Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 1.000 ngày đầu tiên từ khi thụ thai đến sinh nhật 2 tuổi là khoảng thời gian đặc biệt để thiết lập nền tảng cho sức khỏe, sự trưởng thành, ngăn ngừa tình trạng và hậu quả của thiếu dinh dưỡng.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo chuyên gia Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề “Dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời” vừa được Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp tổ chức
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết dù có nhiều cố gắng và tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em trong những thập kỷ gần đây, tuy nhiên Việt Nam vẫn là một trong 34 quốc gia đang đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng.
Theo thống kê của UNICEF, Việt Nam có 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi, trong đó tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa cao gấp 2 lần ở đồng bằng.
Tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng vẫn rất phổ biến, tỷ lệ thiếu máu chung ở trẻ em dưới 5 tuổi là 28%, ở dân tộc thiểu số là 31% và 32% ở phụ nữ mang thai. Chỉ 1/4 trẻ em dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn và 59% trẻ được cung cấp chế độ ăn dặm đầy đủ, đa dạng.
"Hiện chúng ta chưa có hướng dẫn đầy đủ về chế độ ăn cho phụ nữ có thai và bà mẹ nuôi con bú mang tính hệ thống. Bà mẹ và những người chăm sóc còn thiếu kiến thức đúng đắn về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Các nhân viên y tế cũng chưa coi trọng lĩnh vực dinh dưỡng trong quá trình khám chữa bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe trẻ em", ông Điển cho biết.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, chị Quách Thúy An, nữ hộ sinh Trạm Y tế xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, cho hay hầu hết các bà mẹ sắp sinh, mới sinh đã hiểu trẻ nhỏ cần được cho bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, nhưng một số chị em vẫn phụ thuộc bố mẹ, chăm sóc trẻ theo phong tục, tập quán cũ.
Một số người mẹ phải đi làm sớm khi chưa qua 6 tháng thai sản, nhờ ông bà trông con cả ngày. "Ông bà thường sốt ruột khi thấy trẻ khóc hoặc gầy so với con người khác, liền cho rằng sữa mẹ không đủ, không có dinh dưỡng hoặc trẻ khát, nên cho ăn dặm sớm, bú thêm sữa ngoài hoặc uống thêm các loại nước", chị An cho hay.
Thông tin từ hội thảo cho thấy tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, sai lầm phổ biến nhất của các mẹ là cho trẻ ăn dặm, uống nước trắng và các loại nước khác quá sớm, chế độ ăn không đầy đủ dinh dưỡng, việc thực hành cho trẻ bú mẹ sớm và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu còn chưa tốt dù đã có nhiều cải thiện so với trước đây,…
Đồng thời, các chuyên gia cũng cảnh báo thiếu sắt cao nằm ở nhóm trẻ bú mẹ trong 6 tháng đầu mà mẹ không được bổ sung sắt. Trẻ uống sữa công nghiệp quá nhiều trên 600ml/ngày, kém ăn cũng có nguy cơ thiếu sắt cao hơn. Tại các tỉnh phía Nam, lứa tuổi có tỷ lệ thiếu máu, thiếu sắt cao nhất là từ 12-24 tháng tuổi.
Cần xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hành dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời
Trước thực trạng về vấn đề dinh dưỡng tại Việt Nam hiện nay, các chuyên gia dinh dưỡng Nhật Bản cho biết quan điểm cơ bản về vấn đề hỗ trợ ăn dặm là hỗ trợ thúc đẩy sự tự lập trong ăn uống của trẻ, dựa trên việc tôn trọng sự khác biệt cá nhân của từng đứa trẻ, tạo nền tảng cho thói quen ăn uống lành mạnh, hỗ trợ hình thành mối quan hệ lành mạnh giữa con cái và cha mẹ.
Thêm vào đó, giáo dục ăn uống cũng cần được chú trọng. Một trong những mục tiêu của giáo dục ăn uống là tăng tỷ lệ người dân ăn chậm, nhai kỹ. Bởi nhai kỹ giúp kích thích phát triển não bộ ở trẻ, tăng lưu lượng máu não, làm tiết nước bọt, kích thích dịch tiêu hóa, tạo cảm giác no và ngăn ngừa béo phì. Việc phát triển kỹ năng nhai cần phải phù hợp với sự tăng trưởng, phát triển của từng trẻ nhỏ.
Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố để đạt được mục tiêu về giảm suy dinh dưỡng ở trẻ; thiếu máu ở phụ nữ có thai; cải thiện thực hành chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời... là cần xây dựng được tài liệu hướng dẫn thực hành dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời tại Việt Nam.
Tài liệu này được xây dựng dựa trên tính kế thừa các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế và tham khảo mô hình về chăm sóc cho bà mẹ và trẻ em của Nhật Bản, có giá trị liên quan đến thực tiễn và cá thể hóa ở mỗi trẻ, đồng thời hướng dẫn đó phải liên quan đến tính đa dạng của các vùng miền, địa lý và dân tộc.
Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn thực hiện nội dung thuộc Dự án 7 "Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em", trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Một trong những mục tiêu được Bộ Y tế đặt ra là hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời và trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cụ thể, đến năm 2025 sẽ giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể gày còm dưới 5%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân dưới 15% và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi dưới 27%.