Ông là người chứng kiến họ ở thời kỳ tột đỉnh vinh hoa, tài sắc, nhan sắc, được bồng bế bởi chữ danh, họ là điều mà ai cũng thèm muốn; đến khi những điều đó lùi xa như khói lam chiều, bầu Xuân lại là người chứng kiến họ.
Bài 2: "Trò chuyện với người đã chết!"
Bầu Xuân - người nhận nhiệm vụ làm "tổng quản" coi sóc Chùa và Nghĩa trang nghệ sỹ, đã bước qua tuổi 80. Dấu ấn thời gian không đánh gục được ông. Hoặc giả, đó cũng là sự sắp đặt của số phận, hay là sự đày đọa nghiệp chướng, bắt bầu Xuân phải chứng kiến sự tàn phai về nhan sắc, sự trớ trêu của con tạo đối với những nghệ sỹ, những cầm ca, những mỹ nữ vang tiếng một thời. Mấy chục năm ròng, bầu Xuân là người kiên nhẫn trò chuyện với những người đã khuất.
Không phải sao, khi ông là người chứng kiến họ ở thời kỳ tột đỉnh vinh hoa, tài sắc, nhan sắc, được bồng bế bởi chữ danh, họ là điều mà ai cũng thèm muốn; đến khi những điều đó lùi xa như khói lam chiều, bầu Xuân lại là người chứng kiến họ.
Khi Chùa và Nghĩa trang nghệ sỹ thành lập Hội đồng quản trị, nghĩa là phải có một ban bệ, một chức danh có đủ tư cách pháp nhân, thay mặt những nghệ sỹ, thay mặt Ban ái hữu nghệ sỹ lo tiếp nhận những công đức của mọi người, lo xây cất những phần mộ, chăm sóc những nghệ sỹ già nua, bệnh tật không người nương tựa... Những công việc ấy, là những việc làm phi lợi nhuận. Nó không cần đến những người coi đó là một chỗ kiếm lợi, tư hữu cho bản thân mình. Thực tế ấy, những ai dám nhận vai trò đảm trách công việc ấy, là những người hùng thực sự.
Bầu Xuân tên thật là Diệp Nam Thắng. Ngay từ những năm 60, ông Thắng đã là chủ xưởng giấy Kiss me ăn nên làm ra, lợi nhuận từ việc kinh doanh thừa sức để ông có một cuộc sống vương giả. Đối với ca hát, ông là kẻ ngoại đạo.
Mộ phần diễn viên tài hoa bạc mệnh Lê Công Tuấn Anh |
Thế nhưng, chẳng biết do nghiệp chướng hay do sự lựa chọn của số phận, Diệp Nam Thắng lại là một người mê đàn ca tài tử. Bỏ bê việc làm ăn của xưởng giấy, Diệp Nam Thắng đứng ra thành lập đoàn hát Dạ Ly Hương, và trở thành trưởng đoàn, thành ông bầu của vài chục giọng hát, cây đàn.
Thuở ấy, những gánh hát, những đoàn hát hoạt động ở Sài Gòn là những đoàn tự phát. Nó là sự tập trung của một nhóm những nghệ sỹ, dưới sự quản lý của một người, lo tổ chức, lo hậu cần, tổ chức các sô diễn, bán vé, thu tiền, trả lương cho nghệ sỹ, lo trang phục biểu diễn... Sự sống còn của cả đoàn hát, phụ thuộc vào tài năng quản lý của người trưởng đoàn. Vì mê xướng ca quá, Diệp Nam Thắng đã bỏ sự nghiệp làm ăn sang một bên, chọn niềm đam mê làm lẽ sống cho cuộc đời mình.
Sài Gòn giải phóng. Đất nước thống nhất. Những đoàn hát, gánh hát theo thời gian dần dần biến mất. Những nghệ sỹ, diễn viên hết tuổi diễn đồng nghĩa với việc miếng cơm, manh áo của họ đã bị rơi vào cảnh mạt lộ, nếu như họ không tự cứu mình bằng những nghề mưu sinh chân tay khác.
Đoàn hát Dạ Ly Hương tan rã. Nhưng, cái danh "bầu Xuân" đã gắn với Diệp Nam Thắng như một định mệnh. Những đóng góp của ông, thời gian, tiền bạc, và cả tuổi trẻ, đã giữ chân Diệp Nam Thắng ở lại Chùa nghệ sỹ, làm công việc quản lý những linh hồn đã mất.
Nhìn vẻ bề ngoài, không ai nghĩ bầu Xuân đã bước qua tuổi 80. Có lẽ, trời thương ông, hay chút máu mê nghệ sỹ đã ngấm vào trong máu ông, như một thứ thuốc lạ lùng nào đó, khiến ông như người không có tuổi.
Ông vẫn giữ được vẻ to, khỏe và tráng kiện của một bầu hát, hàng ngày hai lần đi xe buýt đến trụ sở của Hội đặt trong khuôn viên chùa. Tiền bạc kiếm được từ thời trai trẻ, Diệp Nam Thắng dành hết cho Chùa và Nghĩa trang nghệ sỹ.
Hàng ngày, ông sống bằng tiền báo hiếu của người con đang sinh sống và định cư tại Mỹ.
Sân khấu cuối cùng của các nghệ sỹ |
Tiền công đức do bà con đóng góp, ông Thắng dùng cho việc xây cất các phần mộ, trả lương tháng cho đội thợ xây nghĩa trang, chi phí cho những nghệ sỹ sống nương nhờ cửa phật.
