Cách đây hơn 20 năm, các công tố viên Hàn Quốc đã kết án Chủ tịch của tập đoàn Samsung hùng mạnh các tội danh hối lộ Tổng thống. Chủ tịch Lee Kun-hee, bố của Lee Jae-yong, người vừa bị kết án 5 năm tù, lúc đó đã được hưởng án treo và sau đó là được lệnh ân xá của Tổng thống.
Khoảng 1 thập kỷ sau đó, ông lại bị truy tố một lần nữa, với các tội danh trốn thuế và tham nhũng. Nhưng ông lại tiếp tục thoát án tù.
Bức thông điệp từ vụ việc này rất rõ ràng: Samsung là một tập đoàn gần như “không thể chạm vào”, và cái gia đình điều hành tập đoàn Samsung có quyền lực to lớn tại Hàn Quốc.
Nhưng vào thứ Sáu vừa qua, các tòa án của Hàn Quốc đã gửi đi một bức thông điệp khác.
Lee Jae-yong, người thừa kế thế hệ thứ ba của đế chế Samsung, đã bị kết án 5 năm tù vì scandal hối lộ, tham nhũng khiến cựu tổng thống bị phế truất, gây chấn động cả các nền tảng kinh tế và chính trị đất nước.
Đó là một án tù rất đáng nói đối với một “đại gia” Hàn quốc, và là dấu hiệu cho thấy Hàn Quốc không còn sẵn sàng dung túng cho các lãnh đạo doanh nghiệp để đổi lấy sự tăng trưởng kinh tế.
Giờ đây, Hàn Quốc và Samsung - một đế chế kinh doanh lớn nhất đất nước, và một lực lượng công nghệ toàn cầu hùng mạnh - đang ở thời điểm bước ngoặt. Với Samsung, một tập đoàn lớn, án tù của Phó chủ tịch là một thử thách để xem liệu công ty có thể đứng vững mà không dựa vào một gia đình đã sáng lập ra công ty và từ lâu vẫn ỷ vào quyền lực cùng sự giàu có. Theo các nhà phân tích, Phó chủ tịch Lee và các thành viên gia đình vẫn có thể điều hành công ty trong nhà tù, cũng như cách mà các lãnh đạo công ty khác từng làm khi họ đang chịu án.
“Lee vẫn có quyền lực quyết định, ngay cả khi ông ở trong tù”, Chang Sea-jin, giáo sư của trường Đại học Quốc gia Singapore nói. “Ông ấy có thể sa thải bất cứ ai và các giám đốc, quản lý vẫn phải báo cáo với Lee”.
Các luật sư của Lee nói rằng họ sẽ kháng án. Hy vọng của họ không phải vô căn cứ. Bởi vì, cha của Lee, ông Lee Kun-hee, đã hai lần nhận được quyền ân xá của Tổng thống vì những việc làm sai trái. Nhưng Tổng thống hiện tại của Hàn Quốc, Moon Jae-in, và đảng chính trị của ông đã cam kết sẽ xóa sạch những hành vi mờ ám tại các tập đoàn kinh tế gia đình trị của Hàn Quốc, vốn nổi tiếng là các chaebol.
Trở lại năm 2005, các cuộc đối thoại giữa một lãnh đạo cấp cao của Samsung và một ông trùm báo chí, cả hai nhân vật đều gần gũi với gia đình Lee, đã bị rò rỉ cho giới báo chí địa phương. Điều đáng nói là những cuộc hội thoại này diễn ra 8 năm trước và bị ghi âm, đến năm 2005 mới rò rỉ. Trong các cuộc hội thoại, họ thảo luận về những khoản tiền đút lót cho các chính trị gia cấp cao và công tố viên cấp cao. Samsung đã lên tiếng xin lỗi nhưng rồi các bản ghi âm không được xem là bằng chứng buộc tội, vì chúng bị ghi âm trái phép.
Bố của Lee, ông Lee Kun-hee là con trai của nhà sáng lập ra Samsung - đã hai lần được các Tổng thống ân xá sau khi phạm tội hối lộ và nhiều tội danh khác. Nhưng Lee Kun-hee vẫn được người dân Hàn Quốc kính trọng vì giúp Samsung Electronics thành một nhãn hiệu chất lượng cao.
Hiện nay, Lee Kun-hee đang hôn mê và nằm viện nên Lee Jae-yong là nhà lãnh đạo thực tế của Samsung, trong đó có công ty điện tử Samsung Electronics. Dù vậy, theo ý kiến nhiều người, Lee có rất ít kiến thức, kinh nghiệm về việc điều hành tập đoàn. “Mọi người đều nhìn nhận công lao của ông nội và bố của Lee, vì đã sáng lập và tạo ra một tập đoàn Samsung như hiện nay”, Chung Sun-sup, biên tập viên của trang chaebul.com, một website chuyên phân tích về các chaebol, nói. “Nhưng họ không mấy thiện cảm với Lee Jae-yong vì ông có ít phẩm chất để kế thừa Samsung, ngoại trừ dòng máu họ Lee”.
Lee có hai chị gái, nhưng họ đều không mấy liên quan đến công ty điện tử Samsung và họ không được xem là đối thủ thừa kế của Lee.
Samsung vẫn có thể hoạt động khi Lee ngồi tù. Song có lẽ, thách thức ám ảnh nhất của Samsung là ngay cả Lee tự do và điều hành thì công ty vẫn gặp khó. Samsung đang mạnh về mảng phần cứng, từ chip nhớ đến smartphone và TV nhưng lại chật vật ở mảng phần mềm và dịch vụ. Còn một thách thức nữa đó là khi ông Lee Kun-hee qua đời, nguy cơ phân chia quyền lực và phe cánh đối lập trong Samsung sẽ xảy ra. Đó mới chính là thách thức lớn của Samsung, chứ không phải là mức án 5 năm tù của Lee Jae-yong. Bởi theo nhiều chuyên gia, 5 năm tù là mức án thấp nhất đối với các tội danh mà ông Lee phạm phải.