BS CKII Hồ Ngọc Quý, Trưởng phòng khám chuyên khoa, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TPHCM cho biết, bệnh nhân là L.P.T., 27 tuổi ở Quận 1, TP.HCM mắc sán dây (sán lợn) trưởng thành có chiều dài hiếm gặp.
Ngày 19/3, khi đi đại tiện tại nhà, T. phát hiện có vật trắng trong phân, không biết là gì nên cẩn thận gói lại đến viện nhờ bác sĩ kiểm tra, tư vấn.
Trực tiếp khám cho bệnh nhân, BS Quý khẳng định đây là đốt sán lợn trưởng thành, sau đó đã chỉ định cho bệnh nhân uống thuốc xổ sán.
Con sán lợn dài 5,2m được xổ ra ngoài sau khi uống thuốc |
Sau 3 giờ uống thuốc, ở lần đi cầu thứ nhất, bệnh nhân xổ được đoạn sán có chiều dài 20cm. Ở lần đi cầu thứ 2, toàn bộ phần sán còn lại được đẩy ra ngoài với chiều dài khoảng 5m.
BS Quý cho biết, khi khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết trước đây vẫn sinh hoạt bình thường, gần đây thỉnh thoảng xuất hiện cơn đau bụng nhẹ và hơi khó chịu ở đường tiêu hoá.
Bệnh nhân sau đó được kê thêm 1 liều thuốc xổ sán để bệnh nhân uống sau 1 tuần nhằm tiêu diệt hết các đốt sán nếu vẫn còn sót trong cơ thể.
BS Quý khẳng định, khi uống 2 liều như vậy, chắc chắn bệnh nhân sẽ sạch sán hoàn toàn.
Được biết trước đây, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM từng xổ được con sán có chiều dài khoảng 6m, dài nhất từ trước tới nay. Còn trong y văn thế giới, đã từng ghi nhận những trường hợp sán lợn dài 10-12m.
BS Quý khuyến cáo, cách đơn giản nhất để phát hiện nhiễm sán lợn trưởng thành là khi thấy đốt sán tự bò ra hậu môn hoặc rụng theo phân khi đi ngoài. Khi đó cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, dùng thuốc xổ đúng loại, đúng liều.
Để phòng bệnh, trong sinh hoạt hàng ngày tốt nhất nên ăn chín uống sôi, rửa vệ tay trước và sau khi đi vệ sinh.
T.Thư
Dấu hiệu nhiễm sán lợn ai cũng nên biết
- Tuỳ thuộc nhiễm sán trưởng thành hay ấu trùng sán lợn, dấu hiệu nhận biết sẽ khác nhau, một số biểu hiện có thể nhìn thấy bằng mắt thường.