- Vừa qua Bộ GD-ĐT chính thức gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng chính phủ giao công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Bộ GD-ĐT - TS Hoàng Minh Tuấn đã có bài viết phân tích về những sai lầm khi hệ thống giáo dục đào tạo bị chia cắt cần gỡ bỏ?
Hai sai lầm
Có thể nói công tác dạy nghề đã từng phát triển trong những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước ở miền Bắc phục vụ cho nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp. Lúc ấy dạy nghề chủ yếu gồm có các trung tâm dạy nghề, trường công nhân kỹ thuật và trường trung học chuyên nghiệp đảm nhận. Trường dạy nghề lúc đó được sự giúp đỡ tận tình của các nước thuộc khối kinh tế XHCN, nhiều trường dạy nghề như Việt – Đức, Việt Nam – Ba Lan, Viêt- Tiệp, Việt - Xô.
Ảnh minh họa |
Người học ra trường đều được nhà nước phân công sắp xếp công tác, không bao giờ lo thất nghiệp, không làm trong nước thì đi “hợp tác lao động” – xuất khẩu lao động ngày nay. Chính mô hình dạy nghề ấy rất phù hợp cho mô hình kinh tế lúc bấy giờ. Ở trong Nam trước 1975, giáo dục nghề nghiệp khá đa dạng với các trường trung học kỹ thuật kết hợp dạy nghề với giáo dục phổ thông đặt dưới sự quản lý của Bộ Quốc gia giáo dục và sau này đổi tên thành Bộ Giáo dục – Văn hóa và Thanh niên.
Đất nước sau 1975 và đi vào đổi mới ở giữa những năm 80, mô hình kinh tế chuyển đổi khiến hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhà nước lâm vào cảnh giải thế và hàng triệu lao động thiếu việc làm. Trước tình cảnh ấy công tác dạy nghề cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, người học xong không có việc làm ở đầu ra, viện trợ của các nước thuộc phe XHCN cũng cắt giảm dần, đất nước bị cấm vận nền kinh tế chịu lạm phát nặng nề.
Đến năm 1986, bắt đầu công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Tổng cục Dạy nghề sáp nhập về Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (THCN) và từ 9 vụ chỉ còn lại một Vụ Đào tạo nghề. Các Ban giáo dục chuyên nghiệp trực thuộc UBND tỉnh cũng bị xóa sổ luôn.
Đến năm 1990, Chính phủ thành lập Bộ GD-ĐT trên cơ sở sáp nhập Bộ Giáo dục và Bộ Đại học và THCN - đưa Vụ Đào tạo nghề hợp nhất với Vụ THCN và gọi là Vụ THCN và dạy nghề. Đây có thể xem là sai lầm thứ nhất trong việc xóa sổ cơ quan đầu não cấp Tổng cục quản lý công tác dạy nghề trong thời kỳ bước vào đổi mới từ năm 1986.
Khi mô hình kinh tế chuyển đổi nhưng cơ quan quản lý về dạy nghề và các trường dạy nghề vẫn không theo kịp mô hình kinh tế mới, vẫn tâm lý thụ động, trông chờ bao cấp cả đầu vào và đầu ra…trường nghề vẫn không phát triển được và teo tóp đến mức không thể teo tóp hơn ở nhiều dịa phương.
Khi nhận thức được sai lầm, năm 1997 Bộ GD-ĐT khởi thảo Đề án tái thành lập Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ và Ban Khoa Giáo ủng hộ tham mưu với Thủ tướng giao cho Bộ GD-ĐT quản lý để đảm bảo tính thống nhất trong một hệ thống.
Tuy nhiên, các nhà tham mưu chính sách bấy giờ chẳng cần nghiên cứu khoa học thiết kế bộ máy, không cần nghiên cứu tác động của hệ thống, ra quyết định mang tính áp đặt để cho ra Nghị định 33/1998/NĐ-CP lúc ấy và giao về cho Bộ LĐTBXH quản lý công tác dạy nghề với lý do dạy nghề gắn với việc làm. Đây là một cái sai lầm của ngành giáo dục đã không quan tâm sớm công tác dạy nghề do thiếu hiểu biết về GDNN của người lãnh đạo mà chỉ mải mê đổi mới ở giáo dục ĐH và giáo dục phổ thông.
Hai sai lầm liên tiếp kể trên sau hơn một thập kỷ đã kéo theo hàng loạt những sai lầm mà ngày hôm nay hệ thống GDĐT đang hứng chịu.
