Chính những sai lầm này đã tạo áp lực cho trẻ, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ cho sự phát triển của trẻ sau này.
Nhiều bố mẹ chưa coi việc vui chơi là quan trọng đối với trẻ. |
Khi cho con học trường mầm non, hầu hết bố mẹ thường đặt kỳ vọng rằng con mình sẽ học được những kỹ năng quan trọng cần thiết để chuẩn bị tốt nhất cho quá trình học tập sau này. Để đáp ứng nhu cầu, mong muốn của bố mẹ, các trường mầm non ra sức dạy những kỹ năng vượt cấp như học tính, học chữ,…
Chính những kỳ vọng của bố mẹ đã tạo áp lực cho con và gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý trẻ.
Dưới đây là những lỗi bố mẹ thường mắc khi cho con đi học mầm non:
1. Đánh giá thấp vai trò của vui chơi
Bố mẹ thường nghĩ vui chơi chỉ là giải trí, thậm chí vô bổ và hạn chế những hoạt động vui chơi mà trẻ yêu thích chỉ vì nghĩ rằng điều đó là không tốt (sợ con nghịch bẩn, sợ con chơi dại…). Thực tế, vui chơi không chỉ là nhu cầu tất yếu, nó còn đem lại những lợi ích thiết thực tác động lớn đến quá trình phát triển của trẻ, đặc biệt là trong những năm đầu đời.
Nhà tâm lí học người Mỹ - Lawrence J. Cohen, trong cuốn Playful parenting cho rằng: “Hoạt động quan trọng nhất của trẻ ở tuổi này chính là tự do vui chơi”. Trong một cuốn sách khác mà ông là đồng tác giả - The art of roughhousing (Tạm dịch: Nghệ thuật nô đùa) có viết: “Vui chơi, đặc biệt là các hoạt động thể chất lành mạnh, như nô đùa, nghịch ngợm giúp trẻ thông minh, phát triển cảm xúc, đáng yêu, đạo đức, khỏe mạnh và vui vẻ hơn”.
2. Kì vọng quá nhiều ở con
Ngày nay, bố mẹ có xu hướng cho con học hết kiến thức này đến kiến thức khác mà không cho chúng thời gian và không gian “thở”. Chính vì mong muốn của bố mẹ muốn con có được nền tảng kiến thức tốt để chuẩn bị vào lớp 1, sợ con “không theo kịp các bạn”, tâm lí chạy theo đám đông, các trường mầm non thường dạy trước kiến thức “hàn lâm” như toán, luyện chữ, tập đọc,…
Sự kì vọng thái quá về khả năng của con lại là phản tác dụng, vì khi đó trẻ bị tạo áp lực, dẫn đến quá tải, mỏi mệt cả về thể chất lẫn tâm lí, từ đó càng khó hấp thụ kiến thức mới. Chưa kể việc cho con học trước kiến thức còn lấy đi hứng thú học tập sau này (vì đã biết hết nên không muốn học lại).
Trẻ bị ảnh hưởng như thế nào do những nhận thức sai lầm của bố mẹ?
Tất cả những gì mà cha mẹ và nhà trường nên làm là trao "quyền được chơi" cho trẻ |
Angela Hanscom - một chuyên gia nhi khoa của Mỹ cho rằng, trẻ em đang bị nhồi nhét kiến thức quá sớm. Bà gọi đây là một “đại dịch đang phát triển”. Khi phỏng vấn hiệu trưởng của một trường mầm non, bà nhận thấy một số dấu hiệu tiêu cực của trẻ như sau:
- Dễ nổi nóng, dễ khóc.
- Không chịu ngồi yên, thường xuyên rời khỏi chỗ ngồi của mình.
- Giảm độ tập trung chú ý.
- Không để ý xung quanh, thường xuyên va vào nhau, thậm chí va cả vào tường.
- Không kiểm soát được cảm xúc, kĩ năng giải quyết vấn đề kém.
- Gặp khó khăn với những giao tiếp xã hội cơ bản.
Những điều này trước đây không xảy ra, nhưng giờ lại trở nên phổ biến. Đó là những dấu hiệu dễ nhận thấy bên ngoài, chưa kể đến những ảnh hưởng về lâu dài như giảm khả năng tư duy sáng tạo, suy nghĩ độc lập, tính tò mò để tìm tòi khám phá cái mới.
Giải pháp nào là tốt nhất để giải quyết vấn đề này?
Điều quan trọng nhất là cha mẹ và nhà trường cần thay đổi tư duy và hành động trong việc giáo dục trẻ mầm non. Hãy cho trẻ có khoảng trống để vui chơi, nô đùa, thậm chí là mắc lỗi và vấp ngã.
Hanscom đã chia sẻ trên tờ Washington Post: “Cả cha mẹ và giáo viên nên cố gắng tạo cơ hội cho trẻ tự do vui chơi, như tôi đã từng làm với con mình. Điều thú vị là lúc tham gia những hoạt động tự do vui chơi ngoài trời là lúc trẻ phát triển những kĩ năng sống cơ bản nhưng cần thiết để có thể thành công trong những năm tiếp theo”.
Thay vì dạy trẻ bằng phương pháp cứng nhắc, gò bó, bắt trẻ ngồi ngay ngắn, giao các bài tập liên quan đến bút chì, giấy để trẻ làm thì hãy dạy trẻ mọi lúc mọi nơi, bất cứ lúc nào bằng các trò chơi vận động, phát triển nhận thức, kỹ năng.
Bố mẹ cũng nên dành nhiều thời gian trò chuyện và tìm hiểu cảm xúc, suy nghĩ của trẻ. Thay vì nhồi nhét những kiến thức từ sớm, nên cho trẻ tham gia các hoạt động lành mạnh, tham gia các câu lạc bộ nghệ thuật như vẽ, nhạc… nhưng phải đảm bảo đúng nghĩa là tự do vui chơi, nghĩa là trẻ có thể quyết định những hoạt động mà mình yêu thích và hứng thú. Nếu có thể, hãy chuẩn bị cho trẻ về mặt tâm lí trong giai đoạn thay đổi môi trường học từ mầm non lên tiểu học.
Trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo cần được vui chơi. Tất cả những gì mà cha mẹ và nhà trường nên làm là trao "quyền được chơi" cho trẻ và tạo không gian để cho trẻ chơi. Hãy để những kinh nghiệm học tập của người lớn lại.
(Theo Afamily)