tuấn, PGĐ Trung tâm An ninh mạng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết: Mặc dù chúng ta có những sản phẩm ATTT rất tốt nhưng khi triển khai vào thực tế lại có nhiều vướng mắc.
Khi đầu tư một sản phẩm ATTT thì 2 vấn đề được quan tâm nhất là giá cả và chất lượng. Theo đánh giá của ông Nguyễn Anh Tuấn, các sản phẩm ATTT nội địa tương đương với các sản phẩm ATTT nước ngoài. Thực tế, các giải pháp ATTT của các doanh nghiệp Việt Nam như CMC hay Bkav không hề thua kém các sản phẩm ATTT nước ngoài đã quen thuộc tại Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, nếu các sản phẩm nội địa được cung cấp dưới dạng dịch vụ sẽ tốt hơn. Về lý do, ông Tuấn cho hay: “Các vấn đề về tấn công mạng hay các sự cố có thể diễn ra bất cứ lúc nào, nếu hệ thống ATTT nội địa triển khai cho khách hàng nội địa và được vận hành bởi đội ngũ chuyên gia chuyên sâu về ATTT trong nước sẽ tốt hơn rất nhiều so với các sản phẩm nước ngoài”.
Tuy thế, vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại khi doanh nghiệp Việt triển khai sản phẩm, giải pháp ATTT trong thực tiễn. Cho đến hiện tại, vẫn chưa có một đề án, chính sách cụ thể nào giúp khuyến khích các sản phẩm ATTT nội được triển khai rộng vào thực tiễn.
“Số lượng sản phẩm không quan trọng bằng việc sản phẩm hay dịch vụ được triển khai phủ sâu và rộng đến mức nào. Bởi sản phẩm càng được triển khai sâu rộng bao nhiêu thì càng thông minh bấy nhiêu khi được tối ưu và tinh chỉnh qua các va chạm trong thực tiễn triển khai”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng tác động đến việc đưa các sản phẩm ATTT nội vào thực tế chính là tâm lý. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: "Khi trao đổi với các doanh nghiệp Bộ, ngành cho thấy các đơn vị này thường quan tâm đến vị trí, thứ hạng của các sản phẩm. Rõ ràng là sản phẩm thương hiệu Việt không thể mang ra so sánh thứ hạng với các sản phẩm ngoại được bởi sản phẩm thương hiệu Việt vừa phôi thai ra thị trường và cũng còn thua kém về mạng lưới so với các sản phẩm nước ngoài đã triển khai lâu năm ở Việt Nam. Tâm lý chỉ muốn mua sản phẩm ATTT nước ngoài là một rào cản rất lớn. Bản thân các Bộ, ngành còn không dùng đến sản phẩm ATTT nội địa thì nói gì đến khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan khác dùng các sản phẩm này”, ông Tuấn cho hay.
Theo đó, cần có cơ chế khuyến khích như hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là vấn đề đầu ra cho sản phẩm để có thể cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm của nước ngoài.
"Hạ tầng thông tin trọng yếu quốc gia cần triển khai bằng các sản phẩm ATTT nội địa. Có như vậy mới đảm bảo khuyến khích được các sản phẩm và doanh nghiệp nội địa", ông Tuấn đề xuất.