Túi tiền cổ đông Vietjet Air tăng thêm hơn 565 triệu USD từ đầu năm đến nay, Vietnam Airlines cũng báo lãi lớn hơn 1.300 tỷ. Bùng nổ nhu cầu đi máy bay kéo theo sự phát triển mạnh của các hãng hàng không đã khiến cho hạ tầng quá tải, tình trạng chậm huỷ chuyến nặng nề... nhưng điều đó dường như không ảnh hưởng đến dòng lợi nhuận khổng lồ đang đổ về các hãng bay
Báo cáo tài chính của Vietjet Air mới đây cho biết, lợi nhuận sau thuế trong quý II của hãng hàng không này đạt gần 712 tỷ đồng, giảm một nửa so với con số trong kỳ trước là 1.413 tỷ đồng.
Theo lý giải của Vietjet Air, khoản giảm này là do không còn khoản lợi nhuận trăm tỷ từ hoạt động bán và thuê lại máy bay (sale & lease back), trong khi cùng kỳ năm ngoái Vietjet Air chuyển giao sở hữu và thuê lại 5 tàu bay.
Đây là khoản doanh thu bất thường, nhưng đến từ nghiệp vụ bình thường trong ngành hàng không. Theo đó, các hãng hàng không mua máy bay, rồi bán cho các hãng dịch vụ tài chính hàng không, sau đó lại tiến hành thuê lạivà sử dụng máy bay trong suốt thời gian thuê với kỳ hạn dài.
Hiện có 4 hãng hàng không đang hoạt động tại Việt Nam, nhưng chỉ có 2 đối trọng là Vietnam Airlines và Vietjet Air |
Việc mua rồi bán rồi thuê này giúp các hãng hàng không ghi nhận lợi nhuận cả nghìn tỷ, vốn rất quen thuộc với Vietjet Air. Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng bắt đầu sử dụng nghiệp vụ này từ năm 2017, giúp hãng “bỏ túi” thêm 772 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận trong năm ngoái.
Không còn tiền từ “túi trái” nhưng ở “túi phải”, Vietjet Air vẫn ăn nên làm ra. Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận trước thuế vẫn lần lượt tăng 29% và 26%. Trong đó, đóng góp đáng kể vẫn là lợi nhuận từ vận tải hàng không, tăng trưởng doanh thu đến 52,6%.
Bên cạnh hoạt động vận tải truyền thống, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air, chia sẻ trên Bloomberg, các hoạt động phụ trợ cũng mang lại khoản tiền đáng kể, tăng đến 50% so với nửa đầu năm 2017. Đây là những khoản tiền bán món ăn, vật dụng trên máy bay, hoặc bảo hiểm du lịch.
Không chỉ Vietjet Air được lợi nhờ thị trường hàng không tiếp tục khởi sắc, báo cáo từ Vietnam Airlines cũng cho thấy doanh nghiệp này ghi nhận khoản lợi nhuận đáng kể trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lần lượt đạt 47.557 tỷ đồng và 1.362 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 78% so với cùng kỳ.
Lý giải của VNA cho biết lợi nhuận đến từ doanh thu doanh thu bình quân của hành khách nội địa tăng 14,9%, còn khách quốc tế tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài doanh thu vận tải tăng trưởng tốt, đóng góp đáng kể còn đến từ doanh từ hoạt động tài chính (cổ tức, lợi nhuận đầu tư doanh nghiệp, lãi tiền gửi) và lợi nhuận từ các công ty con (như hãng hàng không Jetstar, TCS hay NASCO) đều tăng hơn trước.
Doanh thu và lợi nhuận ngành hàng không tiếp tục khởi sắc nhìn từ 2 đại gia Vietnam Airlines và Vietjet Air |
Trên thị trường chứng khoán, “túi tiền” của cổ đông Vietjet Air đã tăng thêm 13.000 tỷ đồng giá trị vốn hóa, hiện ở mức 79.000 tỷ đồng. Giá cổ phiếu VJC đạt mốc 146.000 đồng/cổ phiếu vào cuối ngày 2/8. Mức giá này ngang với mức giá hồi đầu năm nay, giảm theo đà giảm chung của thị trường tính từ cuối tháng 4 cho đến nay.
Diễn biến cùng chiều với cổ phiếu VJC nhưng cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines có phần “chìm nổi” nhiều hơn. Giá cổ phiếu HVN hiện ở mức 38.600 đồng/cổ phiếu, giảm 17,5% so với hồi đầu năm. Giá trị vốn hóa ghi nhận ở mức gần 55.000 tỷ đồng, gần như tương đương so với hồi đầu năm.
Thống kê cho thấy trong giai đoạn 2010-2017, thị trường vận tải hàng không Việt Nam tăng trưởng đạt mức 16,64%/năm về hành khách, 14%/năm về hàng hoá. Còn trong 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức cao, lần lượt là 15,2% và 14,8% so với cùng kỳ.
Ngoài Vietnam Airlines và Vietjet Air, cuộc chơi còn có sự tham gia của 2 hãng khác là Jetstar Pacific và Vasco (đều là công ty con của Vietnam Airlines). Tuy nhiên, bức tranh này sẽ sớm thay đổi trong thời gian tới khi nhiều đại gia để mắt tới bầu trời Việt. Đáng kể là tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết với quyết tâm đưa hãng hãng không Tre Việt (Bamboo Airways) bay vào tháng 10/2018. Tập đoàn Thiên Minh có dự án liên doanh với hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng châu Á là Air Asia.
Cuộc chiến trên bầu trời vì thế sẽ trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn. Trong bối cảnh đó, các hãng hàng không hiện hữu vẫn đang tiếp tục cuộc đua mua máy bay ,nâng cao năng lực tài chính và tập trung vào các đường bay quốc tế.
Gia Hưng
Khách đánh vào đầu tiếp viên hàng không vì 3 kiện hành lý xách tay
Một nam hành khách vừa bị xử phạt 15 triệu đồng vì đã đánh vào đầu nữ tiếp viên trên máy bay trong quá trình sắp xếp hành lý.
Sự thật ít biết về các tiếp viên hàng không
Tiếp viên hàng không là một trong những công việc được nhiều bạn trẻ ưa thích bởi đặc thù nghề nghiệp được du lịch khắp nơi trên thế giới. Phía sau đó là những sự thật không phải ai cũng biết.
Tiếp viên hàng không buôn lậu hàng chục con rùa trị giá gần 1 tỷ
Một tiếp viên hàng không Trung Quốc đang phải đối diện với mức án 5 năm tù giam khi bị hải quan Mỹ bắt giữ vì buôn lậu hàng chục con rùa trị giá 40.000 USD (gần 1 tỷ đồng).
Tiếp viên hàng không tiết lộ điều bạn không nên làm trên máy bay
Chạm vào người, đeo tai nghe phớt lờ lời nhắc, gác chân lên ghế người khác hay nhờ cất hành lý là những hành động của du khách khiến các tiếp viên hàng không khó chịu.
Bỏ tiếp viên hàng không quốc tế, hotgirl buôn mỹ phẩm kiếm chục tỷ
Cựu tiếp viên hàng không xinh đẹp sở hữu trong tay một cửa hàng mỹ phẩm có tiếng tại Hà Nội và điều hành một spa, doanh thu tới hàng chục tỷ mỗi năm.