Hệ quả
Một là, hệ thống giáo dục bị tách ra làm 2 mảng do 2 Bộ quản lý làm những việc gần như nhau về xây dựng chính sách, chiến lược, cơ chế về đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên, xây dựng chương trình, giáo trình, kiểm định chất lượng, hình thành thêm cơ quan chức năng về quản lý học sinh, sinh viên ở hai Bộ- dẫn đến lãng phí tiền ngân sách do tốn gấp hai lần với các việc giống nhau và phân tán nguồn lực.
Chất lượng đào tạo vì thế sau gần hai thập kỷ vẫn chưa tạo ra sự đột phá, năng suất lao động Việt Nam vẫn ở hạng gần áp chót trong ASEAN, và có đến 80% lao động trong độ tuổi chưa qua đào tạo để có trình độ chuyên môn kỹ thuật (nguồn Bộ KHĐT 2015).
Hai là, thêm đầu mối quản lý, thiếu tích hợp chức năng quản lý nhà nước đã dẫn đến sự phình biên chế lên nhanh chóng ở cả Trung ương và địa phương. Ở địa phương do hai sở quản lý công tác GDNN, mọc thêm phòng dạy nghề thuộc sở LĐTBXH nhưng lại gồm những cán bộ không có kinh nghiệm GDNN để quản lý..
Bà là, sai lầm về thể chế đối với dạy nghề khi Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Dạy nghề có hiệu lực vào năm 2007.
Việc sinh ra 3 trình độ trong dạy nghề (sơ cấp nghề, trung cấp nghề (TCN) và cao đẳng nghề (CĐN) - với mục đích thu hút người học) đã phá vỡ tính hệ thống cả về giáo dục, đào tạo và thị trường việc làm.
Thông thường khi thiết kế trình độ đào tạo trong nền kinh tế thị trường thì phải tuân theo trình tự: từ thị trường lao động -> xuất hiện các nghề nghiệp -> Nhu cầu kiến thức, kỹ năng, thái độ/năng lực -> các trình độ -> hệ thống cơ sở đào tạo cung cấp.
Nhưng việc định ra TCN và CĐN không hề có một nghiên cứu nào đối với thị trường lao động trong và ngoài nước, không nghiên cứu xu hướng về những nghề nào sẽ phải đào tạo ở trình đô nào…tất cả nhốt vào một “rọ” của TCN, CĐN và tạo ra sự xung đột trong hệ thống của TCCN và CĐ do Bộ GD-ĐT quản lý.
Vì thế, cùng gọi là CĐ nhưng chương trình của CĐN hoàn toàn khác CĐ và khác nhiều so với chương trình của thế giới…Đến ngày hôm nay, hàng triệu lao động vốn có bậc thợ từ bậc 2 đến bậc 7 không biết quy đổi thế nào nào với các trình độ dạy nghề. Ngay cả trình độ CĐ do Bộ GD-ĐT quản lý người ta cũng chẳng định nghĩa được một cách minh bạch vị trí, vai trò của người lao động có trình độ này trên thị trường lao động.
Nguy hại hơn là chúng ta không thể quy hoạch được mạng lưới cơ sở GDNN ở địa phương do các trình độ không phân biệt nổi, không dự báo được nhu cầu và mạnh địa phương nào địa phương ấy tiêu tiền ngân sách để làm trường nghề. Người học thì mải mê chen chân vào các trường CĐ, ĐH, nhiều địa phương có trường nghề xây dựng hàng trăm tỉ đồng đã không có đủ người học...
Bốn là, hệ thống bị phân tán, thiếu tính tiêu chuẩn khó khăn cho hội nhập quốc tế , đào tạo liên thông và hình thành xã hội học tập, trong điều kiện trên 84% lao động trong độ tuổi chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Rất nhiều chuyên gia về giáo dục đào tạo, các nhà tài trợ nước ngoài đến Việt Nam đều không hiểu nổi hệ thống GDĐT nói chung và GDNN nói riêng của Việt Nam.
Hệ thống GDĐT bị cắt khúc quản lý đã dẫn đến sự phình biên chế, lãng phí trong đầu tư do quy hoạch kém, việc công nhận chất lượng văn bằng chứng chỉ trong quốc gia có đến hai cơ quan cùng tham gia quản lý, khiến cho người học, các đối tác nước ngoài rất khó khăn trong việc đầu tư vào lĩnh vực này. Con đường phân luồng vẫn đang tắc nghẽn do cơ hội việc làm và học liên thông chưa được cải thiện. Mỗi Bộ có một “luật” riêng về đảm bảo chất lượng, kiểm định do vậy người học không thể có điều kiện được công nhận miễn trừ thành tích của mình trong quá khứ để học tiếp lên cao hơn.
