Ngày 6/6/2005 dường như là một khoảnh khắc thắng lợi huy hoàng của Intel. 

Hãng chip lớn nhất thế giới đang thống trị thị trường vi xử lý dành cho máy tính Windows. Rồi thì Steve Jobs bước lên sân khấu Hội thảo các nhà phát triển toàn cầu WWDC năm đó thông báo rằng ông cũng dự định chuyển sang dùng chip Intel cho máy tính Mac. Tuyên ngôn này đã khẳng định vị thế của Intel với tư cách hãng đi đầu trong kỷ nguyên PC.

Thế nhưng một sai lầm tai hại đã xảy ra: Tại thời điểm đó, Apple đã bắt tay vào phát triển iPhone rồi (dù 2 năm sau mới công bố chính thức), và Intel đã từ chối cơ hội cung cấp vi xử lý cho iPhone khi được Apple đích thân đề nghị, tưởng rằng Apple không thể đạt đủ doanh số để bù đắp chi phí phát triển.

Lỗi nhận định!

{keywords}
Cựu TGĐ Paul Otellini của Intel cầm 1 smartphone trong phần thuyết trình năm 2011.

Và nhận định không thể sai hơn đó đã mở đầu cho tất cả những bi kịch sau này.

Hôm qua, Intel thông báo hãng này sẽ phải sa thải 12.000 nhân viên, tương đương 11% tổng nhân lực toàn cầu của hãng. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự trầy trật thích nghi của gã khổng lồ chip trong kỷ nguyên hậu PC. Intel vẫn không có được chỗ đứng đáng kể trên thị trường di động, khi iPhone, iPad và smartphone/tablet Android hầu hết đều sử dụng chipset của chuẩn đối thủ ARM.

Tất nhiên, Intel vẫn có lãi. Quý I/2016, hãng này lãi 2 tỷ USD, nhưng tăng trưởng đã chậm hẳn lại. Phố Wall, như thường lệ, tỏ ra lo ngại về tương lai của Intel.

Intel không thể trách ai ngoài chính mình khi bỏ lỡ cơ hội khổng lồ với iPhone. Lỗi nhận định của Intel là một thí dụ kinh điển cho điều mà bậc thấy doanh nhân Clay Christensen gọi là "phát minh mang tính hủy diệt" - ám chỉ một công nghệ rẻ tiền, đơn giản và ít lợi nhuận từng bước ăn mòn thị trường của những công nghệ đã chín muồi hơn.

Rất không may, Intel đã gia nhập danh sách dài những công ty không biết phải ứng xử ra sao với những mối đe dọa mang tính "hủy diệt" như smartphone. Họ không hiểu rằng, PC đòi hỏi hoàn toàn khác ở con chip so với máy tính.

Chìa khóa thành công của PC là hiệu suất. Những con chip có sức mạnh điện toán cao hơn sẽ chạy được các ứng dụng phức tạp hơn, hoàn thành các tác vụ nhanh hơn và đa nhiệm mượt hơn. Trong thập niên 90, Intel và các đối thủ miệt mài chạy đua để tăng xung nhịp chip mà không hề quan tâm tới mức tiêu thụ điện năng. Các con chip hiệu suất cao thường ngốn điện năng nhiều hơn, nhưng với PC, đây chẳng phải vấn đề to tớn do máy tính để bàn luôn cắm điện. Ngay cả laptop cũng có pin lớn và có thể cắm điện bất cứ lúc nào người dùng cần.

Sai tới 2 lần!

Nhưng bước sang kỷ nguyên smartphone và máy tính bảng thì câu chuyện ngoặt sang hướng khác hẳn. Những thiết bị này có pin nhỏ và người dùng muốn mỗi ngày họ chỉ phải sạc lại một lần. chip x86 tỏ ra hoàn toàn lạc điệu đối với những chủng loại thiết bị mới này.

{keywords}
Intel bán XScale để dồn toàn lực cho nền tảng Atom

Thay vào đó, các hãng di động lựa chọn kiến trúc chip ARM của Anh - được thiết kế ngay từ đầu đã dành cho di động. Chúng có thể không mạnh như các con chip cao cấp của Intel, nhưng tiêu thụ điện năng ít hơn hẳn. Và đó chính là điều mà các hãng smartphone cần.

Tuyệt hơn nữa, kiến trúc ARM cho phép tùy biến cao. ARM nhượng quyền thiết kế của mình cho những hãng như Qualcomm hay Samsung để sản xuất chip. Nhờ đó mà các hãng smartphone có thể linh hoạt kết hợp nhiều công năng khác nhau lên 1 con chip duy nhất. Việc tích hợp nhiều thứ, kiểu như lưu trữ dữ liệu và xử lý hình ảnh, vào trong một con chip sẽ giúp hạ thấp mức điện năng tiêu thụ.

Với những ưu điểm như vậy, chip ARM nhanh chóng thống trị thị trường di động. Còn Intel thì bị bỏ lại tít đằng xa trong cuộc chạy này.

Điều đáng nói là Intel có không chỉ một, mà tới 2 cơ hội để có thể vươn lên trở thành một thế lực đáng kể trên thị trường chip di động. Một là việc nhận lời cung cấp chip cho iPhone (nhưng Intel đã từ chối), và hai là việc sở hữu XScale, một hãng chip dựa trên cấu trúc ARM đã bị Intel bán đi vào năm 2006 với giá 600 triệu USD.

Intel bán XScale vì hãng muốn tập trung nguồn lực cho kiến trúc chip x86. Intel đang phát triển một phiên bản tiết kiệm điện của x86 là Atom khi ấy, và hãng này tin rằng bán chip ARM sẽ khiến mình ít "tận tâm" với nền tảng Atom hơn. Éo le thay, chip Atom chẳng được mấy ai quan tâm. Intel đã có nhiều tiến bộ trong việc cải thiện hiệu suất ở chip Atom, nhưng các hãng chip ARM là bậc thầy trong việc tạo ra những con chip siêu tiết kiệm pin. Với họ, đó là nhiệm vụ duy nhất, trong khi Intel chỉ coi đó là việc phụ. Bề dày kinh nghiệm 10 năm cũng là một lợi thế không thể phủ nhận.

Ở mức nào đó, bạn có thể nói rằng Intel đã không may và đặt cược nhầm chỗ. Hãng lẽ ra nên liều lĩnh hơn với hợp đồng iPhone hoặc nên đặt cược cho XScale hơn là Atom. Nhưng ở mức sâu hơn, không có gì quá bất ngờ khi Intel lựa chọn con đường mà hãng đã và đang đi bây giờ. Hãng này chưa bao giờ nghĩ rằng thị trường chip di động đủ lợi nhuận để đáng phải mạo hiểm. Trong mắt hãng, PC luôn là mảng kinh doanh béo bở, lãi nhiều. Một thiết bị di động có khi còn rẻ hơn cả giá của 1 con chip cao cấp nhất của Intel. Tỷ suất lợi nhuận thì mỏng. Điều mà Intel không nhận ra là thị trường smartphone có thể bùng nổ đến quy mô hàng tỷ con chip mỗi năm. Mỗi con chip bán ra có thể lãi ít, nhưng khi nhân với quy mô đó thì con số cuối cùng không hề nhỏ chút nào.

Trọng Cầm