Số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ trong 9 tháng năm nay, nước ta đã xuất khẩu sang thị trường Indonesia 1,03 triệu tấn gạo, thu về 625 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo sang “xứ sở vạn đảo” tăng 16,9% về lượng và tăng mạnh 35% về giá trị.
Theo đó, Indonesia tiếp tục giữ vững vị trí khách hàng lớn thứ 2 của gạo Việt Nam.
Đáng chú ý, sản xuất gạo của Indonesia lớn thứ 4 thế giới. Còn tại Đông Nam Á, sản lượng gạo của quốc gia này đứng thứ 2, chỉ sau Thái Lan. Tuy nhiên, “xứ sở vạn đảo” này cũng đứng thứ 3 thế giới về tiêu thụ gạo nên mỗi năm vẫn phải nhập khẩu lượng rất lớn về phục vụ tiêu dùng nội địa.
Trong năm nay, Indonesia có kế hoạch nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo. Hiện, Việt Nam là nhà cung cấp gạo lớn nhất cho quốc gia này.
Ngoài nhập khẩu, mới đây, Indonesia cùng 3 nước khác ở Đông Nam Á đã hợp tác với Việt Nam để tăng cường năng lực trồng lúa phát thải thấp. Bởi, quốc gia này có diện tích trồng lúa rất lớn, lượng rơm rạ dao động từ 75-90 triệu tấn/năm. Song, nông dân vẫn thường xuyên đốt rơm rạ để dọn sạch đồng ruộng chuẩn bị cho vụ sản xuất tiếp theo. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn phát thải ra lượng rất lớn CO2.
Những năm gần đây, Chính phủ Indonesia đã ban hành luật về bảo vệ đất nông nghiệp bền vững. Trong đó, quy định nông dân không được đốt rơm rạ. Thay vào đó, bà con sẽ phải xử lý phân hủy phụ phẩm này trả lại ruộng, làm thức ăn cho gia súc hoặc vật liệu công nghiệp và năng lượng.