Năm là, chính sai làm về công tác quản lý nhà nước đã dẫn đến sự bất bình đẳng ngay trong lòng hệ thống.
Từ những sai lầm trong nhận thức và trong hành động sẽ dẫn đến những hệ quả lãng phí chồng lãng phí.
Chống lãng phí?
Sự chồng chéo trong quản lý nhà nước về GDNN nói riêng và về GDĐT nói chung đã làm cho những lãng phí đầu tư công chồng lên lãng phí do cả hai Bộ đều làm những công việc gần giống như nhau trong công tác đào tạo nghề. Nhưng lãng phí lớn nhất có thể thấy ở công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch mạng lưới dạy nghề.
Sự lãng phí không phải chỉ ở đầu tư ngân sách mà còn lãng phí nguồn đất đai để xây dựng trường nghề. Mỗi trường CĐ nghề ít ra cũng phải vài ba hecta đất ở nơi đô thị để xây dựng, nhưng để rồi vắng bóng người học…
Việc quy hoạch và tổ chức mạng lưới dạy nghề không chỉ chồng chéo với các trường TCCN, CĐ do ngành giáo dục quản lý mà còn chồng chéo các nghề, trình độ đào tạo nghề với các trường nghề do các Bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội cũng có trường nghề trên địa bàn.
Trong khi chương trình kết cấu theo nguyên tắc xếp chồng module (theo Luật dạy nghề 2006) từ sơ cấp đến trung cấp và cao đẳng nghề thì kinh phí cho xây dựng chương trình sẽ giảm bớt rất nhiều. Sự lãng phí này đến từ một Thông tư liên tịch giữa Bộ LĐTBXH và Bộ Tài chính làm cho mỗi chương trình TCN chi khoảng 450 đến 475 triệu VNĐ, còn chương trình CĐN thì chi khoảng 480 đến trên 500 triệu một chương trình với vỏn vẹn chỉ khoảng 15 trang giấy (gấp nhiều lần một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ). Việc này cần có thanh kiểm tra về tính hiệu quả?
Trong khi thách thức của hội nhập rất lớn, đòi hỏi phải tập trung ý chí, nguồn lực tạo ra sức mạnh thống nhất thì nguồn lực vẫn được đầu tư dàn trải, lãng phí. Chính sự bao cấp kinh phí và “ tiền chùa” kiếm dễ, Bộ LĐTBXH có sáng kiến “hội nhập” để tiêu tiền ngân sách bằng cách phát triển nghề có cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia. Nhưng khái niệm nghề cấp độ độ quốc tế cũng rất mờ mịt, không giống ai.
Sự lãng phí còn tăng lên nhiều khi đầu tư ngân sách nhà nước về cho các trung tâm dạy nghề cấp huyện. Đầu tư thiếu đồng bộ cơ sở vật chất, con người và thiết bị, không hình thành được mạng lưới liên kết, học chữ tại các trung tâm GDTX tách rời với học nghề…dạy nghề theo kiểu phong trào cả làng học một nghề…
Trên phạm vi quốc gia, sự lãng phí còn thể hiện ở sự ách tắc trong phân luồng và hướng nghiệp do sự chia cắt trong quản lý hệ thống GDĐT. Ngành lao động không thể nào can thiệp được vào các trường THCS và THPT để làm công tác dạy nghề hướng nghiệp do bất cập quản lý hiện nay.
Kết quả thanh niên vẫn đổ xô vào học THPT, cố gắng thi vào CĐ, ĐH để rồi học không nổi hoặc bỏ học hoặc thất nghiệp. Một đất nước với 100 triệu dân trong một tương lai rất gần, nguồn lực còn phải thắt lưng buộc bụng cho các khoản chi khác mà hệ thống GDĐT còn bị chia cắt như hiện nay, trong khi tỷ lệ lao động chưa có chuyên môn kỹ thuật rất cao đến 80% là thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Một số người nói rằng dạy nghề đang “ phát triển ổn định”, nhưng chất lượng và hiệu quả trong sự phát triển ổn định ấy cần được nhận dạng một cách khoa học, biện chứng đúng bản chất với cái tầm nhìn hệ thống thống nhất của một quốc gia đang phát triển năng động như Việt Nam.
TS.Hoàng Minh Tuấn