Phát biểu tại Industry Summit 4.0, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nói rằng đô thị thông minh là chủ đề nóng của khu vực và Việt Nam sẽ không đứng ngoài lề. Nghị quyết 52 vừa được Bộ Chính trị ban hành mới đây cũng nêu rất rõ mục tiêu của Việt Nam về phát triển chuỗi đô thị thông minh.
Thành phố thông minh là lời giải cho quá trình đô thị hóa tại Việt Nam. Tuy nhiên, chính phủ đang gặp nhiều bài toán hóc búa về hạ tầng kỹ thuật, khả năng kết nối, xử lý, lưu trữ dữ liệu cùng với đó là bảo mật dữ liệu công dân… Đây là lúc nổi lên vai trò cốt yếu của các doanh nghiệp sở hữu công nghệ hàng đầu thế giới, bề dày kinh nghiệm thiết kế và triển khai các thành phố thông minh.
Tại diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng bày tỏ mong muốn hợp tác sâu rộng về khoa học, công nghệ với các đối tác chiến lược có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến và đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thành tựu của Samsung tại Hàn Quốc
Hàn Quốc đã phát triển “Smart City” 20 năm qua dựa trên công nghệ tiên tiến của các tập đoàn tiêu biểu nhất xứ kim chi, dẫn đầu bởi Samsung. Di động hóa cho doanh nghiệp, xây dựng chính phủ điện tử, mạng di động 5G, nền tảng kết nối Brightics IoT... là những giải pháp Samsung đã cung cấp cho công cuộc chuyển đổi số ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Hàn Quốc.
Songdo, thành phố 600ha được mệnh danh “thông minh nhất trong thế giới các thành phố thông minh” là minh chứng hùng hồn cho kinh nghiệm của Samsung. Bắt đầu xây dựng từ năm 2001, thành phố này nổi tiếng với công nghệ hiện diện khắp mọi nơi. Cư dân có thể trò chuyện video cho hàng xóm bất cứ lúc nào, tham dự các khóa học từ xa thông qua hệ thống tích hợp sẵn trong căn hộ. Ngoài phố, các cảm biến sẽ thu thập thông tin như lưu lượng người tham gia giao thông, nhu cầu sử dụng năng lượng, chính xác khi nào xe buýt tới, tội phạm đang diễn ra ở đâu... để cảnh báo cho người dân và chính quyền.
Là thành phố thông minh đầu tiên, Songdo không tránh khỏi một số hạn chế, song đã truyền cảm hứng mạnh mẽ để Hàn Quốc xây dựng các “Smart City” tiếp theo như Busan và Sejong trong năm nay với Big data, Robot, IoT và AI... Thành phố tương lai Sejong sẽ có phương tiện vận tải chia sẻ, xe tự lái, thiết bị bay không người lái... Trong khi tại Bussan, năng lượng xanh và tái tạo, robot đỗ xe hay hỗ trợ chăm sóc người bệnh, tội phạm giảm 25%, tai nạn giao thông giảm 50%... chính là những điểm nhấn.
Samsung đang đóng góp mạnh mẽ trong việc phát triển các thành phố thông minh cũng như tiến trình chuyển đổi số của đất nước với thế mạnh hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin, chất bán dẫn, màn hình hiển thị, bằng sáng chế.... Song, hãng công nghệ Hàn Quốc này không giữ loạt giải pháp ấy cho riêng quốc gia, mà sẵn sàng chia sẻ để giải bài toán toàn cầu. Sự hiện diện hùng hậu của Samsung tại dải đất chữ S chính là sự bảo đảm cho cam kết thành công khi phát triển các thành phố thông minh.
Tầm nhìn của Samsung ở Việt Nam
Với 20 năm kinh nghiệm triển khai các siêu đô thị, Samsung có một tầm nhìn chiến lược xuyên suốt trong việc xây dựng và triển khai thành phố thông minh tại Việt Nam, nơi tập đoàn này đặt công xưởng lớn nhất thế giới.
Samsung cũng cam kết sẵn sàng chia sẻ nguồn lực công nghệ, con người, kinh nghiệm để phát triển các thành phố thông minh tại Việt Nam. Tại Industry Summit 4.0, tập đoàn này đã giới thiệu hàng loạt giải pháp tân tiến cho chuỗi thành phố thông minh Việt Nam.
Ông Võ Hồng Hải - Giám đốc ngành hàng CNTT và Khối doanh nghiệp (Samsung Vina) cho biết, các giải pháp thành phố thông minh của Samsung hiện hoạt động dựa trên nền tảng kết nối Brightics IoT do hãng tự phát triển. Nền tảng hỗ trợ đáng kể cho việc quản lý thời gian thực, kiểm soát đánh giá các trang thiết bị đang sử dụng từ mỗi toà nhà đến toàn thành phố.
Khác với hàng triệu nền tảng IoT khác trên thị trường, Brightics IoT đã đáp ứng được 3 yêu cầu quan trọng. Thứ nhất là dễ dàng tích hợp với các trang thiết bị thông minh, mọi phần mềm thu thập dữ liệu khác. Thứ hai là phân tích, xử lý, đóng gói thông tin rất nhanh chóng ngay tại thời điểm thu thập, thay vì phải chuyển về hệ thống máy chủ vốn mất rất nhiều thời gian, từ đó đưa ra giải pháp tương ứng ngay lập tức. Thứ ba là vấn đề bảo mật dữ liệu với nhiều lớp khoá và mã hoá toàn bộ trên đường truyền.
Với nền tảng Brightics IoT, hiện Samsung đang ứng dụng trong 4 giải pháp bao gồm: quản lý tòa nhà thông minh, hệ thống chiếu sáng đường phố thông minh, quản lý nông trại thông minh và quản lý từ xa…
Ví dụ như với giải pháp quản lý toà nhà thông minh (BMS), ông Hải cho biết dữ liệu sẽ được thu thập từ các trang thiết bị trong tòa nhà, phân tích và đưa ra giải pháp tối ưu nhằm chủ động hạn chế hư hỏng và dự báo mức năng lượng sử dụng hợp lý nhất. Công tác quản lý được đơn giản hoá thông qua các thiết bị di động, đảm bảo an toàn nhờ mã hóa thông tin, mật mã một lần và chỉ cho phép kết nối đối với các thiết bị đăng ký trước.
Với giải pháp đèn đường thông minh, hệ thống chiếu sáng sẽ được thay đổi theo kịch bản, đồng thời tích hợp các cảm biến đa nhiệm thu thập thông tin khác. Hệ thống này hiện đang được Samsung triển khai thí điểm tại Bắc Ninh. "Chúng sẽ thu thập dữ liệu cục bộ thời gian thực từ môi trường như chất lượng không khí, tình trạng giao thông…, sau đó phân tích và đưa ra gợi ý giải pháp mang lại lợi ích về hoạt động và tài chính", ông Hải cho biết.
Nguyễn Minh (tổng hợp)