- Nếu cách đây 20 năm, các mẹ tự tay may quần áo là chuyện thường thì nay, việc tạo ra những bộ quần áo hand made cho con yêu đang là mốt của nhiều bà mẹ trẻ. Họ sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng sắm máy khâu để trổ tài may vá.

Những thợ may công sở

Chị Thu Hương (Phương Mai, Hà Nội) kể rằng hồi còn là sinh viên, chị cũng hay may vá thêu thùa nhưng chủ yếu làm các vật dụng thủ công như túi đựng điện thoại, khăn... Từ ngày có bầu, chị muốn tự tay may quần áo cho con. Ban đầu chị tỉ mỉ khâu tay, rất mất thời gian. Cuối cùng, chị “cắn răng” bỏ ra hơn triệu bạc sắm cái máy khâu Nhật “bãi” về dùng.

Không chỉ chị em vốn thích may vá mới quyết định gia nhập đội “thợ may” công sở, mà ngay cả những người từng cho rằng việc may vá thêu thùa rất tốn thời gian cũng dần bị trào lưu này “hớp hồn”.

Như trường hợp chị Quỳnh Phương (26 tuổi, Cống Vị, Hà Nội), thấy đồng nghiệp đua sắm máy khâu để may đồ cho con, nhận xét đúng là “vẽ chuyện” vừa tốn thời gian lại lích kích, có phải thời bao cấp nữa đâu mà hì hục khâu vá cho khổ.

{keywords}

Tự tay may quần áo cho con yêu đang là trào lưu của nhiều bà mẹ trẻ. Trong ảnh là một bà mẹ đang tự cắt may, và quần áo cậu con trai đang mặc là thành quả lao động vất vả nhưng chứa chan tình cảm của mẹ (ảnh nguồn facebook)

“Thấy mọi người may cho con những bộ đồ xinh, yêu, độc đáo lại chất chứa tình cảm; hơn nữa, tự may đồ cho con có thể chủ động chọn chất vải, kiểu dáng thoáng mát theo ý mình thế nên sau một thời gian bị các chị ‘đầu độc’, tôi cũng gia nhập đội thợ may trong công ty và đầu tư hẳn một chiếc máy may mini cho mình”, chị Phương cười nói.

Chị Vân Hà (nhân viên một công ty có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm) còn sắm hẳn 2 chiếc máy khâu, một chiếc để ở nhà, một chiếc để ở công ty. Chị Hà bảo, ban đầu mình mua một chiếc thôi, sau một thời gian may vá lên tay, có nhu cầu nâng cấp máy, nhưng tiếc chiếc máy cũ đã gắn bó với mình từ những đường kim mũi chỉ đầu tiên nên chị không nỡ bán đi. Để ở nhà lại chật, thế là chị mang một chiếc lên cơ quan, thi thoảng trong giờ làm việc tranh thủ “tăng gia sản xuất”.

Từ khi chị Hà đặt máy khâu ở cơ quan, phong trào may vá ở công ty rộn ràng hẳn lên. Công ty chị lập hẳn một hội nữ công để trao đổi kinh nghiệm cắt may. Ngoài ra, hội nữ công của chị thỉnh thoảng lại tụ tập vào buổi trưa và tranh thủ lên chợ Hôm mua “nguyên liệu sản xuất”.

{keywords}

Vải để may đồ cho con của chị Vân Hà

Sôi động thị trường mua - bán, cho thuê máy khâu

Đáp ứng nhu cầu may vá của các mẹ, trên thị trường hiện tại có rất nhiều loại máy khâu gia dụng với đủ mức giá. Phổ biến hiện nay có 3 dòng máy Brother, Toptek và Singer. Máy Singer và Brother có giá dao động từ 2-5 triệu đồng. Máy Topteck giá mềm hơn, chỉ từ 1-2,5 triệu đồng. Máy Nhật “bãi” có giá từ 700.000 đồng đến vài triệu tùy vào đời máy và độ cũ mới.

Ngoài loại máy khâu gia dụng còn có loại máy khâu mini cầm tay, giá chỉ vài chục đến hơn trăm nghìn. Đơn cử như máy khâu cầm tay Handy Stitch được bán với giá 140.000 đồng trên các trang rao vặt. Còn ở những trang mua bán rao vặt, loại máy này giá chỉ dưới 100.000 đồng. Mặc dù giá rẻ nhưng loại máy khâu cầm tay không được các mẹ ưa chuộng.

Chị Quỳnh Anh (Khâm Thiên, Hà Nội) chia sẻ, thấy quảng cáo máy may cầm tay vừa rẻ lại tiện dụng chị cũng sắm một cái, sau khi sử dụng thì vô cùng thất vọng. Máy phải dùng một lúc mới ăn chỉ vào vải. Lúc đầu chị sợ là vải dày quá nên bị thế, nhưng khi thử vải mỏng hơn vẫn gặp tình trạng tương tự. Chưa kể máy rất hay bị mắc chỉ, lại khó dùng vì phải cầm tay và giữ nút.

{keywords}

Nhiều chị em còn đặt máy khâu ở cơ quan để tranh thủ giờ làm việc “tăng gia sản xuất” (ảnh N.A)

Xuất phát từ thực tế nhiều mẹ không có điều kiện sắm máy “xịn” nên gần đây còn xuất hiện dịch vụ cho thuê máy may mini. Một thành viên quảng cáo trên diễn đàn: “Sau khi sinh các mẹ thường muốn tự tay làm tất cả mọi thứ cho con, thật hạnh phúc khi tự tay may cho con yêu những bộ đồ xinh xắn. Để hỗ trợ tốt nhất nguyện vọng trên bên mình triển khai dịch vụ cho thuê máy may mini”.

Dịch vụ cho thuê máy may thường kết hợp bán luôn máy nếu sau một thời gian, người thuê cảm thấy hài lòng với chất lượng và giá cả.

Không những thế, để đáp ứng nhu cầu trao đổi và giao lưu của các mẹ yêu thích may vá thêu thùa, trên facebook còn có hẳn một hội “Mua-bán - trao đổi vải vóc phụ kiện”. Có trường hợp các mẹ trao đổi với nhau những phần vải mua về không dùng hết. Cũng có khi một mẹ nhập được vải rẻ nên bán lại cho các mẹ khác, hay có mẹ là thợ may bán những mảnh vải vụn... Nhờ mức giá mềm, các bà mẹ tiết kiệm được khá nhiều so với vải mua ngoài chợ. Thường thì một mét vải giá từ vài chục đến hơn trăm nghìn, còn vải được bán trong hội chỉ vài chục nghìn cho một kilogram.

Nhị Anh