Theo kế hoạch, chiến dịch chia làm 4 giai đoạn; lực lượng chủ chốt tham gia chiến dịch là Cụm tập đoàn quân (TĐQ) Nam do Thống chế Fedor von Bock chỉ huy. Đây là một trong những cánh quân chủ lực của Đức Quốc xã tham chiến trong hầu như toàn bộ Thế chiến thứ hai, đặc biệt là tại mặt trận Xô-Đức.

Ngày 28/6/1942, chiến dịch Blau được mở màn bằng cuộc tấn công của TĐQ thiết giáp số 4 do Thượng tướng Hermann Hoth chỉ huy vào Voronezh, một thành phố có tầm quan trọng chiến lược nằm trên bờ sông Đông. Đòn đột phá mạnh mẽ của quân Đức đã chọc thủng tuyến phòng ngự của quân đội Liên Xô tại điểm tiếp giáp giữa TĐQ 13 (Phương diện quân Bryansk) và TĐQ 40 (Phương diện quân Tây Nam).

{keywords}
Lính Đức tham gia chiến dịch Blau. Ảnh: Wikipedia

Sau hai ngày, Hoth đã mở được một đột phá khẩu rộng hơn 50km và sâu 40km về hướng Voronezh và đến ngày 6/7 thì chiếm được một nửa thành phố Voronezh trên bờ tây sông Đông.

Đúng vào lúc này, tức giận vì sự chậm trễ trong việc kết liễu Liên Xô và tin rằng “Xô-viết đang trên đà tan rã”, lại bị "ngây ngất" bởi những thắng lợi ban đầu của chiến dịch, một tham vọng lớn đã nảy sinh trong đầu Hitler. Ngày 7/7/1942, nhận được tin báo cáo về những bước tiến khả quan của tướng Hoth, từ đại bản doanh ở Đông Phổ, Hitler thực hiện chuyến thị sát mặt trận phía đông và dừng chân tại Poltava, Ukraina.

Tại đây, ông ta quyết định chia Cụm TĐQ Nam thành hai phần: Cụm TĐQ A và Cụm TĐQ B. Cụm A do Thống chế Siegmun Wilhelm List chỉ huy (bị Hitler thay thế ngày 10/9/1942) và gồm các TĐQ số 11, 17, TĐQ thiết giáp số 1, số 4 và TĐQ số 8 của Italia, sẽ tiến công vào khu vực Kavkaz. Cụm B do Thống chế Fedor von Bock (sau là Đại tướng Maximilian von Weichs) chỉ huy và gồm các TĐQ số 6, TĐQ số 2, TĐQ thiết giáp số 4 của Đức, các TĐQ số 2 của Hungary, số 8 của Italia... chịu trách nhiệm tác chiến tại hướng Volga-Đông.

Trước lời can ngăn của một số chỉ huy dưới quyền, Hitler vẫn không thay đổi quyết định và khăng khăng cho rằng "chỉ cần một cú huých mạnh bằng các TĐQ xe tăng là chế độ Xô-viết sẽ đổ nhào".

Nhiều nhà nghiên cứu - kể cả trong nội bộ quân đội Đức Quốc xã cho rằng, bằng việc chia tách này, Hitler đã vi phạm nguyên tắc tối quan trọng của nghệ thuật chiến tranh là tập trung binh lực: Quân Đức tiến công đồng thời theo hai hướng ngày càng xa rời nhau, đây là tiền đề cho việc bị Hồng quân Liên Xô bao vây tiêu diệt về sau.

Thượng tướng Kurt von Tippelskirch đánh giá, cùng với việc mở rộng phạm vi tác chiến trên cả hai mặt trận Stalingrad và Kavkaz, quyết định chia Cụm TĐQ Nam thành hai phần là “một sai lầm", bởi đã làm "quá tải" các đơn vị quân đội Đức khi trung bình mỗi TĐQ phải tác chiến trên một chính diện từ 350 đến gần 600km, trong khi quân số và phương tiện không phải là vô hạn.

Không những thế, nó còn làm cho các đơn vị ở tuyến trước ngày càng xa rời các đầu mối căn cứ hậu cần và không quân chủ yếu như Rostov, Poltava, Dniepropetrovsk, Zaporozhe từ 700 đến 900km. Trong khi mạng lưới đường sắt phía sau mặt trận không đáp ứng được một khối lượng luân chuyển quân đội và phương tiện khổng lồ như vậy. Sự tắc nghẽn giao thông sau đó đã làm chậm quá trình tấn công của cả hai Cụm TĐQ A và B.

Việc Hitler truất quyền chỉ huy Cụm TĐQ A của Thống chế Wilhelm List và tự mình điều hành cánh quân này với những quyết sách rất không phù hợp, cũng làm cho tình hình quân đội Đức vốn đã bế tắc về chiến lược ngày càng trở kém cơ động hơn.

Hitler và các tướng lĩnh chủ chốt Đức Quốc xã đã đánh giá thấp sức mạnh chính trị-tinh thần và tiềm lực quốc phòng của Liên Xô. Kết quả của sự coi thường đối thủ đó đã dẫn đến việc chia đều Cụm TĐQ Nam và tấn công vào Kavkaz trong khi các diễn biến ở khu vực Stalingrad chưa thể hứa hẹn một chuyển biến có tính bước ngoặt. Cả hai Cụm quân A và B đều không đủ lực lượng để tác chiến lâu dài trên hai hướng chiến lược có trung tâm mặt trận cách xa nhau từ 800 đến trên 1.000km, nghĩa là bằng hơn 1/3 chiều dài toàn bộ mặt trận Xô - Đức sau tháng 10/1942.

Với việc đưa quân vào Kavkaz, mật độ tác chiến trung bình của quân Đức giảm đi 1/3, trong đó, mật độ xe tăng trên 1km chính diện giảm chỉ còn một nửa; mật độ tác chiến của không quân cũng thưa mỏng hơn trên một vùng trời có diện tích gấp đôi so với thời điểm tháng 6/1942.

Ngoài những đòn phản công quyết liệt của Hồng quân Liên Xô đã chặn đứng hai đạo quân khổng lồ thì những toan tính, tham vọng quá mức của Hitler đã làm suy yếu sức chiến đấu của quân Đức trên thực tế. Kết cục là sau một năm, quân Đức đã mất toàn bộ những kết quả mà họ giành được trước đó. Đồng thời, họ còn mất đi vĩnh viễn quyền chủ động chiến lược với những tổn thất không gì có thể bù đắp được.

>>> Đọc tin thế giới mới nhất trên Vietnamnet

Nguyên Phong

Giải mã chiến dịch tàn khốc trong Thế chiến 2 mang mật danh Blau

Giải mã chiến dịch tàn khốc trong Thế chiến 2 mang mật danh Blau

Những mục tiêu cơ bản và ý đồ chiến lược áp dụng trong chiến dịch Blau được nhiều nhà nghiên cứu coi đây là một phiên bản của “Barbarossa”.

Cái kết của một đạo quân tinh nhuệ Nhật Bản

Cái kết của một đạo quân tinh nhuệ Nhật Bản

Đạo quân Quan Đông là một trong 6 tổng quân của lục quân Nhật Bản, được thành lập năm 1919 để bảo vệ Quan Đông là tô giới của Nhật tại Trung Quốc.