Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam là ấn phẩm thường niên được Bộ TT&TT thực hiện từ năm 2009 đến nay để cung cấp một bức tranh tổng thể về hiện trạng phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam.
Năm 2019, Sách trắng CNTT-TT Việt Nam 2019 đã được Bộ TT&TT giới thiệu chính thức tại hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ vào ngày 28/12 vừa qua. Ấn phẩm này nhằm đáp ứng yêu cầu mới về thông tin, phục vụ việc xây dựng các chiến lược, chương trình, đề án liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển ngành công nghiệp CNTT - điện tử, viễn thông, chính phủ điện tử, cũng như yêu cầu của các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân.
Việc bổ sung danh mục Top 20 địa phương và top 20 doanh nghiệp dẫn đầu về hoạt động công nghiệp CNTT trong cả nước là một điểm mới của Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2019 so với các năm trước.
Cụ thể, trên cơ sở tổng hợp số liệu từ các địa phương, Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2019 cho hay, Top 20 địa phương dẫn đầu về doanh thu CNTT gồm có: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Dương, Ninh Bình, Hưng Yên, Long An, Phú Thọ, Hà Nam, Hòa Bình, An Giang, Cần Thơ, Bình Dương, Nghệ An.
Cùng với đó, Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2019 cũng cung cấp danh sách 20 địa phương dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp CNTT và dẫn đầu về số lượng lao động CNTT. Trong đó, về số lượng doanh nghiệp CNTT, các địa phương dẫn đầu danh sách là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh và Lâm Đồng. Năm tỉnh, thành phố dẫn đầu về số lượng lao động CNTT lần lượt là Bắc Ninh, Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Bắc Giang.
Đáng chú ý, dẫn nguồn từ Tổng cục Thuế, Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2019 lần đầu tiên cung cấp các danh sách 20 doanh nghiệp CNTT dẫn đầu về doanh thu, về số lượng lao động và nộp ngân sách nhà nước.
Cụ thể, Top 20 doanh nghiệp CNTT dẫn đầu về doanh thu gồm có Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (Thái Nguyên), Samsung Electronics Việt Nam (Bắc Ninh), Viettel (Hà Nội), VNPT (Hà Nội), Thế Giới Di Động (TP.HCM), Canon Việt Nam (Hà Nội), Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (Hà Nội), Sài Gòn Stec (Bình Dương), Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Thái Nguyên), Fuhong precision component (Bắc Giang); FPT Retail (TP.HCM), Công ty Cao Phong (TP.HCM), Công nghiệp Brother Việt Nam (Hải Dương), New wing interconnect technology (Bắc Giang), Intel products Việt Nam (TP.HCM), Jabil Việt Nam (Bắc Ninh), Funing precision component (Bắc Ninh), Si flex Việt Nam (Bắc Giang), Goertek vina (Bắc Ninh) và Dreamtech Việt Nam (Bắc Ninh).
Về số lượng lao động, các doanh nghiệp CNTT dẫn đầu gồm có Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Samsung Electronics Việt Nam Bắc Ninh, Canon Việt Nam, VNPT, Linh kiện điện tử Sanyo OPT Việt Nam, Điện tử Foster (Việt Nam), Viettel, Young Jin hi-tech Việt Nam và Thế Giới Di Động.
Những doanh nghiệp CNTT dẫn dầu về nộp ngân sách nhà nước lần lượt là Viettel, VNPT, Samsung Electronics Việt Nam Bắc Ninh, Thế Giới Di Động, Điện Stanley Việt Nam, Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên – Chi nhánh TP.HCM, Tổng công ty Dịch vụ viễn thông, Intel products Việt Nam, Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và Trung tâm hạ tầng mạng miền Nam - Chi nhánh Tổng công ty Hạ tầng mạng.
Cũng theo Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2019, công nghiệp CNTT tiếp tục là một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số trong 5 năm qua. Tính đến cuối năm 2018, tổng số doanh nghiệp CNTT đạt khoảng 40.000 doanh nghiệp, tăng 36,7% so với năm 2017. Tổng doanh thu công nghiệp CNTT đạt gần 103 tỷ USD, tăng 12,43% so với năm 2017. Trong đó, công nghiệp phần cứng điện tử đạt 91,5 tỷ USD; phần mềm đạt 4,45 tỷ USD; dịch vụ CNTT đạt 6,18 tỷ USD và nội dung số đạt 825 triệu USD; xuất khẩu trên 89 tỷ USD, đống góp gần 50.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Trong định hướng phát triển ngành TT&TT, với lĩnh vực công nghiệp CNTT, Bộ TT&TT đã xác định rõ định hướng chiến lược là phát triển doanh nghiệp công nghiệp số Việt Nam, các sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam”.