Ôm hàng, thổi giá, gây sốt ảo ăn chênh
Đây là nhận được được Bộ Xây dựng đưa ra tại báo cáo thông tin về nhà ở và thị trường BĐS quý I/2022. Bộ cho biết, sau một thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng của các đợt dịch Covid-19, cuối năm 2021 và ba tháng đầu năm 2022, sau khi hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước trở về trạng thái “bình thường mới”, thị trường BĐS đã dần sôi động trở lại, lượng khách hàng tìm kiếm và giao dịch cũng tăng dần.
Tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 800 sàn giao dịch đã trở lại hoạt động (so với quý IV/2021 là 400 sàn giao dịch), các sàn giao dịch đã chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo, chuyển đổi số trong bán hàng.
Bộ Xây dựng đánh giá, nhìn chung thị trường BĐS vẫn có thể phải đối diện với nhiều thách thức nhưng theo đánh giá năm 2022 sẽ thêm nhiều tín hiệu khởi sắc hơn, do đây là năm thứ ba sống chung với dịch Covid-19 nên tâm lý người dân dần thích nghi. Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp thì hoạt động giao dịch vẫn diễn ra, quan trọng hơn các sàn giao dịch BĐS đã có kinh nghiệm và được sàng lọc qua tác động của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Bộ cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại. Trong đó, hoạt động của các sàn giao dịch BĐS chưa đảm bảo việc quản lý tốt các giao dịch bất động sản, phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực BĐS.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS chưa được kiểm soát tốt. Có hiện tượng các sàn giao dịch BĐS cấu kết với nhau "ôm hàng", làm giá, tạo sóng, thổi giá gây sốt ảo để ăn chênh lệch, làm nhiễu loạn thị trường.
Ghi nhận từ cuối năm 2021 đến nay tình trạng sốt đất đã lan rộng ra nhiều địa phương, có xu thế chạy theo các thông tin về quy hoạch hạ tầng. Theo chuyên gia BĐS, tình trạng sốt đất có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc môi giới kích giá, đẩy giá để làm "nóng" thị trường.
Gần đây, trao đổi tại toạ đàm về môi giới BĐS, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) chia sẻ, một tỉnh ở khu vực phía Bắc khi chuẩn bị tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Tuy nhiên, số lượng đăng ký tới gần 1.000 người/đợt khiến Sở Xây dựng địa phương “choáng”. Họ không biết tổ chức chấm như thế nào, đề thi phân chia ra sao khi số lượng thí sinh tham dự quá đông.
Hay câu chuyện một người tốt nghiệp Đại học Xây dựng (Hà Nội), không vào làm việc ở bất kỳ một doanh nghiệp nào mà 5 năm qua kiếm được khoảng 10 tỷ đồng từ hoạt động môi giới BĐS. Hiện, người này đã mở công ty riêng chuyên về hoạt động môi giới… cho thấy, nghề môi giới BĐS dường như đang quá hấp dẫn đối với người dân.
Qua thống kê hiện có khoảng 300.000 người tham gia vào các dịch vụ môi giới BĐS trên cả nước. Con số thực tế có thể nhiều hơn, bởi ai cũng làm được công việc này.
Quản chặt môi giới, công an điều tra người ‘thổi giá’
Trước thực trạng trên, nhiều địa phương đã vào cuộc “siết” hoạt động môi giới BĐS, yêu cầu công an theo dõi các khu vực có dấu hiệu giá đất tăng đột biến, điều tra những người có hành vi đầu cơ, thổi giá…
Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2022 của UBND TP.Đà Nẵng vào chiều 18/4, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP Đà Nẵng cho biết Sở đã có văn bản gửi công an thành phố đề nghị vào cuộc điều tra xem có hay không đường dây thông đồng giữa "cò" đất, cơ quan và cán bộ quản lý Nhà nước để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, tạo cơn "sốt" đất tại huyện Hòa Vang.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký Chỉ thị số 10 về tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh này yêu cầu Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định. Công an tỉnh tổ chức theo dõi các khu vực có dấu hiệu giá đất tăng đột biến, tình trạng chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, "sốt ảo"; điều tra các đối tượng có hành vi đầu cơ, "thổi giá", làm thị trường tạo cơn "sốt đất" ảo để kiếm lời.
Trước cơn sốt nóng bất động sản tại Gia Lai, cơ quan chức năng tỉnh này đã đề nghị công an vào cuộc tăng cường điều tra, làm rõ các dấu hiệu, hành vi đẩy giá, thổi giá đất để thu lợi bất chính, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản nếu có.
Bộ Xây dựng cho biết, cũng đã yêu cầu các địa phương thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch BĐS, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới BĐS; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường.
Thuận Phong