Rất nhiều người trong giới lãnh đạo và dân chúng Liên hiệp châu Âu (EU) không bằng lòng với Brexit, tức với việc Vương quốc Anh rút khỏi EU. Nhưng đôi khi đó lại là cơ hội ngàn vàng cho nhiều thành phố khác vươn lên thay thế vai trò của London.
Cách nay vài hôm, một người bạn từ Frankfurt (CHLB Đức) về nước, cho biết dân làm ăn ở đó đang rộn ràng chuẩn bị chỗ để “tiếp đón” các cơ hội sau Brexit. Nhiều cơ sở dịch vụ tài chính - ngân hàng, các nhà buôn bán lẻ... đổ xô về thuê và mua các khu đất quanh sân bay Frankfurt. Anh bạn Việt kiều của tôi về nước lần này cũng là để tìm nguồn cung ứng cho hoạt động kinh doanh nhà hàng và trưng bày sản vật thế giới ở khu vực cạnh sân bay Frankfurt. “Bọn tôi phải nhanh chân vì ở quanh sân bay Charles de Gaulle bên Pháp, người ta cũng đang chào mời cấp tập”, anh nói.
Có thể thấy ở vào thời kỳ mà sự giao thoa quan hệ diễn ra ngày càng mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa, các cảng hàng không quốc tế như Tân Sơn Nhất của TPHCM trở thành một trong những động lực tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và cơ hội cho các trung tâm nhận dịch vụ từ nước ngoài về làm ở tại trong nước. Vì một lý do nào đó mà dạt Tân Sơn Nhất, với tư cách là sân bay quốc tế, ra khỏi TPHCM, thì có khác gì bắt con chim sắt bay một cánh!
Nhiều người biết sân bay Dubai của các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất vẫn liên tục chào mời, ưu đãi nhiều thứ để máy bay của các nước ghé đến cảng này. Hiện sân bay Dubai không chỉ là trạm dừng chân của giới kinh doanh có “máu mặt” trên thế giới mà còn là nơi tạo nên sự thịnh vượng cho đất nước này và cho cả vùng xung quanh.
Thời nay, nếu nhìn sân bay như một trạm nhận, chuyển khách và hàng hóa đơn thuần thì có lẽ không nên mở thêm nữa vì quá tốn kém và mật độ sân bay ở nước ta cũng đã dày đặc. Còn nếu “quân sự hóa” nó thì chính chúng ta lại tự giam mình trong lô cốt và ngồi nhìn các cơ hội phát triển vụt khỏi tầm tay, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế thế giới đang chuyển mình nhanh chóng.
Lướt thử một vòng thăm các hãng kinh doanh lớn trên thế giới, thấy hầu hết họ đều đặt trụ sở hay văn phòng giao dịch ở quanh sân bay. Một công ty có giao dịch trên các sàn chứng khoán, tài chính phái sinh nối kết với thị trường tiền tệ và tài chính ở nước ngoài thì đặt vị trí trung tâm giao dịch của mình không đâu bằng ở gần sân bay quốc tế. Ở nơi đó có hệ thống liên lạc tối tân và tối ưu nhất, liên tục nhất; hệ thống điện an toàn và hữu hiệu nhất. Khu vực quanh sân bay cũng là nơi tốt nhất để đặt các văn phòng thông minh. Sự “thông minh” ở thời đại “thông tin là vàng bạc” trước tiên là ở đường truyền Internet. Nếu nằm ở một nơi mà mỗi năm bị đứt cáp quang mất vài tháng thì dù có làm giỏi cỡ nào cũng sẽ thua người ta về thông tin, và cả tiền bạc. Cần phải có cái nhìn như vậy, mà cũng chỉ cần nói như vậy, là có thể thấy cái sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay là quá lãng phí cho một nước nghèo và đang cần tiền trả nợ nước ngoài.
Thật không biết phải nói là thành phố London nhờ có sân bay quốc tế Heathrow hay Heathrow nhờ vào London. Chỉ thấy rằng trong công viên Stockley nằm cách sân bay này chỉ mươi phút đi xe và trên trục đường chính dẫn vào trung tâm London có trụ sở và văn phòng giao dịch của rất nhiều hãng sản xuất và kinh doanh lớn trên thế giới.
Trong khi đó, ở cạnh sân bay Frankfurt là một khu phức hợp với chừng 31.000 mét vuông văn phòng và các trung tâm triển lãm quanh năm bận rộn. Gần đó lại cũng có nhiều trung tâm hội nghị, phòng họp lôi kéo được thương gia đủ mọi tầm cỡ về họp nhanh họp chậm. Chỉ cần qua khỏi cái cầu vượt, khách hàng đã có thể vừa sử dụng dịch vụ vừa bước vào khu làm thủ tục lên máy bay. Sân bay Frankfurt còn lôi kéo được khách đến với trung tâm dịch vụ hậu cần hàng không hiện đại và lớn bậc nhất thế giới. Chưa hết, cách sân bay chỉ chừng 5 ki lô mét là nơi tập trung các văn phòng và trung tâm giao dịch của nhiều tập đoàn sản xuất và kinh doanh trên thế giới.
Như vậy, thế giới đang khai thác các sân bay như là các ngã tư giao thương, vừa hiểu theo nghĩa hệ thống giao thông, vừa trong lĩnh vực thông tin liên lạc, vừa đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Trong khi đó, số phận sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn lềnh bềnh vì chưa được giao “sứ mạng” của một dự án phát triển kinh tế và đô thị trong một quy hoạch tổng thể của thành phố nếu không muốn nói là của cả nước.
Không trao cho sân bay Tân Sơn Nhất nhiệm vụ làm “cái cối xay ra tiền”, “mở cửa đón đầu tư” ở thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, mà chỉ bằng lòng với thu nhập của một sân golf, thì tội cho nó thật!
(Theo TBKTSG)