Đền 30 triệu vì đạp nhầm chân ga khi lái thử ô tô
Để mua được 1 chiếc xe ô tô thật sự phù hợp, khách hàng cần cẩn trọng và kỹ lưỡng trong tất cả các quy trình. Bởi ô tô là một tài sản có giá trị lớn, là phương tiện di chuyển chính trên mọi cung đường và ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn tính mạng.
Chính vì vậy, bên cạnh chi phí mua xe, giá trị sử dụng của chiếc xe mang lại thì tính năng an toàn cần phải được đặc biệt chú trọng. Để đảm bảo được yếu tố thuận tiện và an toàn thì khâu lái thử xe thật sự cần thiết. Bởi trong quá trình lái thử, chủ xe sẽ cảm nhận rõ rệt nhất về khả năng vận hành và tính năng tiện nghi của chiếc xe.
Tuy nhiên trong quá trình lái thử ô tô nhiều người thường mắc sai lầm đã gây hậu quả nghiêm trọng. Mới đây nhất là một khách hàng đã phải đền bù số tiền hàng chục triệu đồng khi đạp nhầm chân ga, gây hư hỏng nặng chiếc xe Mitsubishi Xpander trong lúc lái thử ở showroom Mitsubishi Cầu Diễn - Hà Nội.
Mua xe ô tô nên thận trọng khi lái thử vì có thể gây hậu quả nghiêm trọng |
Cụ thể, anh Trần V.D (sinh năm 1987, trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cùng vợ đã đến showroom trên để mua xe một chiếc Mitsubishi Xpander số sàn. Sau đó được sự đồng ý của đại lý, anh D. đã lái thử chiếc Mitsubishi Xpander để trải nghiệm chất lượng và dịch vụ xe tại đây.
Tuy nhiên khi đưa xe vào bãi đỗ, anh D. đạp nhầm chân ga, khiến chiếc xe tăng tốc bất ngờ, lao thẳng vào vách kính ngăn khu tiếp khách của showroom. Hậu quả, cả mảng kính trên cao vỡ tan, đổ sập xuống mũi xe gây hư hại lớn ở phần đầu xe: đèn phải vỡ, nắp ca-pô móp méo, nứt kính chắn gió...
Sau tai nạn, chiếc xe trải qua hai lần đánh giá thiệt hại và báo giá cuối cùng để khắc phục lên tới 112.354.000 đồng. Phía anh D. phải đền bù khoảng 30 triệu đồng, phần còn lại do bảo hiểm và chính showroom bỏ tiền ra chi trả.
Tương tự, trước đó, vào khoảng tháng 3/2018, một tai nạn tương tự cũng xảy ra tại showroom Mazda Phạm Văn Đồng, Hà Nội. Theo đó, khách hàng tên Phạm Văn S. đến lái thử chiếc Mazda CX-5 2018 tại showroom trên. Tuy nhiên trong lúc lùi xe, anh vô tình để xảy ra va quệt gây hư hỏng chiếc Mazda CX-5 màu trắng.
Khi xảy ra tai nạn, anh S tự nguyện để lại chiếc xe máy để chờ giải quyết các thủ tục trách nhiệm dân sự liên quan đến tổn thất cho chiếc xe Mazda CX-5. Sau đó anh được đại lý Mazda Phạm Văn Đồng giải quyết vụ việc kể trên, hỗ trợ 100% chi phí khắc phục hậu quả không may do anh gây ra và anh đã nhận lại chiếc xe máy của mình.
Không chỉ có tại Việt Nam, trước đó một vị khách hàng là nữ giới đến một showroom của Hyundai ở thành phố Mandi, Ấn Độ và lái thử chiếc Elite i20 (dòng xe hatchback có kết cấu chung với i20 tại thị trường quốc tế). Sau khi ngồi lên xe trưng bày, vị khách nữ yêu cầu nhân viên bán hàng nổ máy để cô có thể xem nội thất rõ hơn. Tuy nhiên, vì bất cẩn mà vị khách hàng đã đạp nhầm chân ga dẫn tới việc chiếc xe lao vút về phía trước và đâm bể vách kính lớn ở mặt tiền đại lý.
