- Nhiều ngày nay, bà con ở tổ dân phố từ 32 đến 42 (thôn Giáp Tứ cũ) thuộc phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội liên tục có đơn thư đi khắp nơi phản đối việc thu hồi sân bóng đá của phường để xây trường học.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Ngọc (ở tổ 34, phường Thịnh Liệt), việc xây trường là chủ trương đúng khi phường đang thiếu trường THCS. Dự án xây trường thậm chí phải được triển khai cách đây 7-8 năm.

{keywords}
Kẻng canh sân bóng

"Nhưng lúc bấy giờ UBND phường và quận cấp 34 cuốn số đỏ trên mảnh đất nhẽ ra dùng để xây trường học. Đất đó khoảng 9.000m2. Do cấp sổ đỏ rồi nên khi đền bù đất sổ đỏ thì đền bù khoảng hơn 100 tỷ. Không có khả năng, nên sau đó sân bóng Giáp Tứ mới được "nhắm" để xây trường", lời ông Ngọc.

Theo một số người dân phường Giáp Tứ, ngoài sân bóng Giáp Tứ, ở đây có hai nơi có thể lựa chọn để xây trường. Nếu không có mảnh đất nào nữa thì dân vẫn đồng tình. Tuy nhiên, vẫn còn đất mà lấy sân bóng là không hợp lý, bởi sân bóng đã gắn bó với họ 60 năm nay, là niềm tự hào của người dân Giáp Tứ.

Cụ Đặng Minh Thụy (84 tuổi), nguyên bí thư chi bộ, phó chủ tịch xã Đoàn Kết từ năm 1956 – 1960 (nay là phường Thịnh Liệt) kể: "Những năm 1950, dân khổ lắm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Làng Giáp Tứ không có nghề phụ gì, chuyên cày ruộng, không có công ăn việc làm, nên nảy sinh cờ bạc, xóc đĩa. Trong một làng bé mỗi một hội ít nhất vài chục người, nên dân rất bất an.

Chúng tôi đã bàn bạc xin dân bớt lại mỗi gia đình một ít đất để làm sân bóng đá. Dân phấn khởi, tập trung san ruộng để thành lập sân bóng. Cán bộ hiện nay không ai biết được nguồn gốc sân bóng này. Cán bộ bảo đất bỏ hoang là không đúng. Nếu dùng sân bóng để xây trường thì theo luật đất đai phải lấy ý kiến của dân. Vì đây là sở hữu tập thể của người dân Giáp Tứ".

Ông Trương Đình Toại (SN 1943, ở tổ 35) kể: "Việc góp đất làm sân bóng lúc bấy giờ đạt được sự đồng thuận cao của người dân. Chúng tôi họp 13 dòng họ. Có dòng họ phải di chuyển mồ mả, nhưng chúng tôi đã vận động các dòng họ di dời hơn 10 ngôi mộ để làm sân bóng. Họ đều tự nguyện, không cần đền bù gì cả".

Đỉnh điểm của vụ việc được đẩy lên khi cách đây gần 1 năm, vào sáng ngày 5/8/2015, UBND quận Hoàng Mai, Hà Nội huy động lực lượng cắt phá cổng sân bóng, tháo dỡ toàn bộ cột gôn cùng đồ chơi trẻ em, đồng thời rào kín sân bóng bằng tôn cao khoảng 3m.

Người dân đã cắt tôn để vào sân bóng tiếp tục rèn luyện sức khỏe như trước đây. 

Được thành phố chấp thuận

Trao đổi với VietNamNet, ông Vũ Thế Khoản, Phó giám đốc Ban quản lý dự án quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay, dự án lấy đất sân bóng xây trường học là đề xuất từ địa phương. Sau khi có đề xuất của phường, quận tiến khảo sát, sau đó có điều chỉnh quy hoạch và có sự chấp thuận của thành phố.

Theo ông Khoản, quá trình thực hiện dự án, việc không đồng thuận là của một nhóm người.

"Khi Sở Quy hoạch - Kiến trúc ra một quy hoạch thì phải lấy ý kiến của dân cư. Dân cư đồng thuận thì mới có thể làm quy hoạch. Theo chỉ đạo của thành phố, quận cũng đã họp và đối thoại với dân rất nhiều. Một số người cho rằng, đất đây không thuộc quy hoạch. Quận đã giải thích cho dân nhưng hiểu hay không là nhận thức của mỗi người, mình không thể biết được họ hiểu thế nào", lời ông Khoản.

Ông Khoản cho biết thêm: Đối với sân bóng, phường báo cáo lên là đất công, diện tích đất đó cũng đúng với quy hoạch, ý kiến của hội đồng thì nhất trí xây và Ban quản lý dự án chỉ là người thực hiện.

Theo báo cáo gửi Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Hà Nội của UBND quận Hoàng Mai, trong các năm 2006- 2007, trên địa bàn phường Thịnh Liệt có xảy ra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân trái pháp luật. Sau khi kiểm tra, đối chiếu với quy hoạch 1/2000, UBND quận phát hiện có 34 giấy chứng nhận được cấp thuộc ô đất quy hoạch xây dựng trụ sở UBND phường, công an phường Thịnh Liệt, trường mầm non Thịnh Liệt.

Về nội dung trên, UBND quận đã thành lập đoàn thanh tra và ban hành kết luận vào tháng 3/2010, trong đó nêu các biện pháp xử lý vi phạm và thu hồi toàn bộ các giấy chứng nhận đã cấp vào các ô quy hoạch nêu trên.

T.Nhung