Tôi đi khám được chẩn đoán bị tiền đái tháo đường và phải giảm cân. Vì vậy, tôi cắt bỏ hoàn toàn mỡ và thịt ra khỏi bữa ăn hằng ngay và thay bằng cơm, vừng lạc, rau củ, nhưng nhiều người nói cách làm này là không đúng. Xin bác sĩ tư vấn (Hoàng Việt, Hà Nội)
Bác sĩ Nguyễn Huy Cường, nguyên bác sĩ tại Khoa Nội tiết - Chuyển hóa Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, tư vấn:
Bột đường dư thừa mới là nguyên nhân chuyển hóa thành mỡ máu, mỡ gan và gây ra béo phì, đái tháo đường. Từ năm 1990 đến năm 2010, Quỹ “The Bill & Melinda Gates” và Hội Đồng “Medical Research Council” đã tài trợ cho các nhà nghiên cứu để kháo sát chất lượng ăn uống của người dân trên 187 nước.
Nghiên cứu đã cho thấy thức ăn ở một số chế độ ăn lành mạnh nhất - Địa Trung Hải, Bắc Âu, Pháp và Nhật. Điểm chung của các chế độ ăn này đó là tất cả đều chứa nhiều thức ăn địa phương và theo mùa vụ. Chúng có nhiều rau quả và hải sản nhưng ít thịt đỏ (bò heo cừu…).
Nhiều nghiên cứu đã thực hiện để đánh giá các lợi ích về mặt sức khỏe của chế độ ăn Địa Trung Hải. Chế độ ăn này chứa nhiều trái cây, rau củ, hạt ngủ cốc còn nguyên vỏ, quả hạch và dầu ô liu. Chế độ ăn này có số lượng cá và gia cầm vừa phải. Thịt đỏ và các thức ăn nhiều đường và muối chỉ chiếm một phần nhỏ.
Vì vậy, một chế chế độ ăn cân bằng, ăn mỗi thứ một ít, nên ăn các thức ăn theo mùa. Không có thực phẩm nào là tốt nhất nếu bạn ăn nhiều quá một loại thực phẩm nào đó thực phẩm tốt cũng thành xấu.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám - Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tư vấn:
Hiện có rất nhiều người sợ chất béo, chất đạm. Khi giảm cân họ cắt luôn hai chất này ra khỏi thực đơn.
Tuy nhiên, chất béo có rất nhiều vai trò với sức khỏe. Đầu tiên, chất béo là nguồn cung cấp năng lượng mà cơ thể chúng ta vẫn cần hàng ngày. Chất béo cũng là dung môi hòa tan các vitamin trong dầu (vitamin A, D, E, K). Chất béo cũng là chất cung cấp dinh dưỡng cho màng tế bào,… Vì vậy, ai cũng cần đến chất béo nhưng chỉ đủ, không để mỡ thừa.
Chất đạm cũng tương tự, nếu loại bỏ chất đạm ra khỏi chế độ ăn sẽ gây tiêu cơ, ảnh hưởng tới sức khỏe. Chất đạm là nguyên liệu tạo nên kháng thể, giúp tăng sức đề kháng. Để giảm béo, chúng ta có thể lựa chọn chất đạm, chất béo từ động vật như thịt, cá, trứng, sữa, hay từ thực vật như đậu, đỗ… tuyệt đối không loại bỏ hoàn toàn.
Người bệnh đái tháo đường nên ăn uống điều độ, chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và trung bình để tránh đường trong máu tăng cao.
Khi muốn giảm cân, bạn ăn chế độ như thế nào vẫn phải đảm bảo nguyên tắc chung là đảm bảo năng lượng nạp vào thấp hơn năng lượng tiêu hao. Ví dụ, bạn cần 2.000 calo/ngày, bạn cần giảm cân có thể tính toán ăn thực phẩm khoảng 1.500-1.600 calo/ngày.