Được biết, tổng thiệt hại của vụ tai nạn bao gồm các chí phí như sửa xe, thay kính mặt tiền ở đại lý lên tới hơn 5.600 USD (tương đương 132 triệu VNĐ).
Những lưu ý 'vàng' khi lái thử ô tô
Trước nhiều sự cố đáng tiếc trên, các chuyên gia ô tô cho rằng, người tiêu dùng cần phải đặc biệt lưu ý khi lái thử ô tô để tránh gây ra sự cố đáng tiếc, nhất là xem chiếc xe ô tô chuẩn bị mua có thực sự tốt hay không?
Trước tiên, nên nhìn từ bên ngoài xem mẫu xe lái thử có được nâng cấp gì so với mẫu xe mình sẽ "rước" về nhà không vì có một số hãng đã "makeup" chiếc xe lái thử trở nên "long lanh" hơn.
Hãy để ý vị trí ghế ngồi có thoải mái không, có dễ dàng điều chỉnh được vị trí ngồi dễ dàng không? Hàng ghế sau có đủ rộng rãi cho 3 người không? độ ngã lưng xe có thoải mái khi đi đường xe không, tựa đầu hàng ghế thứ 2,3 xe như thế nào? Các khoảng trống trần xe, khoảng không gian để chân hàng ghế thứ 2,3 có phù hợp cho gia đình hay mục đích kinh doanh không?
Hệ thống lạnh trên xe làm việc như thế nào nhanh hay chậm? độ ồn từ hệ thống lạnh, hàng ghế thứ 2 và 3 có hốc gió lạnh không và khả năng làm mát ở các hàng ghế này. Chất lượng âm thanh từ hệ thống giải trí, radio (tùy cảm nhận từng người).
Tầm nhìn kính chắn gió có rộng không, tìm nhìn từ góc chữ A khi vào cua. Vô-lăng xe có dễ dàng điều khiển, có nhanh chóng trở về vị trí chuẩn khi vào cua? có chắc tay hay trơn trượt? các nút bấm trên vô-lăng dễ dàng sử dụng không?
Độ trễ ga khi xe tăng tốc, độ nhạy của xe khi tăng tốc. Xe có thể tăng tốc chậm nhưng việc phản ứng nhanh với chân ga sẽ giúp bạn dễ dàng vượt xe khác khi cần thiết.
Độ ồn của xe khi tăng tốc, khi đi qua các gờ giảm tốc hay đi trên đường sỏi đá. kiểm tra độ ồn kết hợp cùng hệ thống giải trí. khi hệ thống giải trí tắt đi và khi hệ thống giải trí mở vừa nghe.
Tốc độ tối đa của xe - đây chỉ là con số tham khảo vị đường xá việt nam khó có thể chạy đến con số maximum của xe. Tuy nhiên nếu có điều kiện bạn cần thử xe lên đến tốc độ 60Km/h, 80Km/h và 100-120 Km/h, để thử khả năng ổn định của xe, thử hệ thống phanh và thử độ ồn của xe, độ ồn của gió hay động cơ vào cabin.
Ở tốc độ 60Km/h nên thử khả năng vào cua của xe (tùy theo xe mà vào cua gấp hay nhẹ) xem độ ổn định của xe, có bị văng đuôi không. Ở tốc độ này kết hợp việc thử phanh xe, quãng đường của phanh.
Ở tốc độ 80Km/h vào cua nhẹ xem độ ổn định của xe, xe có bị lắc chay chao đảo không. Phanh gấp xem thời gian phanh và quãng đường phanh.
Tốc độ trên 100Km/h kiểm tra độ ổn định của xe ở tốc độ cao, hệ thống phanh của xe.
Thử các tính năng địa hình, lẫy chuyển số trên vô-lăng, chế độ hành trình tự động, các chế độ hoạt động của xe để cảm nhận sự vận hành của xe...
(Theo Viet Q)