Ngày 17/10, phiên tòa xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2 tiếp tục với phần thẩm vấn.
Theo cáo buộc, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, do Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km. Trong đó, giai đoạn 1 dài 65km từ TP Đà Nẵng tới TP Tam Kỳ (Quảng Nam), thông xe tháng 8/2017, còn giai đoạn 2 dài hơn 74km, từ Tam Kỳ đến TP Quảng Ngãi, thông xe tháng 9/2018.
Tuy nhiên, khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông, gây bức xúc trong nhân dân.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, đại diện VEC cho hay, với tư cách nguyên đơn dân sự, VEC mong HĐXX trong quá trình xem xét giải quyết vụ án, trường hợp xác định được các nhà thầu thi công có những sai phạm, vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật Việt Nam gây thiệt hại cho chủ đầu tư thì yêu cầu phải bồi thường theo nguyên tắc thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó.
“Chúng tôi đã ký kết hợp đồng, các nhà thầu phải thực hiện xây dựng tuyến đường đảm bảo an toàn, đúng tiêu chuẩn chất lượng, theo phê duyệt. Nếu các nhà thầu thực hiện không đúng, để xảy ra sai sót, gây thiệt hại thì phải bồi thường cho chủ đầu tư”, lời người đại diện VEC.
Hàng loạt sai phạm
Theo cáo buộc, ông Nguyễn Văn Thuật, cựu Giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu A1 đã cùng tư vấn giám sát (TVGS) đệ trình văn bản đến Ban QLDA cho sử dụng mỏ đá đồi để thi công lớp đá dăm gia cố nhựa nhưng không được chấp thuận. Tuy nhiên, nhà thầu vẫn sử dụng đá này để thi công.
Đối với việc thi công các lớp bê tông nhựa hạt trung và hạt mịn; lớp bê tông nhựa tạo nhám, ông Thuật đã đề xuất sử dụng vật liệu nguồn của gói thầu A5, A2 để thi công cho gói thầu A1 và được chấp thuận.
Đối với việc thi công thử lớp bê tông nhựa tạo nhám tại Km70+100 – Km70+600 (trái tuyến), nhà thầu không có báo cáo thi công thử và chấp thuận việc thi công thử của TVGS, nhưng vẫn được thi công đại trà trên tuyến.
Việc thi công các lớp đá dăm gia cố nhựa, lớp bê tông nhựa hạt trung và bê tông nhựa hạt mịn, nhà thầu không tổ chức thi công thử trên hiện trường trước khi thi công đại trà; quá trình nghiệm thu không đo cường độ mô đun đàn hồi trên các lớp vật liệu. Bị cáo Thuật đã ký Biên bản nghiệm thu cơ sở nhưng không nghiệm thu chuyển bước thi công.
VEC đã thanh toán đối với các lớp vật liệu không đảm bảo chất lượng do ông Thuật nghiệm thu là hơn 47 tỷ đồng. Số tiền này bị coi là thiệt hại mà ông Thuật phải liên đới cùng bị cáo khác bồi thường cho VEC.
Tại tòa, ông Thuật nhiều lần khẳng định nhà thầu đã thực hiện đầy đủ quy trình, nếu có hỏng hóc thì đó chỉ là sai sót cục bộ, không đại diện cho toàn tuyến, cho toàn bộ lớp vật liệu và “thực tế công trình hiện nay không hư hỏng’’.
Theo lời khai của cựu Giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu A1, quá trình điều tra, nhà thầu có đơn gửi CQĐT khẳng định, nếu có sai sót, nhà thầu sẵn sàng khắc phục, thực hiện bảo hành đúng như hợp đồng.
Liên quan sai phạm khi nghiệm thu, bị cáo Thuật cho rằng, nghiệm thu của nhà thầu là đảm bảo, nhưng mẫu của nhà thầu và cơ quan giám định là khác nhau nên kết quả có thể sai khác nhưng chỉ là cục bộ.
Trong vụ án này, ông Nguyễn Thiên Nam, cựu Giám đốc Quản lý chất lượng, Ban điều hành liên danh gói thầu A1 bị cáo buộc: Để nhà thầu sử dụng nguồn vật liệu đá không được ban QLDA phê duyệt; sử dụng vật liệu của các gói thầu khác (A2 và A5) để thi công.
Ngoài ra ông Nam còn cho thi công thử mà không có báo cáo và chấp thuận thi công thử của TVGS đối với lớp bê tông nhựa tạo nhám tại lý trình K70+400 – Km70+600; Nhà thầu chưa thi công thử đối với các lớp bê tông nhựa hạt trung, hạt mịn và đá dăm gia cố nhựa.
Hành vi của ông Nam gây thiệt hại phải liên đới cùng bị cáo khác bồi thường cho VEC hơn 15 tỷ đồng.
Tại tòa, ông Nam cho rằng bản thân đã tuân thủ đúng trình tự thi công, không cố tình làm sai. “Dựa trên kết quả giám định xác định là chất lượng không đạt thì cũng khó nói, vì công trình đã đưa vào khai thác 2 năm rồi, kết quả vẫn đang sử dụng…”, lời khai của ông Nam.
Theo trình bày của cựu Giám đốc Quản lý chất lượng, Ban điều hành liên danh gói thầu A1, tội danh mà VKS truy tố đối với bị cáo là quá nặng nề. Nhận thấy mình có trách nhiệm, ông Nam và gia đình đã nộp khắc phục hậu quả vụ án 50 triệu đồng.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Sơn, cựu Giám đốc Quản lý chất lượng, Ban điều hành thi công gói thầu A2 bị cáo buộc đã có hành vi sai phạm, gây thiệt hại phải liên đới cùng bị cáo khác bồi thường cho VEC số tiền hơn 978 triệu đồng.
Trả lời thẩm vấn của HĐXX, ông Sơn khai chỉ làm giám đốc chất lượng trong vòng 1 tháng, sau đó một người Trung Quốc thay thế bị cáo. Gói thầu A2 có nhà thầu là Công ty Sơn Đông (Trung Quốc), giám đốc dự án cũng là người Trung Quốc, bản thân bị cáo có vai trò rất mờ nhạt.