Từ lâu, sân bay Cát Bi (Hải Phòng) đã quá tải, hạ tầng không đồng bộ với thực tế khai thác nên dễ dẫn đến sự cố và có thể tạm dừng hoạt động bất cứ lúc nào.

Ngày 9-6, Cục Hàng không đã cử đoàn công tác đến sân bay Cát Bi để kiểm tra thực tế hoạt động khai thác tại đây sau sự cố nứt đường băng và mới nhất là sét đánh hỏng một số trang thiết bị. Cục Hàng không đã đánh giá, tính toán lại tần suất bay của các hãng sao cho phù hợp với năng lực tiếp nhận của sân bay này.

“Chiếc áo” quá chật

Theo báo cáo của sân bay Cát Bi, hiện nay, mỗi ngày sân bay này tiếp nhận 22-24 lượt máy bay cất/hạ cánh. Năm 2014, sản lượng hành khách thông qua sân bay Cát Bi lên đến 930.000 lượt, vượt hơn gấp đôi khả năng tiếp nhận.

Được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đợt sửa chữa, nâng cấp lớn gần đây nhất của sân bay Cát Bi là năm 1996 song quy mô khu bay vẫn khá hạn chế, kết cấu lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu khai thác các loại máy bay hiện đại. Trong khi đó, nhà ga hành khách, ga hàng hóa, sân đỗ ô tô, đường giao thông nội bộ cùng hệ thống cấp điện, nước, nhiên liệu... đều quá nhỏ và lạc hậu.

{keywords}

Đường băng của sân bay Cát Bi đã quá tải từ lâu

Sau 15 năm sử dụng, đường băng duy nhất dài 2.400 m, rộng 50 m đã xuống cấp, chỉ chịu được tải trọng 68 tấn (tương đương máy bay A320), trong khi từ năm 2013, sân bay đã phải tiếp nhận máy bay A321 có tải trọng lớn hơn. Bên cạnh đó, sân bay Cát Bi vẫn chưa được lắp đặt thiết bị hướng dẫn hạ cánh chính xác, gây khó khăn cho máy bay lên xuống khi gặp thời tiết xấu khiến tỉ lệ chuyến bay bị chậm, hủy lên đến 15%-20%/năm. Nhà ga hành khách hiện hữu của sân bay rộng khoảng 2.650 m2, tương đương công suất 350.000 khách/năm.

Từ năm 2010 đến nay, sân bay Cát Bi càng trở nên quá tải, trong khi tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất cả nước với mức tăng trung bình về hành khách trên 38%/năm.

Trước sự quá tải của sân bay Cát Bi, Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP Hải Phòng đã đề xuất 2 phương án là xây thêm đường băng hoặc sửa chữa lớn. Năm 2011, phương án được Chính phủ đồng ý là xây mới đường băng số 2 do ưu điểm là không làm gián đoạn hoạt động của sân bay này.

Chờ nâng cấp

Do luôn trong tình trạng quá tải nên chỉ cần có tác động tiêu cực hay thời tiết không thuận lợi, hoạt động của sân bay Cát Bi có thể bị gián đoạn ngay, như 2 sự cố mới đây.

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không, cho biết do quá tải, Cát Bi là sân bay duy nhất trong cả nước hoạt động trong tình trạng có thể phải tạm dừng khai thác bất kỳ lúc nào do hỏng hóc hạ tầng.

“Tùy vào hiện trạng của từng sân bay, Cục Hàng không đánh giá để có chương trình kiểm tra, giám sát hoạt động phù hợp nhằm bảo đảm an toàn. Riêng sân bay Cát Bi, tổ kiểm tra đường cất/hạ cánh phải làm việc sau mỗi lần máy bay cất/hạ cánh, trong khi các sân bay khác chỉ cần kiểm tra theo giờ. Mục đích là sớm phát hiện sự cố để khắc phục kịp thời” - ông Võ Huy Cường nói.

Theo Cục Hàng không, việc sửa chữa đường băng sau khi bị rạn nứt, bong tróc bê-tông hôm 29-5 tại sân bay Cát Bi chỉ là chắp vá và không chắc hiện tượng này có lặp lại hay không.

Từ năm 2013, dự án đầu tư, nâng cấp mở rộng sân bay Cát Bi đã được khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng 3.600 tỉ đồng, bao gồm các hạng mục chính: mở rộng khu bay (xây mới đường băng số 2, xây dựng thêm đường lăn, sân đỗ), xây dựng nhà ga hành khách và đài kiểm soát không lưu mới. Trong đó, đường băng số 2 dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Sau khi nâng cấp, sân bay Cát Bi mới có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đạt cấp 4E theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), bảo đảm cho các loại máy bay B777, B747, A321 cất/hạ cánh an toàn, nâng khả năng khai thác lên 4 triệu hành khách/năm.

(Theo NLĐ)