Ông bảo, chính Chùa và Nghĩa trang nghệ sỹ, mấy chục năm qua cũng đều phập phồng sống nhờ bằng sự hảo tâm của những Mạnh Thường Quân. Chùa không hề có một nguồn thu chính và thường xuyên nào cả. Trong khi đó, những ảnh hưởng của cơn bão giá vẫn hàng ngày, hàng giờ thúc ép và đe dọa đến cuộc sống của cả những nghệ sỹ còn đang sống trong Chùa nghệ sỹ, và cả những người đã khuất.
Nghĩa trang nghệ sỹ được xây cất thành những lô, những hàng thẳng thớm. Những lối nhỏ dẫn ra các khu mộ được rải bê tông. Trên sơ đồ tổng hợp, tựa như những ô bàn cờ.
Vào "mê cung" ấy, người ta có thể gặp lại những gương mặt cũ, những cái tên đã trở nên quen thuộc với công chúng Sài Gòn mấy mươi năm trước. Trên mỗi phần mộ, một phần đất trống được để chừa ra trồng những cây hoa nhỏ, có mái che hệt như một ngôi nhà ấm ũng.
Gia đình nghệ sỹ cải lương Hoàng Nhựt (tên thật là Lê Ngọc Yên), nghệ sỹ Thu Anh (tên thật Phạm Kim Anh) và đứa con gái nhỏ Lê Ngọc Bảo Châu (pháp danh Giác Huệ) cùng ra đi trong một tai nạn thương tâm ngày 14/11/1992. Cô con gái Bảo Châu khi đó mới tròn bốn tuổi. Nếu như không có tai nạn thương tâm ấy, rất có thể, ngày hôm nay, sân khấu Sài Gòn đã có thêm một nữ nghệ sỹ tài năng, xinh đẹp mang cái tên xinh đẹp: Lê Ngọc Bảo Châu.
Kế bên, phần mộ của nghệ sỹ hát bội Phan Thị Nguyệt (nghệ danh Minh Nguyệt), những nhà soạn giả, ngoại vụ... Những phần mộ đơn sơ, lát đá màu xanh ngọc, tất cả đều sạch sẽ, trang nghiêm và toát lên chất nghệ sỹ của những người đam mê ca hát thuở sinh thời.
Xen giữa những hàng bia mộ câm lặng là đài tưởng niệm khắc bức phù điêu một nữ nghệ sỹ đang ôm đàn gảy khúc đàn trời. Không hiếm hoi những phần mộ được thân nhân dựng thành căn gác hai tầng, có ban công rộng rãi.
Trên ban công nhỏ xíu ấy kê bộ bàn ghế giả mộc, làm nơi tiêu giao cho những linh hồn. Một vài chỗ khác, cây dây leo bìm bìm trổ hoa tím lịm, phủ lấy phần mộ nghệ sỹ như một tấm thân che hết nắng gió bụi trần. "Chất nghệ sỹ" dường như không bao giờ mất, ở cả những nơi lạnh lẽo và hoang buồn như thế.
Có thể, cho đến bây giờ người ta vẫn không thể quên cái chết thương tâm của người nghệ sỹ tài năng đất Sài Gòn những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, nghệ sỹ Lê Công Tuấn Anh.
Ngày 17/10/1996 là ngày buồn nhất của những người ái mộ chàng nghệ sỹ tài hoa, bạc mệnh. Khi Lê Công Tuấn Anh ra đi, tôi còn là một đứa trẻ, nhưng vẫn đủ để nhận thức được tình cảm của công chúng dành cho anh lớn tới mức nào.
Thuở ấy, phương tiện truyền thông còn hết sức thiếu thốn. Những người dân quê chuyền tay nhau những bài báo photo viết về cái chết, cuộc đời, và về câu chuyện tình buồn của anh.
Sự xót xa có. Sự giận hờn, trách móc cũng có. Sự cảm thông, tiếc nuối cũng thật nhiều. Khi đám tang của anh diễn ra trong sự tiếc nuối của một đoàn dài những người hâm mộ anh, dưới cơn mưa Sài Gòn tầm tã của những ngày cuối tháng 11 u uất ấy, cô tôi đã len lén chạy ra bờ ao đứng khóc một mình.
Tôi gặp lại anh trong nghĩa trang nghệ sỹ. Phần mộ của anh nằm một mình ngay hàng bia đầu tiên, không ngày nào không có hoa tươi. Vẫn gương mặt khả ái, nụ cười rạng ngời, hiền khô của một nghệ sỹ tài danh. Giữa chốn không có sân si, danh lợi, không có buồn vui này, có ai tự hỏi một điều ám ảnh: "thế nào là hạnh phúc?"
Bất giác, tôi làm một phép tính nhẩm trong đầu, giá như anh còn sống, năm nay, anh đã là một người đàn ông gần bước đến tuổi 40, anh đã trở thành một người nghệ sỹ thành đạt. Giá như, anh không có một phút giây xốc nổi, trong cơn thất vọng đau đớn và tột độ về sự si tình.
Vẫn giọng buồn buồn và đều đều của bầu Xuân, ông bảo, ẩn số chung của tất cả những người nằm đây, đó là sự "trả giá" của nghiệp cầm ca. Đấy là ga cuối dừng chân cho những cuộc rong chơi dài, của những chú ve, sống không nghĩ đến những ngày trước mắt. Sự vô tư đến vô tâm ấy, thôi đành đừng giận nữa.
Mang theo tâm trạng trĩu buồn của bầu Xuân đến hội dưỡng lão nghệ sỹ - cũng là một thế giới u buồn của những nghệ sỹ đang còn sống, vẫn là một màn sương mờ phủ lên tấm gương đã cũ. Nơi đây, cũng là một "thế giới phẳng" của những thân phận buồn.
Di Linh
Bài 3: "Thế giới phẳng" của những người đang sống!