Thúc đẩy tinh thần sáng tạo
Năm học 2024 - 2025, cuộc thi ghi nhận sự tham gia 173 dự án của 327 em học sinh và 173 giáo viên hướng dẫn đến từ 52 trường THCS, 59 trường THPT và 2 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Các dự án tham gia thuộc nhiều lĩnh vực như: hệ thống nhúng, phần mềm hệ thống, robot và các máy thông minh, hóa học, hóa sinh, khoa học động vật; y sinh và khoa học sức khỏe, sinh học tế bào và phân tử, kỹ thuật cơ khí, khoa học trái đất và môi trường, năng lượng vật lý, khoa học xã hội và hành vi…
Nhiều dự án có hàm lượng khoa học và tính thực tiễn cao. Tiêu biểu có thể kể đến dự án “Thiết kế, chế tạo máy tách vỏ sầu riêng bán tự động” thuộc lĩnh vực kỹ thuật cơ khí của nhóm học sinh Phạm Anh Thư và Đặng Hoàng Dũng (Trường THCS và THPT Đông Du). Em Phạm Anh Thư chia sẻ, việc cấp đông sầu riêng giúp giảm áp lực từ vấn đề thu hoạch, bảo quản và quá trình vận chuyển. Một trong những quy trình quan trọng của việc sản xuất sầu riêng cấp đông là tách vỏ sầu riêng, tuy nhiên, việc bóc tách thủ công ở các cơ sở chế biến gây tốn thời gian và giảm năng suất. Do đó, nhóm đã tìm tòi thiết kế, chế tạo máy tách vỏ sầu riêng bán tự động, có năng suất gấp 3,9 lần so với tách vỏ thủ công; đặc biệt, trên 90% số quả được tách chính xác, hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng phần thịt.
Dự án “Sử dụng trí tuệ nhân tạo và Internet kết nối vạn vật để xây dựng hệ thống theo dõi dinh dưỡng và sinh trưởng của cây cà phê con” của các em Nguyễn Ngọc Bảo Đơn và Nguyễn Tiến Minh (Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt) đã mang đến giải pháp hữu ích nhằm phát triển một hệ thống có thể theo dõi dinh dưỡng, sinh trưởng của cây cà phê nhằm đạt giống tốt nhất đưa ra thị trường, tăng giá trị kinh tế của cây cà phê. Theo em Nguyễn Ngọc Bảo Đơn, hiện dự án được thực hiện nghiên cứu và tập trung phát triển hệ thống cho các vườn ươm. Mong muốn trong tương lai dự án có thể tiếp tục nâng cấp, mở rộng để có thể phát triển theo dõi thêm nhiều tham số khác, cũng như sử dụng cho nhiều loại cây hơn như sầu riêng, bơ…
Sân chơi trí tuệ cho học sinh
Theo Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua, phong trào nghiên cứu khoa học và cuộc thi khoa học - kỹ thuật được triển khai sâu rộng trong các trường trung học trên địa bàn tỉnh. Hoạt động nghiên cứu khoa học trở nên gần gũi với học sinh, giáo viên, lan tỏa từ thành phố đến tận vùng sâu, vùng xa. Nếu lần đầu tiên tổ chức cuộc thi chỉ có 62 dự án dự thi cấp tỉnh thì đến nay, mỗi cuộc thi hằng năm đã có hàng trăm dự án tham gia. Trong đó, nhiều dự án của tỉnh đã đoạt giải cao tại Cuộc thi khoa học - kỹ thuật quốc gia và đã có dự án được lựa chọn tham dự Hội thi khoa học - kỹ thuật quốc tế.
Tiêu biểu như dự án “Thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát và quản lý học sinh tại trường học” của học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Victory đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại cuộc thi cấp quốc gia năm học 2020 - 2021 và là một trong 12 dự án được vào vòng chung cuộc chọn các dự án dự thi quốc tế. Hay dự án “Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động” của học sinh Trường THCS và THPT Đông Du đã vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là một trong 7 dự án tham gia hội thi khoa học - kỹ thuật quốc tế vào năm 2022.
Tại cuộc thi năm nay, theo đánh giá của Ban tổ chức, bên cạnh một số tồn tại, có thể thấy các dự án tham gia đa dạng, phong phú, có chiều sâu, thể hiện tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học và sáng tạo kỹ thuật của học sinh cũng như tinh thần trách nhiệm cao của giáo viên hướng dẫn, sự nhiệt tình của các chuyên gia giúp học sinh hoàn thành dự án. Một số tác giả khai thác sâu vào những lĩnh vực lý thuyết gắn với cuộc sống gần gũi chung quanh, điều kiện và tiềm năng ở địa phương. Đặc biệt, các dự án của trường cấp THCS ngang tầm và có những dự án vượt lên so với các trường THPT.
Có thể kể đến một số dự án như: “Nghiên cứu công thức vi gói vi khuẩn Lactic ứng dụng tạo sản phẩm thực phẩm bổ sung hỗ trợ giảm Cholesterol” của học sinh Trường THPT Hồng Đức; “Xây dựng cẩm nang số bệnh cây cà phê ở Việt Nam, ứng dụng AI nhận diện bệnh cây cà phê” của học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột); “Màng sinh học từ tinh bột hạt mít kết hợp với tinh dầu húng chanh ứng dụng trong bảo quản thực phẩm” của học sinh Trường THPT Trần Phú; “Thực trạng và biện pháp bảo tồn văn hóa nhạc cụ truyền thống của dân tộc bản địa Tây Nguyên tại huyện Cư Kuin - Nghiên cứu trường hợp đối với nhạc cụ Đing Tŭt” của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Cư Kuin…
127 giải thưởng được trao cho các dự án xuất sắc, mang tính thực tiễn cao tại cuộc thi lần này chính là sự nỗ lực của các tập thể, các cá nhân trong việc tổ chức nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Qua cuộc thi không chỉ tạo ra một sân chơi trí tuệ mà còn là cơ hội để học sinh giao lưu, học hỏi, trau dồi những kỹ năng đổi mới tư duy sáng tạo, nghiên cứu khoa học, giúp học sinh có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để phục vụ học tập.
Theo HUYỀN DIỆU (Báo Đắk Lắk)