Bệnh nhi 14 ngày tuổi tới khám tại Bệnh viện Bưu điện trong tình trạng toàn thân bị mưng mủ. Em bé quấy khóc, biếng ăn, mất ngủ vì ngứa ngáy.

Bác sĩ Bùi Thị Tâm, Phòng Sơ Sinh, Khoa Sản, Bệnh viện Bưu điện, người trực tiếp thăm khám cho biết, cháu bé bị viêm da mủ. Nguyên nhân khai thác từ gia đình là do chăm sóc sai cách, con được quấn quá nhiều lớp tã trong điều kiện nhiệt độ cao.

Trường hợp này sau đó phải điều trị thuốc kháng sinh, kháng khuẩn để tránh nhiễm trùng. Bác sĩ Tâm nhấn mạnh, nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể diễn tiến tới khuẩn nặng toàn thân, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Bệnh nhi nói trên chỉ là một trong số rất nhiều trẻ sơ sinh được Phòng sơ sinh tiếp nhận điều trị thời gian gần đây với biến chứng viêm da, viêm da mủ do chăm sóc sai cách.

Bác sĩ Tâm cho biết, trong mùa hè, thời tiết nắng nóng dài ngày tạo điều kiện lý tưởng cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Do sức đề kháng còn kém, trẻ sơ sinh rất dễ mắc các loại bệnh nếu không được chăm sóc đúng cách.

Bác sĩ Bùi Thị Tâm đã chỉ ra những sai lầm thường gặp nhất của phụ huynh khi chăm sóc trẻ sơ sinh vào mùa hè.

{keywords}
Bác sĩ Tâm chăm sóc cho trẻ sơ sinh

Để nhiệt độ phòng quá cao

Bác sĩ Tâm cho biết, nhiệt độ phòng lý tưởng cho cơ thể của trẻ sơ sinh là khoảng 24 đến 25 độ C. Em bé sơ sinh có nhu cầu năng lượng và chuyến hóa cao, thân nhiệt bé cao hơn người lớn từ 0.2 đến 0.5 độ C. Bởi vậy, nhiệt độ phòng cho bé thường thấp so với mức nhiệt cha mẹ thấy phù hợp.

Lưu ý, nhiệt độ phòng khác với nhiệt độ hiển thị trên điều hòa. Để đo nhiệt độ phòng, phụ huynh cần có máy đo hoặc nhiệt kế.

Một số gia đình vì sợ trẻ lạnh nên để nhiệt độ phòng quá cao, kết hợp quấn nhiều lớp tã cho em bé. Thông thường, trẻ sơ sinh chỉ nên có 1 lớp áo, một lớp tã (có thể thêm bỉm) và 1 lớp chăn bên ngoài. Tuy nhiên, nhiều gia đình đôi khi sử dụng tới 3, 4 lớp tã cho con. Hệ quả là trẻ ra nhiều mồ hôi đôi dẫn tới rôm sảy, viêm da, viêm da mủ nặng nề.

Bác sĩ Bùi Thị Tâm cũng nhấn mạnh, ngoài vấn đề về da, nhiệt độ phòng không phù hợp, khiến trẻ ra mồ hôi nhiều còn dễ làm cho em bé bị nhiễm lạnh, thân nhiệt không đảm bảo. Thực tế, nhiều bé đã phải nhập viện với những biến chứng như viêm đường hô hấp, viêm phổi.

Bên cạnh nhiệt độ, phụ huynh cũng nên chú ý đảm bảo độ ẩm trong phòng để tránh cho bé các bệnh về khô da, bong tróc da. Mức phù hợp nhất cho trẻ là từ 50 đến 60%, có thể lên đến 70%, được đo bằng máy đo độ ẩm. Phụ huynh có thể điều chỉnh độ ẩm bằng điều hòa, máy lọc không khí, máy phun hơi sương.

{keywords}
Để tránh cho bé các bệnh về khô da, bong tróc da, phòng cần đảm bảo đủ độ ẩm

Tắm cho trẻ chưa đúng cách

Bác sĩ Tâm chia sẻ, một  số gia đình thường nghe lời truyền miệng, sử dụng các loại lá để tắm cho con. Tuy nhiên, đây là biện pháp không được khuyến khích bởi da em bé rất nhạy cảm, trong khi chúng ta không thể tầm soát các chất bảo quản hoặc thuốc trừ sâu có trong lá.

Phương pháp được khuyên dùng là tắm nước kết hợp với sữa tắm chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh. Độ pH trong sữa tắm cho trẻ dao động từ 5.5 đến 6. Nhiệt độ nước tắm nên từ 32 đến 37 độ C, cần được đo bằng nhiệt kế.

Bác sĩ Bùi Thị Tâm đưa ra lưu ý, khi tắm xong cho trẻ, phần rốn nên được lau lại bằng nước muối sinh lý hoặc cồn 70 độ. Rốn để hở, không băng gạc để tránh nhiễm trùng, nhất là trong mùa hè.

Ở giai đoạn sơ sinh, hệ miễn dịch của trẻ còn yếu, bác sĩ khuyến cáo trẻ tốt nhất không nên ra ngoài. Nếu buộc phải ra ngoài trời, trẻ cần được che chắn cẩn thận, nên di chuyển bằng ô tô để tránh bụi bặm và ánh nắng chiếu trực tiếp.

Nguyễn Liên

Trẻ sơ sinh bầm tím khắp người vì người lớn thay nhau cấu véo chữa đầy hơi

Trẻ sơ sinh bầm tím khắp người vì người lớn thay nhau cấu véo chữa đầy hơi

Tin vào mẹo dân gian, gia đình cấu véo vào bụng trẻ sơ sinh để mong con khỏi trướng bụng.